Tim mạch

Hệ thống tim mạch, còn được gọi là hệ thống tuần hoàn, là hệ thống di chuyển máu đi khắp cơ thể con người. Nó bao gồm tim, động mạch, tĩnh mạch, và mao mạch. Nó vận chuyển máu ôxy từ phổi và trái tim trong suốt toàn bộ cơ thể thông qua các động mạch.

Giới thiệu chung

Hệ thống tim mạch, còn được gọi là hệ thống tuần hoàn, là hệ thống di chuyển máu đi khắp cơ thể con người. Nó bao gồm tim, động mạch, tĩnh mạch, và mao mạch. Nó vận chuyển máu ôxy từ phổi và trái tim trong suốt toàn bộ cơ thể thông qua các động mạch. Máu đi qua các mao mạch nằm giữa tĩnh mạch và động mạch.
Bệnh tim mạch ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của tim và các mạch máu, là thủ phạm gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. Gián đoạn hoặc không cung cấp đủ ôxy đến các cơ quan trong cơ thể làm các cơ quan nội tạng bị phá huỷ hoặc thậm chí gây ra chết người. Nếu bị bệnh tim mạch, tim và não có nguy cơ bị ảnh hưởng cao. Một số bệnh tiêu biểu: Huyết áp cao, Đột quỵ, Suy tim, Bệnh động mạch vành, Xơ vữa động mạch...

Triệu chứng

Triệu chứng bệnh tim mạch

Khó thở
Khó thở do bệnh tim mạch thường xuất hiện khi khả năng bơm máu của tim bị suy yếu hoặc có sự cản trở trên dòng máu chảy từ tim vào các mạch máu. Khi sức bơm máu của tim giảm xuống sẽ gây ra khó thở do ứ trệ máu và dịch, điều này dẫn tới sự gia tăng áp lực máu ở phổi gây rò rỉ dịch vào các phế nang (túi khí nhỏ ở phổi).
Khó thở đột ngột về đêm là cơn khó thở xuất hiện khoảng vài giờ sau khi bạn đi ngủ, là hậu quả của lượng dịch tích tụ ở hai chân vào ban ngày thấm trở lại dòng máu khi bạn nghỉ ngơi vào ban đêm. Hiện tượng này làm tăng gánh nặng cho tim và tăng áp lực máu ở phổi gây cơn khó thở.
Ðau ngực
Nhồi máu cơ tim hoặc cơn đau thắt ngực không ổn định xảy ra khi một trong các nhánh của động mạch vành bị lấp tắc hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn. Triệu chứng đau ngực trong nhồi máu cơ tim cũng có tính chất giống như cơn đau thắt ngực nhưng kéo dài hơn (>20 phút) và không thuyên giảm khi ta nghỉ ngơi và khi bệnh nhân dùng một số thuốc giãn mạch.
Đau ngực cơ năng hay đau ngực do căn nguyên tâm lý đôi khi rất khó xác định vì thực tế một số trường hợp có thêm bệnh lý thực tổn đi kèm. Một nghiên cứu được tiến hành trên những phụ nữ tuổi trung niên có biểu hiện đau ngực nhưng không hẹp động mạch vành cho thấy: sự mất thăng bằng về nội tiết là một trong số các nguyên nhân gây ra cơn đau.
Ðánh trống ngực
Nhịp tim nhanh và không đều, còn gọi là rối loạn nhịp, có thể xảy ra ở người khoẻ mạnh nhưng cũng có thể là một biểu hiện gợi ý bệnh tim mạch. Nhịp tim rất nhanh xuất hiện không liên quan đến gắng sức thường do các rối loạn gọi là tim nhanh kịch phát trên thất hay tim nhanh nhĩ kịch phát, các thuật ngữ y học này để chỉ nhịp tim nhanh có căn nguyên từ các buồng phía trên của quả tim, gọi là tâm nhĩ.
Ngất xỉu
Bệnh tim mạch thường gây ngất xỉu nhất là các rối loạn về nhịp như nghẽn nhĩ thất (tim đập đều đặn là do những tín hiệu thần kinh được truyền nhịp nhàng từ tâm nhĩ xuống tâm thất, nghẽn nhĩ thất là khi sự dẫn truyền này bị gián đoạn).
Lúc đó tim sẽ đập rất chậm, không đủ khả năng đưa máu và dưỡng khí lên nuôi bộ não. Ngược lại, vì một lý do nào đó khi tim đập quá nhanh (nhiều hơn 150 lần/phút), khả năng bơm máu lên não của tim bị giảm sút cũng có thể gây ngất.
Phù
Về bản chất hiện tượng phù là do nước thoát quản khỏi lòng mạch để ứ đọng ở khoảng gian bào gây phù. Do vậy, thực tế thường phát hiện được phù ở các vị trí trên nền xương cứng hoặc nơi mô lỏng lẻo.
Trong các bệnh tim mạch, vì lý do nào đó mà tuần hoàn ở hệ tĩnh mạch bị ứ trệ (thường do suy tim bên phải) làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch gây hiện tượng nước trong tĩnh mạch ra ngoài gian bào ứ đọng gây phù.
Một số trường hợp tắc tĩnh mạch cũng gây phù, nhưng ở đây là phù cục bộ tương ứng trước chỗ tắc tĩnh mạch.
Tím tái
Tím trung ương khi máu tĩnh mạch và máu động mạch bị trộn lẫn với nhau ngay trong quả tim do một luồng thông bẩm sinh nằm giữa tim trái và tim phải hoặc do khuyết tật di truyền tạo nên một buồng tim chung (máu động mạch có màu đỏ tươi do giàu ôxy còn máu tĩnh mạch có màu đỏ thẫm do đã nhường ôxy cho cơ thể). Tím trung ương cũng có thể do một bệnh lý phổi đang tiến triển như khí phế thũng ngăn cản ôxy hoà tan vào máu động mạch.
Mệt mỏi
Tình trạng mệt mỏi ở người mắc bệnh tim mạch còn có thể do thuốc gây ra, khoảng 10% số người dùng thuốc điều trị hạ huyết áp than phiền vì cảm thấy mệt mỏi tăng lên.
Nhiều bệnh thể chất khác gây mệt mỏi bao gồm thiếu máu và các bệnh mạn tính như suy nhược tuyến giáp, đái đường và bệnh lý về phổi... Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi ngay từ khi thức giấc cho tới cuối ngày với một mức độ gần như không đổi thì nguyên nhân có lẽ do rối loạn tâm thần hơn là bệnh tim mạch, thường nhất là chứng trầm cảm.

Điều trị bệnh tim mạch

Điều trị bệnh tim mạch

Theo sự phát triển của khoa học, y học đã có những bước tiến lớn trong việc điều trị bệnh tim mạch. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, bệnh nhân tuỳ theo bệnh trạng có thể được thực hiện các ca mổ thích hợp.
Đây là phương pháp điều trị can thiệp. Những ca mổ này thường áp dụng điều trị cho chứng động mạch vành, điều trị bệnh tim mạch vành. Bên cạnh đó, có những thảo dược, rất gần gũi với đời sống nhưng có hiệu quả rất tốt trong điều trị bệnh.
Như cúc hoa, theo Tây y, có chứa tinh dầu, các vitamin A, B, một số axít amin và nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó đáng chú ý có selen – một nguyên tố thần diệu khử gốc tự do điển hình chống ôxy hoá, chống lão hoá và crom là chất phân giải và bài tiết cholesterol, phòng chống các bệnh tim mạch.
Hoặc đan sâm có tác dụng chữa trị sự rối loạn tuần hoàn tim và não. Loại thảo dược này còn hiệu nghiệm trong điều trị chứng hồi hộp, đau nhói và thắt ngực, mất ngủ, vàng da và có tác dụng an thai.
Việc điều trị bệnh tim mạch dù theo phương pháp nào cũng cần có sự kiên trì và tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ, cũng như thường xuyên kiểm tra sức khoẻ tim mạch.

Phòng ngừa

Phòng ngừa bệnh tim mạch

Ăn nhiều rau xanh, hoa quả và cá
Các chất dinh duỡng có trong các loại rau xanh vô cùng phong phú. Các chất chống ôxy hóa trong chúng giúp tăng cường sức khoẻ cho hệ tim mạch
Chất chống ôxy hoá làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhờ khả năng chống viêm của chúng đối với các mạch máu. Đồng thời, chúng giúp loại bỏ sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Những loại trái cây và rau quả, chẳng hạn như cam, chuối và nấm cũng có rất nhiều kali giúp điều hoà huyết áp.
Các bác sĩ khuyến nghị bạn nên ăn 5-9 phần ăn trái cây và rau quả (3 loại rau và 2 loại trái cây khác nhau) mỗi ngày nhằm bảo đảm cung cấp sự cân bằng các chất dinh duỡng mà cơ thể cần.
Cắt giảm các chất béo có hại
Chế độ ăn uống ít chất béo được coi như một 'tấm lá chắn' giúp bạn chống lại các căn bệnh tim mạch. Điều bạn nên làm là cố gắng cắt giảm lượng chất béo bão hoà có trong các sản phẩm từ bơ, sữa, thịt… trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đây là thủ phạm khiến mức độ cholesterol xấu tăng và làm giảm cholesterol tốt.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, các bữa ăn hàng ngày chỉ nên có khoảng 1% lượng thức ăn có chứa chất béo bão hoà. Ngoài ra, những loại thực phẩm như bơ thực vật, dầu, thức ăn chiên xào và bánh ngọt cũng không tốt cho những người bị bệnh tim mạch, vì thế hãy hạn chế với những loại đồ ăn này.
Có những điều rất đơn giản trong cuộc sống dưới đây lại có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Biết rõ tình trạng sức khoẻ của mình
Biết rõ về tình trạng sức khoẻ của mình sẽ giúp bạn khỏe mạnh hơn. Hãy tới bác sĩ để kiểm tra lượng cholesterol, lượng đường trong máu, và các dấu hiệu của bệnh tiểu đường, huyết áp để biết chắc chắn về tình trạng sức khoẻ hiện tại của mình.
Nếu bạn có nguy cơ mắc những bệnh liên quan đến tim mạch thì bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều chỉnh chế độ ăn uống, làm việc, tập thể dục… sao cho phù hợp nhất với bạn.
Một điều quan trọng khác là, những bệnh liên quan đến tim mạch có phần nhiều yếu tố là do di truyền. Vì vậy, nếu tiền sử gia đình bạn có bệnh tim mạch thì bạn càng cần chú ý và đi kiểm tra sức khỏe sớm.
Chăm tập luyện thể dục
Tập thể dục có thể làm tăng lipoprotein tỷ trọng cao - thường được gọi là cholesterol 'tốt', và giảm lipoprotein tỷ trọng thấp - cholesterol 'xấu'.
Bạn không nhất thiết phải tập thể dục ở một cường độ cao, chỉ cần 30 phút đi bộ mỗi ngày cũng đã giúp điều hoà hệ tim mạch, tăng cường nhịp tim, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Không hút thuốc
Hãy nói không với thuốc lá. Hút thuốc dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tim mạch vành tăng 2-4 lần. Đồng thời, hút thuốc còn làm hẹp động mạch, tăng huyết áp và làm tăng khả năng bị đông máu, là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau tim.
Đặc biệt, nếu bạn hút thuốc, những người xung quanh cũng sẽ bị 'hút thuốc thụ động'. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ những người xung quanh bạn. Những người không hút thuốc nhưng nếu thường xuyên bị tiếp xúc với khói thuốc lá cũng có nguy cơ gây ra bệnh tim.

Chăm sóc bệnh nhân tim mạch

Chăm sóc bệnh nhân tim mạch

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tim mạch

Kiêng cữ trong ăn uống được xem là một biện pháp điều trị các bệnh tim mạch. Ðối với một số bệnh như cao huyết áp, suy tim, hay tiểu đường, suy thận, chế độ kiêng cữ hợp lý sẽ giúp cải thiện triệu chứng của bệnh, giảm bớt lượng thuốc cần phải uống hàng ngày, tăng tác dụng của một số thuốc điều trị. Tuy nhiên trên thực tế, biện pháp điều trị này hầu như chưa được thực hiện đúng để đem lại hiệu quả cho bệnh nhân.

Chế độ ăn

Trước hết cần phải hiểu rõ quan niệm về kiêng cữ của Tây y. Dân gian ta thường cho rằng kiêng cữ nghĩa là phải tránh dùng một vài loại thức ăn nào đó, chẳng hạn không được ăn thịt bò, cá lóc, trứng vịt, rau muống v.v... Thật ra, Tây y quan tâm nhiều hơn đến loại chất trong thức ăn, chẳng hạn chất đạm (thịt, cá...), chất béo (dầu, mỡ...), chất tinh bột (gạo, khoai...), chất xơ (rau củ), hay kali (có nhiều trong nho, chuối) v.v... Do đó, nếu bác sĩ khuyên nên kiêng bớt chất đạm nghĩa là bạn phải hạn chế ăn thịt cá, bất kể loại thịt hoặc cá nào. Nếu bạn không ăn thịt nhưng vẫn ăn nhiều cá thì cũng không đạt được hiệu quả gì.
Ðối với phần lớn các bệnh tim mạch, bác sĩ thường khuyên bạn kiêng ăn mặn và chất béo. Hạn chế ăn mặn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nếu bạn bị suy tim, cao huyết áp. Ăn mặn ở đây không phải là chay-mặn mà là mặn-lạt, nghĩa là bạn phải hạn chế muối. Muối có nhiều trong nước chấm, các loại thức ăn khô như cá khô, chà bông, mắm... Tóm lại là bạn phải tránh những thức ăn có vị mặn. Một câu hỏi thường được đặt ra là phải hạn chế đến mức độ nào? Xin nêu một ví dụ, người bệnh suy tim nặng chỉ nên ăn tối đa 5g muối NaCl (tương đương với 2 muỗng cà phê muối ăn) cho cả ngày, tính cả lượng nêm nếm trong khi nấu. Chế độ ăn như vậy sẽ làm thay đổi khẩu vị nên đa số mọi người (nhất là ở nông thôn) có thói quen ăn mặn hầu như không thể thực hiện được. Như vậy phải làm sao? Cách tốt nhất là bạn phải hạn chế ăn mặn đến mức tối đa có thể được. Hãy tập thay đổi từ từ, đầu tiên đừng dùng nước chấm khi ăn, tránh các loại mắm, cá thịt khô, nếu cần hãy nấu ăn riêng. Nên nhớ rằng nếu thực hiện được chế độ kiêng cữ tốt thì không những bệnh thuyên giảm mà còn giúp bạn giảm bớt được thuốc men, đỡ tốn tiền chữa bệnh.
Nếu bác sĩ cho biết bạn bị rối loạn mỡ máu hay béo phì, bạn nên hạn chế ăn chất béo như thịt mỡ, phô mai, kem, bơ. Các loại thức ăn này làm tăng lượng cholesterol trong máu, đọng lại trong mạch máu gây nhiều bệnh như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...
Người bệnh tim không cần phải kiêng ăn chất đạm nếu không bị bệnh khác kèm theo (như bệnh thận) vì đây là nguồn cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể. Ðặc biệt là các bệnh nhân bị bệnh tim nặng, suy kiệt càng cần phải ăn nhiều chất đạm để tạo đủ năng lượng cho cơ thể. Bạn nên tư vấn bác sĩ về chế độ ăn của mình, loại thức ăn nào cần phải kiêng và loại nào không cần để có một chế độ hợp lý.
Các loại rau quả, trái cây chứa nhiều chất xơ, vitamin và các khoáng chất vi lượng. Nói chung loại thức ăn này thường chỉ có lợi chứ không hại gì đối với cơ thể, ngoài ra chất xơ còn giúp hoạt động của hệ tiêu hóa dễ dàng, tránh được táo bón. Một số trái cây còn chứa các chất có tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch, như bưởi có thể làm giảm mỡ trong máu, cà chua có thể giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não... Tuy nhiên trước những thông tin như vậy, người bệnh thường lại hay áp dụng một cách quá đáng, như mỗi ngày ăn tới vài ký bưởi, uống đến chục ly nước cà chua. Xin nhớ rằng nguyên tắc quan trọng nhất trong vấn đề ăn uống vẫn là điều độ. Ngoài ra một chất rất quan trọng đối với tim là kali có nhiều trong các loại quả như nho, chuối, dừa. Ðể tim hoạt động tốt, lượng kali trong máu phải ổn định, không quá nhiều hay quá ít. Trong các thuốc chữa bệnh tim, có loại thuốc làm giảm kali, có loại lại làm tăng lượng kali trong máu. Do đó, bạn phải hỏi kỹ bác sĩ xem mình có cần kiêng cữ các loại trái cây này hay không?

Nước uống

Nhiều người cho rằng uống càng nhiều nước càng tốt vì giúp lọc sạch cơ thể. Thật ra, quan niệm này không hẳn là đúng, nhất là với bệnh tim hay bệnh thận. Ðối với một người khỏe mạnh, khi uống nhiều nước, tim và thận phải tăng hoạt động để thải bớt nước ra ngoài, giữ sự cân bằng trong cơ thể. Ngược lại, ở người đã có bệnh tim hay bệnh thận, hai cơ quan này không còn hoạt động tốt nên nước sẽ bị giữ lại trong cơ thể gây triệu chứng khó thở, phù, thậm chí còn gây ra tình trạng 'ngộ độc nước', biểu hiện qua triệu chứng lơ mơ, hôn mê. Nói chung, người bị bệnh tim nên uống nước theo nhu cầu cơ thể, nghĩa là chỉ uống khi cảm thấy khát. Nếu bệnh của bạn chỉ ở mức độ nhẹ, việc hạn chế uống nước là không cần thiết. Những trường hợp suy tim nặng chỉ nên hạn chế uống khoảng 1 lít nước mỗi ngày. Nên nhớ rằng uống quá ít nước cũng rất nguy hiểm vì có thể gây tụt huyết áp, choáng váng, chóng mặt. Bác sĩ sẽ cho biết nhu cầu nước thế nào là phù hợp với mức độ bệnh của bạn.

Chất kích thích

Y học đã chứng minh việc nghiện rượu bia có ảnh hưởng rất xấu đối với sức khỏe nói chung và bệnh tim mạch nói riêng. Nhưng đối với những người chỉ uống ít thì sao? Các nghiên cứu cho thấy uống ít hơn 60ml rượu nguyên chất (khoảng 680ml bia, 95ml rượu whiskey, 285ml rượu vang) mỗi ngày không ảnh hưởng xấu đối với bệnh tim mạch. Rượu vang đỏ còn có tác dụng tốt đối với cholesterol máu. Như vậy, người bệnh tim không cần phải kiêng cữ bia rượu tuyệt đối. Tuy nhiên cần nhắc lại điều độ luôn là nguyên tắc quan trọng nhất để giữ gìn sức khỏe. Rượu bia có thể không ảnh hưởng đến bệnh tim nhưng lại gây bệnh dạ dày, bệnh gan. Ngoài ra, có một thể bệnh tim đặc biệt gọi là bệnh cơ tim do rượu. Nếu bị bệnh này, bạn phải kiêng cữ rượu bia hoàn toàn.
Còn thuốc lá là thứ cần phải kiêng cữ tuyệt đối khi bị bệnh tim mạch. Thuốc lá ảnh hưởng rất xấu đối với các bệnh do nguyên nhân xơ vữa động mạch như thiếu máu não, thiếu máu cơ tim. Nếu không bỏ thuốc lá, bạn có thể bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim...Và nhất thiết bạn phải cố gắng bằng mọi cách bỏ hút thuốc lá ngay khi biết mình bị bệnh tim mạch.
Theo BS. Hoàng Công Đương
 

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 27-09-2021 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Rối loạn khớp thái dương – hàm là tình trạng đau ở khớp xương thái dương – hàm. Khớp thái dương – hàm là hai khớp ở gần tai. Khớp xương này cùng với các cơ, dây chằng giúp cho hàm đóng và mở để thực hiện các hoạt động như nói, ăn và nuốt.
  • 28-05-2018
    Tiêu chảy có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau với các triệu chứng, biểu hiện khác nhau bao gồm tiêu chảy cấp và tiêu chảy mãn. Tiêu chảy là chỉ số lần đại tiện tăng, thường mỗi ngày trên 3 lần, phân loãng hoặc như nước, có khi còn lẫn những chất không
  • 28-05-2018
    Một cuộc đi bộ dài hơn bình thường hoặc một trận đấu quần vợt phải di chuyển liên tục có thể khiến cho xương không chịu đựng nổi. Tai biến gãy xương do quá mệt mỏi thường gặp ở thanh niên do sự gắng sức kéo dài và phụ nữ tuổi mãn kinh do chứng loãng
  • 28-05-2018
    Mụn cơm là những nốt sùi nhỏ lành tính trên da do một loại vi-rút gọi là papilloma vi-rút người (HPV) gây ra. vi-rút khiến cho các tế bào ở lớp ngoài cùng của da tăng sinh nhanh. Mụn cơm khác với nốt ruồi, không gây ung thư và thường tự khỏi.
  • 28-05-2018
    Thuốc và chăm sóc bệnh nhân là những biện pháp chủ yếu. Các thuốc hiện hành không thể làm ngăn chặn hay nghịch đảo quá trình bệnh nền tảng, nhưng chúng có thể làm chậm quá trình diễn tiến bệnh hay làm suy giảm các triệu chứng. Các thuốc được khuyến cáo
  • 28-05-2018
    Các trường hợp xuất huyết (ra máu, chảy máu) sau đây là bất thường: Xuất huyết giữa các kỳ kinh, Xuất huyết sau khi quan hệ tình dục, Ra máu nhỏ giọt bất kỳ thời điểm nào trong chu kỳ kinh nguyệt Ra máu kinh nhiều hơn (cường kinh) hoặc dài hơn bình