Không dung nạp Lactose

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu chứng không dung nạp lactose là gì và làm sao để giúp trẻ “sống chung” với nó.

Không dung nạp lactose là gì?

Không dung nạp Lactose

Không dung nạp lactose là tình trạng xảy ra với những người không thể tiêu hóa lactose. Lactose là chất đường có trong sữa. Chất đường này cũng có trong các sản phẩm khác làm từ sữa như kem và các loại phô-mai tươi (mềm). Cơ thể của những người có chứng không dung nạp lactose không sản sinh đủ lactase. Lactase là một loại men tự nhiên do đường ruột tạo ra, giúp tiêu hóa lactose. Khi không có đủ chất men này, lactose ăn vào sẽ không được tiêu hóa và ứ đọng lại ở ruột, gây ra đầy hơi, sình bụng, đau bụng và tiêu chảy.
Nhiều bậc cha mẹ nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ không dung nạp lactose và dị ứng sữa. Mặc dù có triệu chứng tương tự nhau, đây là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau. Chứng không dung nạp lactose là một chứng bệnh của hệ tiêu hóa, trong khi dị ứng sữa liên quan đến hệ miễn dịch. Có thể cho trẻ đi xét nghiệm để biết liệu trẻ bị dị ứng sữa hay bị chứng không dung nạp lactose.

Triệu chứng của không dung nạp Lactose

Các triệu chứng thông thường của không dung nạp lactose gồm có:
  • Đau bụng
  • Sình bụng
  • Đầy hơi
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
Các triệu chứng này thường bắt đầu khoảng 30 phút đến 2 tiếng sau khi uống hoặc ăn các thức ăn có chứa lactose.

Không dung nạp lactose tạm thời

Rất hiếm thấy trường hợp trẻ sinh ra đã bị chứng không dung nạp lactose. Tuy nhiên, sau một đợt tiêu chảy nặng và có thể gây ảnh hưởng tạm thời đến khả năng sản xuất lactase, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tiêu hóa sữa trong 1 đến 2 tuần. Uống sữa hoặc ăn các loại thực phẩm làm từ sữa có thể dẫn đến các triệu chứng thông thường của chứng không dung nạp lactose và tiêu chảy.
Nếu con bạn thích uống sữa và bị các triệu chứng này, hãy cho bé dùng các loại sữa không có chất lactose hoặc đã giảm hàm lượng lactose trong vòng 1 đến 2 tuần. Ya-ua và các loại phô-mai để lâu (thời gian ủ, lên men lâu) thường rất dễ tiêu hóa vì chất lactose đã bị phân hủy trong quá trình chế biến.

Ai bị chứng không dung nạp lactose?

Có khoảng 30 đến 50 triệu người ở Hoa Kỳ không thể dung nạp lactose. Nếu con bạn không thể dung nạp lactose, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng khi bé bắt đầu đi học hoặc trong độ tuổi thiếu niên.
Một trong những nguyên nhân của chứng không dung nạp lactose là do di truyền. Một số sắc dân có nhiều khả năng bị chứng không dung nạp lactose hơn so với các sắc dân khác. Khoảng 90% người Mỹ gốc châu Á, 80% người Mỹ gốc châu Phi, 62% cho đến 100% thổ dân da đỏ Châu Mỹ, 53% người Mỹ gốc Mexico, và 15% người có nguồn gốc từ bắc Âu không thể dung nạp lactose.
Không dung nạp lactose còn xảy ra ở những người bị các chứng bệnh ảnh hưởng đến ruột non như bệnh Celiac hoặc bệnh Crohn.

Làm thế nào để biết con tôi không thể dung nạp lactose?

Một cách để kiểm tra liệu con bạn có vấn đề về tiêu hóa lactose là không cho bé sử dụng bất kỳ sản phẩm nào từ sữa trong 2 tuần và xem thử tình hình có tiến triển không. Sau 2 tuần, thử cho bé dùng các sản phẩm đó với lượng nhỏ mỗi ngày để xem thử liệu các triệu chứng có quay trở lại.
Do nhiều loại thực phẩm không làm từ sữa nhưng có chứa lactose, rất khó để loại trừ tất cả các loại thức ăn đó trong chế độ ăn uống của trẻ. (xem “Những loại thức ăn khác có thể chứa lactose”)
Nếu bạn nghĩ con bạn không thể dung nạp lactose, hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa của bé. Có thể con bạn cần được xét nghiệm. Loại xét nghiệm phổ biến nhất để chẩn đoán chứng không dung nạp lactose là xét nghiệm hơi thở với lactose, còn gọi là xét nghiệm hơi thở hydro. Loại xét nghiệm này đo lượng hydro trong hơi thở sau khi uống lactose hòa tan. Thông thường, chỉ có lượng hydro rất thấp trong hơi thở một người bình thường. Tuy nhiên, nếu chất lactose không được tiêu hóa, nó sẽ lên men trong ruột và sản sinh ra hydro, rồi sau đó sẽ được thở ra qua phổi.
Bác sĩ của bé có thể giới thiệu bạn đến gặp một bác sĩ chuyên khoa. Nếu cần, bác sĩ chuyên khoa có thể đo lượng lactase và các loại men khác từ một mẫu thử ở ruột non. Mẫu thử thường được lấy trong khi thực hiện nội soi chẩn đoán. Qui trình này giúp các bác sĩ có thể thấy bên trong ruột và lấy các mẫu mô.

Những thay đổi nào sẽ có ích cho con tôi?

Không có phương pháp nào để chữa trị chứng không dung nạp lactose. Tuy nhiên, nếu con bạn không thể dung nạp lactose, cần có thay đổi trong chế độ ăn uống của bé. Bạn có thể quyết định loại thay đổi nào là tốt nhất cho con của mình.

  • Bằng thử nghiệm và sai sót . Theo thời gian, qua thử nghiệm và sai sót, con bạn sẽ biết được bé có thể dung nạp được bao nhiêu sữa và bao nhiêu thức ăn làm từ sữa. Trẻ em nhỏ tuổi bị chứng không dung nạp lactose nên tránh các loại thực phẩm có chứa lactose. Các loại thức ăn đó bao gồm sữa, kem, phô-mai tươi (mềm) như cottage cheese, American cheese (loại phô-mai đã qua xử lý, chế biến, tiệt trùng của Mỹ), và phô mai mozzarella. Trẻ lớn hơn thường có thể ăn được lượng nhỏ thức ăn có chứa lactose, đặc biệt là khi chỉ ăn kèm trong bữa ăn chứ không phải chỉ ăn riêng mỗi loại thức ăn đó. Nhiều trẻ em vẫn có thể tiếp tục ăn ya-ua hoặc phô-mai để lâu, như phô mai Thụy Sỹ, cheddar và Parmesan.
  • Lactase không kê toa . Cho con bạn dùng lactase không kê toa ngay trước mỗi bữa ăn để giúp cơ thể bé tiêu hóa thức ăn có chứa lactose.
  • Không chứa Lactose hoặc giảm hàm lượng lactose. Cho bé dùng sữa và các sản phẩm từ sữa không chứa lactose hoặc giảm hàm lượng lactose. Sữa có hàm lượng lactose gia giảm có tất cả các thành phần nguyên liệu khác của sữa thường. Thời gian có thể cất giữ loại sữa này và sữa thường trong tủ lạnh là như nhau.

Các nguồn can-xi khác
Trong một số ca hiếm bắt buộc phải tránh tất cả các sản phẩm sữa và làm từ sữa, điều quan trọng là con bạn phải có đủ can-xi từ các nguồn khác. Một số loại thực phẩm giàu can-xi bao gồm

  • Bông cải xanh
  • Đậu Pinto
  • Khoai lang
  • Rau turnips
  • Rau collard greens
  • Rau diếp xanh như rau bina và kale
  • Cá hộp có xương như cá sardine, cá hồi và cá ngừ
  • Đậu phụ (Đậu hũ)
  • Cam
  • Nước trái cây có thêm chất can-xi

Nếu con bạn không có đủ lượng can-xi nên có hàng ngày (xem biểu đồ), bác sĩ có thể đề xuất cho dùng thuốc bổ sung can-xi.

Lượng canxi nên có hằng ngày

 

Những loại thức ăn khác có thể chứa lactose

Bạn và con bạn phải trở thành các chuyên gia đọc thành phần trên nhãn mác của thực phẩm để biết được loại thực phẩm nào có chứa lactose. Nếu có các thuật ngữ sau trên nhãn mác thức ăn, có thể loại thức ăn đó có chứa lactose:
  • Váng sữa
  • sữa đông
  • Phụ phẩm chế biến từ sữa
  • Sữa khô đã tách bơ (milk solids)
  • Sữa bột không béo
Chất lactose cũng được cho thêm vào nhiều loại thức ăn làm sẵn và không làm từ sữa. Nếu con bạn có khả năng dung nạp lactose kém, bé có thể mẫn cảm với các loại thực phẩm có thể có chứa lactose:
  • Bánh mì, các loại bánh nướng
  • Cốm cereal ăn sáng và thức uống
  • Khoai tây và súp ăn liền
  • Bơ thực vật (magarine)
  • Thịt trong các thức ăn trưa làm sẵn (không kể thịt kosher- loại thịt được chấp nhận theo luật ăn kiêng của người Do Thái)
  • Nước sốt trộn sa-lát
  • Kẹo
  • Thức ăn nhẹ
  • Các loại bột để làm bánh kếp (pancake) và các loại bánh qui.
  • Kem bột để uống cà-phê
  • Kem tươi (whipped topping) không làm từ sữa

Những điều cần ghi nhớ khi con bạn không dung nạp lactose

Không dung nạp lactose không nhất thiết làm cuộc sống của con bạn thật tội nghiệp, khổ sở. Có rất nhiều lựa chọn cho trẻ bị chứng không dung nạp lactose. Hãy trao đổi với bác sỹ để biết những sản phẩm gì hay những thay đổi gì trong chế độ ăn uống là tốt nhất cho con bạn.

Biên dịch - Hiệu đính: Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Vàng da hay còn gọi là “vàng mắt” hoặc “vàng củng mạc mắt”. Đây là tình trạng da và tròng trắng mắt bị xỉn vàng, gây ra bởi lượng bilirulin trong máu quá cao. Bilirubin là một hóa chất có màu vàng trong hemoglobin, các chất vận chuyển oxy trong nằm trong
  • 04-09-2018

    Đề cập đến một sự thay đổi trong hình dạng bàn chân trong đó chân không có vòm bình thường khi đứng.

  • 28-05-2018
    Viêm mạch là tình trạng viêm các mạch máu. Viêm mạch gây ra những thay đổi trong thành của các mạch máu, bao gồm dày lên, làm suy yếu, thu hẹp và sẹo. Có rất nhiều loại viêm mạch. Một số hình thức cấp tính trong khi những người khác mãn tính. Viêm mạch,
  • 28-05-2018

    Ung thư vú ở nam giới là sự phát triển bất thường của các tế bào hình thành trong mô vú. Khối u ác tính là tập hợp các tế bào ung thư có thể sinh sôi rất nhanh ở các mô xung quanh, hoặc có thể lan ra (di căn) các bộ phận khác trong cơ thể. Đây là một...

  • 28-05-2018
    Toxoplasmosis là một thuật ngữ được sử dụng cho bệnh nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma. Ký sinh trùng là một thuật ngữ chung cho bất kỳ sinh vật sống nào sinh sống bên trong hoặc trên bề mặt một sinh vật sống khác. Mèo là nguồn chính của nhiễm ký sinh trùng
  • 08-06-2018
    Viêm tuyến tiền liệt là thuật ngữ chung chỉ tình trạng viêm của tuyến tiền liệt - một cơ quan nằm ngay dưới bàng quang của nam giới. Chức năng chính của tuyến tiền liệt là sản sinh ra tinh dịch, chất lỏng giúp nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng.