Tiêu chảy ở trẻ

Tiêu chảy có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau với các triệu chứng, biểu hiện khác nhau bao gồm tiêu chảy cấp và tiêu chảy mãn. Tiêu chảy là chỉ số lần đại tiện tăng, thường mỗi ngày trên 3 lần, phân loãng hoặc như nước, có khi còn lẫn những chất không

Tiêu chảy là gì?

Tiêu chảy là chỉ số lần đại tiện tăng, thường mỗi ngày trên 3 lần, phân loãng hoặc như nước, có khi còn lẫn những chất không bình thường như thức ăn chưa tiêu hóa, niêm dịch, máu mủ.
Trẻ em bị tiêu chảy do nhiều nguyên nhân gây ra, và là bệnh rất thường gặp.
Tiêu chảy có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau với các triệu chứng, biểu hiện khác nhau bao gồm tiêu chảy cấp và tiêu chảy mãn. Căn cứ vào thời gian kéo dài của tiêu chảy mà chia ra làm 2 loại:
  • Tiêu chảy cấp: tồn tại trong vòng 2 tuần và đây là trường hợp thường gặp nhất.
  • Tiêu chảy mãn: kéo dài lâu hơn và có thể là dấu hiệu của một bệnh lý đường ruột nghiêm trọng.
tiêu chảy ở trẻ

Triệu chứng, biểu hiện bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Tiêu chảy cấp là một triệu chứng bệnh của hệ tiêu hóa, bệnh gặp rất phổ biến, đặc biệt ở trẻ em.
Dấu hiệu bệnh tiêu chảy ở trẻ:
  • Đi đại tiện một cách đột ngột, khó kiểm soát, đi nhiều lần trong ngày (có thể từ 10 - 15 lần/ngày). Phân lỏng, nhiều nước, có mùi chua. Một số trường hợp tiêu chảy nặng, phân có dịch nhầy, có nước lẫn máu.
  • Nôn nhiều lần trong một ngày. Đây là dấu hiệu cho thấy có thể trẻ đã bị nhiễm vi-rút Rota hoặc do tụ cầu.
  • Biếng ăn : Có thể xuất hiện sớm hoặc khi trẻ tiêu chảy nhiều ngày.
  • Trẻ có biểu hiện vật vã, kích thích quấy khóc hoặc mệt lả, li bì, hôn mê do mất nước nặng hoặc sốt do giảm khối lượng tuần hoàn.
  • Trẻ có cảm giác khát nước, thèm uống nước hơn những ngày bình thường trước đó.
Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa còn rất non nớt, do đó bố mẹ cần chú ý nhận biết dấu hiệu bệnh tiêu chảy ở trẻ em sớm để có cách phòng chống hiệu quả.
 
triệu chứng tiêu chảy ở trẻ

Trẻ bị tiêu chảy kéo dài thường có những biểu hiện như sụt cân, suy dinh dưỡng.
Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ tiêu chảy kéo dài
  • Số lần đi ngoài khi giảm, khi tăng.
  • Tính chất của phân: Lúc lỏng, lúc đặc, lổn nhổn, có mùi chua, khẳm, màu vàng hoặc xanh, có bọt, nhầy khi không dung nạp đường.
  • Phân có thể nhầy hồng hoặc có máu, khi đi đại tiện phải rặn, khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài sau lỵ.
  • Trẻ biếng ăn, khó tiêu, ăn thức ăn lạ dễ bị tiêu chảy lại.
Biểu hiện toàn thân
  • Trẻ sụt cân, chậm phát triển cân nặng, chiều cao, dẫn đến suy dinh dưỡng nặng nếu trẻ tiêu chảy kéo dài quá lâu.
  • Thiếu vitamin: Dấu hiệu thiếu vitamin nhóm tan trong dầu, mỡ (A, D, E, K): khô mắt, còi xương, xuất huyết.
  • Thiếu các yếu tố vi lượng, muối khoáng như: kẽm, selen, kali, phospho.
Các bệnh nhiễm khuẩn phối hợp
  • Trẻ thường mắc các bệnh nhiễm khuẩn phối hợp như: Viêm tai giữa, viêm VA mãn, hoặc nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết.
  • Khi có các bệnh nhiễm khuẩn, phải điều trị các bệnh này thì điều trị tiêu chảy kéo dài mới có kết quả.
Trong tiêu chảy kéo dài, trẻ thường mất nước nhẹ và vừa chỉ bồi phụ nước bằng đường uống.
Tiêu chảy kéo dài là hậu quả của tình trạng rối loạn hấp thu do sự tổn thương niêm mạc ruột tiếp tục và sự hồi phục niêm mạc ruột bị gián đoạn bởi nhiều nguyên nhân gây ra. Hậu quả dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng nặng.
Do khả năng đào thải vi khuẩn giảm, các loại vi khuẩn xâm nhập hoặc bám dính liên tục làm tổn thương các lớp tế bào hấp thu bề mặt niêm mạc ruột như lớp glycocalyx, lớp vi nhung mao và các tế bào hấp thu có chứa rất nhiều men như men tiêu hóa đường discacharidaze, đặc biệt là men lactoze gây tình trạng kém hấp thu đường lactoza.
Chế độ ăn có nhiều chất đường (như lactose, đối với chế độ ăn sữa động vật) làm tăng thẩm thấu cũng như các protein động vật chưa được tiêu hóa hết có thể hấp thu qua niêm mạc ruột bị tổn thương, làm tổn thương nặng thêm và kích thích cơ thể sinh các kháng thể gây dị ứng thức ăn và tổn thương niêm mạc ruột.
Do thiểu năng hấp thu muối mật ở ruột non, các vi khuẩn tăng sinh làm phân hủy muối mật, gây thiểu năng hấp thu các chất béo và lượng lớn muối mật không được hấp thu xuống đại màng gây tiết dịch.
Tiêu chảy kéo dài được coi như là một bệnh dinh dưỡng, liên quan chặt chẽ với tình trạng suy dinh dưỡng và cũng là nguyên nhân chính gây suy dinh dưỡng. Hiện tượng sụt cân trong tiêu chảy kéo dài là do giảm hấp thu các chất dinh dưỡng, do ăn kiêng, do thức ăn có đậm độ năng lượng thấp, do thiếu các vitamin và các yếu tố vi lượng là những chất đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi và đổi mới niêm mạc ruột cũng như tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

Cách phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ

Rửa tay sạch bằng xà phòng là cách phòng bệnh tiêu chảy hữu hiệu
Nuôi con bằng sữa mẹ: Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong thời gian từ 4 - 6 tháng đầu đời.
Nếu cho trẻ ăn sữa ngoài, nên biết cách vệ sinh và bảo quản thìa, cốc, chai và vú giả một cách sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh.
Chế biến, bảo quản thức ăn, nguồn nước uống của trẻ phải đảm bảo an toàn vệ sinh.
Rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi ngoài, thay tã lót cho trẻ, trước khi làm thức ăn, cho trẻ ăn, chăm sóc trẻ.
phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ

Tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi chơi bẩn, sau khi đi vệ sinh. Trước khi đi ngủ và mỗi buổi sáng ngủ dậy phải rửa mặt, rửa tay.
Sử dụng hố xí hợp vệ sinh và xử lý an toàn phân trẻ nhỏ bị tiêu chảy.
Tiêm phòng sởi đầy đủ: Trẻ em tiêm vắc-xin sởi có thể phòng ngừa được 25% tử vong liên quan đến tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi.
Tiêm phòng vắc-xin Rotavirus: Tiến hành trước 6 tháng tuổi.
Phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ: Khi bị tiêu chảy, trẻ mất rất nhiều năng lượng, sụt cân nhanh do mất nước và điện giải, hấp thu các chất kém, cộng thêm trẻ biếng ăn và hay bị nôn ói. Do đó, khi điều trị tiêu chảy nên song song điều trị suy dinh dưỡng bằng cách duy trì chế độ ăn, bù nước và điện giải cho trẻ, tăng cường cho trẻ bú mẹ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng cho trẻ...
Dấu hiệu bệnh tiêu chảy ở trẻ em không khó phát hiện nếu người lớn để ý quan sát. Bệnh sẽ nhanh khỏi nếu điều trị đúng cách.

(nguồn Sức khỏe đời sống và Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Bệnh Chagas đã được nhà khoa học Chagas phát hiện và mô tả. Bệnh do loại ký sinh trùng Trypanosoma cruzi, còn gọi là Schizotypanum cruzi gây nên và lưu hành phổ biến ở vùng Nam Mỹ, cận nhiệt đới như các nước Brasil, Argentina, Bolivia, Paraguay, Uraguay..
  • 28-05-2018
    Ngứa hậu môn là bệnh lý xảy ra khi vùng da quanh hậu môn bị kích thích. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, nhưng triệu chứng chung là người bệnh thường bị ngứa hoặc nóng ran vùng hậu môn hoặc vùng da xung quanh. Việc điều trị có thể
  • 28-05-2018
    Đau tạo ra phản xạ rút lui còn ngứa tạo ra phản xạ gãi. Những sợi thần kinh không myelin của cảm giác ngứa và đau đều xuất phát từ da, tuy nhiên chúng chuyển thông tin về trung ương đến 2 hệ thống khác nhau đều dùng chung một bó sợi thần kinh ngoại biên
  • 28-05-2018
    Cao huyết áp, hay còn được gọi là tăng huyết áp, là một tình trạng áp lực máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm máu quá cao. Nếu áp lực này tăng lên cao theo thời gian, nó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.
  • 28-05-2018
    Thống kinh (còn gọi là đau bụng kinh) là khi cơn đau xuất hiện cùng với chu kỳ kinh nguyệt.
  • 28-05-2018
    Bệnh khí phế thũng thay đổi cấu trúc của phổi theo một số cách quan trọng Bình thường phổi rất xốp và đàn hồi. Khi hít vào, thành ngực nở ra, làm phổi cũng nở ra. Tương tự như khi một miếng xốp đang bị bóp chặt khi được thả ra sẽ hút nước vào bên trong