Thống kinh (đau bụng kinh)

Thống kinh (còn gọi là đau bụng kinh) là khi cơn đau xuất hiện cùng với chu kỳ kinh nguyệt.

Thế nào là thống kinh?

Thống kinh (đau bụng kinh)

Thống kinh (còn gọi là đau bụng kinh) là cơn đau xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt.
Thống kinh là một trong những bệnh phổ biến nhất liên quan đến kinh nguyệt. Có đến hơn một nửa phụ nữ bị đau 1-2 ngày hàng tháng khi có kinh.
Có hai loại thống kinh:

  • Thống kinh nguyên phát: là cơn đau xuất hiện ngay trước khi kỳ kinh bắt đầu. Nguyên nhân là do nồng độ prostaglandins ở nội mạc tử cung tăng lên. Nồng độ này cao nhất vào ngày đầu tiên của kỳ kinh. Cùng với quá trình hành kinh, nội mạc tử cung bị che lấp và nồng độ này giảm đi. Cơn đau thường giảm đi khi nồng độ prostaglandins giảm.
  • Thống kinh thứ phát: xảy ra do rối loạn hệ sinh sản. Thống kinh thứ phát thường kéo dài hơn các cơn đau bụng kinh thông thường. Ví dụ, nó có thể bắt đầu vài ngày trước kỳ kinh. Cơn đau trở nên nặng hơn cùng với kỳ kinh và có thể kéo dài sau kỳ kinh. Các trường hợp sau có thể là nguyên nhân gây thống kinh thứ phát:
    • Lạc nội mạc tử cung : trong trường hợp này, lớp nội mạc vốn hình thành ở bên trong tử cung bị lạc chỗ ra bên ngoài tử cung, có thể là ở buồng trứng, ống dẫn trứng, phía sau tử cung, hoặc bàng quang. Cũng giống như lớp nội mạc tử cung, lớp nội mạc lạc chỗ có thể gây chảy máu khi nồng độ hormone cao lên. Chảy máu có thể gây đau, nhất là trong kỳ kinh. Mô sẹo dính có thể hình thành trong vùng chậu tại vị trí chảy máu. Các mô này có thể làm cho các cơ quan trong vùng chậu bị dính vào nhau và gây đau.
    • Lạc nội mạc trong cơ tử cung: là trường hợp lớp nội mạc tử cung lạc chỗ vào lớp cơ của thành tử cung.
    • U xơ tử cung: là trường hợp mà u xơ hình thành ở bên ngoài, hay bên trong tử cung, hoặc ngay trong thành tử cung. U xơ tử cung có thể gây đau.

Chẩn đoán nguyên nhân thống kinh (đau bụng kinh)?

Bác sĩ phụ khoa sẽ kiểm tra bệnh án, bao gồm các triệu chứng và chu kỳ kinh nguyệt, và tiến hành khám phụ khoa tổng quát.
Bác sĩ cũng có thể tiến hành siêu âm để kiểm tra. Trong vài trường hợp, bác sĩ có thể tiến hành nội soi ổ bụng. Đây là một loại phẫu thuật cho phép quan sát toàn bộ bên trong vùng chậu.

Điều trị thống kinh như thế nào?

Bác sĩ có thể cho thuốc giảm đau hoặc thuốc nội tiết, chẳng hạn như thuốc tránh thai. Nhiều khi thay đổi cách sinh hoạt cũng có thể giúp giảm đau, như tập thể dục, tăng thời gian ngủ, hoặc các biện pháp thư giãn.
Nếu việc sử dụng thuốc không làm giảm cơn đau, bác sĩ có thể tiến hành các biện pháp để tìm nguyên nhân gây thống kinh. Có thể phải dẫn đến phẫu thuật. Trong vài trường hợp có thể phải kết hợp nhiều biện pháp.

Các thuốc dùng để điều trị thống kinh

Một vài loại thuốc giảm đau, gọi là thuốc kháng viêm nonsteroid (nonsteroidal anti-inflammatory drugs, viết tắt là NSAIDs) có tác dụng lên prostaglandins. Chúng giúp làm giảm lượng prostaglandins do cơ thể sản sinh và do đó làm giảm tác dụng của prostaglandins. Việc này giúp làm giảm cơn đau bụng kinh.
NSAIDs có tác dụng tốt nhất nếu được dùng khi kỳ kinh hoặc khi cơn đau bắt đầu. Thông thường thuốc này chỉ dùng cho 1-2 ngày. Phụ nữ bị bệnh máu không đông, hen suyễn, bị dị ứng với aspirin, mắc các bệnh về gan, bị rối loạn dạ dày, hoặc loét dạ dày không nên dùng NSAIDs.

Các biện pháp tránh thai nào có thể giúp kiểm soát thống kinh

Các biện pháp tránh thai chứa estrogen và progestin, như thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai, và dụng cụ tử cung, có thể được sử dụng để điều trị thống kinh. Các biện pháp tránh thai chỉ chứa progestin, ví dụ như que cấy tránh thai, hoặc thuốc tiêm tránh thai cũng có thể dùng để giảm đau bụng kinh. Dụng cụ tử cung có chứa hormone cũng có thể được dùng để điều trị thống kinh.

Các thuốc dùng để điều trị thống kinh do lạc nội mạc tử cung

Nếu có triệu chứng, hoặc nội soi ổ bụng cho thấy nguyên nhân đau bụng kinh là do lạc nội mạc tử cung, có thể thử dùng thuốc viên tránh thai, que cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, hoặc dụng cụ tử cung chứa hormone, để điều trị thống kinh. Chất đồng vận của hormone giải phóng gonadotropin cũng có thể dùng để giảm đau. Các thuốc này có thể có tác dụng phụ, như loãng xương, làm nóng người, và khô âm đạo. Chúng thường được chỉ định cho một thời gian nhất định. Và các loại thuốc này chống chỉ định cho trẻ em trong độ tuổi trưởng thành, trừ những trường hợp đặc biệt khi không có biện pháp nào khác có tác dụng.

Các phương pháp khác giúp giảm thống kinh

Một số phương pháp khác có thể giúp giảm thống kinh. Vitamin B1 hoặc thuốc bổ sung magiê có thể hữu ích, nhưng chưa có bằng chứng khoa học cụ thể cho thấy chúng thực sự điều trị thống kinh. Châm cứu cũng có thể giúp giảm đau bụng kinh phần nào.

Khi nào thì phương pháp thuyên tắc động mạch tử cung (UAE) được sử dụng để điều trị thống kinh?

Nếu u xơ là nguyên nhân gây thống kinh thì phương pháp thuyên tắc động mạch tử cung (UAE) cũng có thể có tác dụng.

Phương pháp thuyên tắc động mạch tử cung là thế nào?

Trong phương pháp này, mạch máu dẫn đến tử cung được làm tắc nghẽn bằng các hạt nhỏ, đồng nghĩa với việc dòng máu nuôi u xơ cũng bị tắc nghẽn. Một số bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú với phương pháp này.

Khi nào thì cần phẫu thuật để điều trị thống kinh?

Nếu các biện pháp điều trị thống kinh đều không có tác dụng, có thể sẽ phải dùng đến phẫu thuật. Tuỳ thuộc vào nguyên nhân của cơn đau mà sẽ dùng các loại phẫu thuật khác nhau.
Nếu u xơ là nguyên nhân gây thống kinh thì có thể phẫu thuật loại bỏ chúng. Nếu lạc nội mạc tử cung là nguyên nhân thì có thể phẫu thuật loại bỏ mô bệnh. Mô bệnh có thể tái phát sau phẫu thuật, nhưng việc phẫu thuật có thể làm giảm đau trong một thời gian. Sử dụng các biện pháp tránh thai chứa hormone hoặc các thuốc khác sau khi phẫu thuật có thể tránh hoặc đẩy lùi sự tái phát cơn đau.
Phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể phải thực hiện nếu như các biện pháp khác không có tác dụng, và bệnh nặng. Thường thì đây là biện pháp cuối cùng phải dùng đến.

Biên dịch - Hiệu đính:

Nguồn: Y học cộng đồng

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 28-05-2018
    Nôn mửa, hay còn gọi là ói, là tình trạng rối loạn tiêu hóa buộc những gì trong dạ dày đi ngược lên thực quản và thoát qua đường miệng hoặc đôi khi qua mũi. Điều này có thể xảy ra tự nhiên hoặc có chủ ý. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nôn mửa. Nôn mửa
  • 18-09-2018

    U nguyên bào thần kinh đệm đa dạng (còn được gọi là u nguyên bào thần kinh đệm, GBM) là khối u thần kinh đệm phát triển nhanh, được hình thành từ tế bào thần kinh đệm hình sao (tế bào hình sao (astrocytes) hay tế bào ít nhánh (oligodendrocytes)).

  • 28-05-2018
    Thuyên tắc phổi, hay còn gọi là thuyên tắc mạch phổi, là tình trạng tắc nghẽn mạch máu đột ngột ở phổi. Tắc nghẽn xảy ra khi các cục máu đông di chuyển từ các bộ phận khác (nhất là ở chân) đến phổi bị tắc nghẽn. Do thuyến tắc phổi luôn xảy ra cùng với
  • 28-05-2018
    Gluten gây tổn thương niêm mạc ruột non ở người bị bệnh Celiac. Tình trạng này sẽ ngăn cơ thể bạn không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng từ thực phẩm bạn ăn vào, bao gồm vitamin, canxi, protein, carbohydrate, chất béo và các chất dinh dưỡng quan trọng
  • 28-05-2018
    Vi-rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV) là loại vi-rút gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). HIV xâm nhập vào đường máu thông qua dịch cơ thể, như máu hoặc tinh dịch. Một khi đã xâm nhập vào máu, vi-rút này tấn công các tế bào CD4. Tế bào
  • 28-05-2018
    Rung nhĩ (hay rung tâm nhĩ) là một loại rối loạn nhịp tim. Bệnh xảy ra khi tim có hiện tượng một nhịp tim đập bất thường, hay còn gọi là loạn nhịp. Khi tim bị loạn nhịp, các cơ trông như đang rung thay vì co lại như thông thường.