Xét nghiệm HbA1c trong chẩn đoán bệnh đái tháo đường

Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) gần đây đã đưa xét nghiệm HbA1c vào tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường và tiền- đái tháo đường.

Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) gần đây đã đưa xét nghiệm HbA1c vào tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường và tiền đái tháo đường.

(Ảnh minh họa)

HbA1c là gì?

Hemoglobin được glycate hóa, gọi là: hemoglobin A1c, HbA1c, hay Hb1c; và thường được gọi là HbA1c – là một loại hemoglobin được tạo ra từ quá trình hemoglobin của hồng cầu tiếp xúc với đường glucose trong máu. Như vậy, nếu đường glucose trong máu càng cao thì sẽ tạo ra nhiều sản phẩm HbA1c.

Trước đây, xét nghiệm HbA1c, giúp đánh giá mức độ glucose trung bình trong máu trong 2-3 tháng trước đó, giúp bác sỹ theo dõi đường huyết của bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường.

Ban đầu HbA1c không được khuyến cáo dùng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường.

Từ năm 2010, Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ đã chấp nhận xét nghiệm HbA1c như là công cụ chẩn đoán và sàng lọc bệnh đái tháo đường.
Tuy nhiên, xét nghiệm HbA1c để được sử dụng trong chẩn đoán đái tháo đường đòi hỏi một số qui định nghiêm ngặt đối với phòng xét nghiệm để đảm bảo tính chính xác ( Ở Việt Nam: điều này rất khó thực hiện)

Quan trọng là, xét nghiệm HbA1c để chẩn đoán bệnh đái tháo đường có thể không thích hợp trong một số tình huống nhất định, kết quả không phản ánh chính xác mức đường huyết của bệnh nhân trong một số trường hợp, như xuất huyết nặng, phụ nữ mang thai, suy thận mạn, thiếu máu …trong những trường hợp này tốc độ sản xuất  hồng cầu cao hơn bình thường, và vì thế kết quả HbA1c sẽ không chính xác.

Hướng dẫn chẩn đoán đái tháo đường dựa vào HbA1c

  • Đái tháo đường: khi HbA1c ≥ 6,5%
  • Tiền đái tháo đường (tăng nguy cơ phát triển thành bệnh đái tháo đường trong tương lai): HbA1c trong khoảng 5,7% – 6,4%

Thuận tiện của xét nghiệm HbA1c.

  • Bệnh nhân không cần phải nhịn đói hơn 8 giờ (như đối với xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói) hoặc  phải lấy nhiều mẫu máu trong vài giờ (như đối với test dung nạp Glucose – OGTT).
  • Xét nghiệm HbA1c phản ánh mức trung bình của glucose trong máu trong 2-3 tháng qua.
  • Xét nghiệm HbA1c không bị ảnh hưởng bởi một số các điều kiện có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm glucose như: bệnh nhân bị bệnh, đau đớn, hoặc bị stress vào ngày lấy máu xét nghiệm.
  • Một ưu điểm khác của xét nghiệm HbA1c là mẫu máu ổn định và có thể được lưu trữ ở nhiệt độ phòng lâu hơn so với mẫu máu để xét nghiệm glucose.

HbA1c không phải là lựa chọn cho tất cả mọi người

Như đã đề cập ở trên, xét nghiệm này không nên được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường ở những bệnh nhân sau vì có thể ảnh hưởng sai lệch đến kết quả xét nghiệm HbA1c. Bao gồm :

  • Phụ nữ mang thai
  • Những người có bệnh thận mãn tính
  • Bệnh gan
  • Những người bị rối loạn về máu như thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu do thiếu vitamin B12 và các biến thể hemoglobin như thalassemia
  • Xuất huyết nặng gần đây và truyền máu gần đây cũng dẫn đến sự thay đổi trong HbA1c.

Do đó xét nghiệm HbA1c không nên được sử dụng cho chẩn đoán bệnh đái tháo đường trên những đối tượng trên.

Trong những trường hợp này, các xét nghiệm thông thường như : đo glucose trong máu lúc đói (FPG ) hay  Test dung nạp glucose (OGTT) có thể được dùng để chẩn đoán.
Tại Việt Nam, vì các phòng xét nghiệm ở các bệnh viện không được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của Hội Nội Tiết Hoa Kỳ, do đó xét nghiệm HbA1c hiện nay vẫn được xem như một tiêu chuẩn có tính chất tham khảo bên cạnh xét nghiệm Glucose máu hay Test dung nạp glucose trong việc chẩn đoán đái tháo đường.

BS. Ngô Thế Phi

(Nguồn: daithaoduong.com)

- 28-05-2018 -