Tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai

Huyết áp là áp lực máu trong lòng động mạch, biểu hiện sự lưu thông của máu trong lòng mạch đưa máu có đến được các cơ quan trong cơ thể hay không.

Tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai
Tăng huyết áp thai kỳ rất nguy hiểm với cả bà bầu và thai nhi.

Huyết áp được chi phối bởi ba yếu tố quan trọng là tim, mạch máu và máu.

Chỉ số huyết áp gồm 2 số: Huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu – đơn vị đo chỉ số huyết áp là milimet thủy ngân (mm Hg). Chỉ số huyết áp bình thường tối đa <= 130 mm Hg và tối thiểu là <= 80 mm Hg. Tăng huyết áp là khi huyết áp tối đa >= 140 mm Hg và huyết áp tối thiểu >= 90 mm Hg.

Thay đổi huyết áp trong thai kỳ

Khi mang thai, có các thay đổi sinh lí về tim, mạch như nhịp tim nhanh, tăng lượng máu, một số bộ phận của cơ thể tăng sinh mạch máu, nên cần lượng máu đi qua nhiều hơn như vú, tử cung, nhau thai…

Do đó, người phụ nữ mang thai phải được theo dõi huyết áp thường xuyên, đặc biệt là khi thai >= 20 tuần tuổi.

Ở phụ nữ mang thai có khoảng 15% bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân cụ thể, một số yếu tố thuận lợi dẫn đến tăng huyết áp như ăn nhiều muối, ít vận động thể lực, béo phì, tăng cholesterol, căng thẳng thần kinh, tâm lý…

Một số bệnh lí mắc phải có thể làm tăng huyết áp như bệnh về thận, tuyến thượng thận, tuyến giáp, bệnh tim mạch…

Tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai
Tăng huyết áp thai kỳ rất nguy hiểm với cả bà bầu và thai nhi.

Ảnh hưởng của tăng huyết áp trong thai kỳ

- Đối với mẹ: Mờ mắt, tiểu ít, phù nề, phù phổi cấp, suy tim cấp, suy thận cấp, xuất huyết não, liệt nửa người…

- Đối với thai nhi: Thai suy dinh dưỡng, chậm phát triển trong tử cung, thai chết lưu, đẻ non – có khoảng 25% trẻ đẻ non là do mẹ tăng huyết áp khi có thai.

- Tiền sản giật: Là tình trạng bao gồm tăng huyết áp, có đạm trong nước tiểu và phù nhiều. Thường xảy ra sau tuần 20 của thai kì. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến sản giật, gây tử vong cho mẹ và thai nhi.

Điều trị và phòng ngừa

- Khi mang thai người phụ nữ cần phải khám thai thường kỳ và đo huyết áp mỗi lần khám thai. Nếu phát hiện bị tăng huyết áp trước khi mang thai (cao huyết áp mãn tính) phải điều trị ổn định tùy theo căn nguyên gây tăng huyết áp.

- Tăng huyết áp đơn thuần không có các biểu hiện của tiền sản giật cần theo dõi huyết áp thường xuyên khi khám thai.

- Tăng huyết áp trong tiền sản giật (tăng huyết áp + protein niệu + phù) phải được điều trị nội trú tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Nhiều trường hợp điều trị nội khoa không kết quả phải mổ lấy thai sớm vì quyền lợi và sức khỏe của mẹ.

Phòng bệnh tăng huyết áp tốt nhất là theo dõi huyết áp sớm, thường xuyên lúc mang thai, biết được tình trạng huyết áp của mình trước khi có thai.

Tăng huyết áp thai kỳ là báo động một thai kỳ nguy cơ. Việc quan trọng cần làm là theo dõi sát huyết áp trước và trong khi mang thai.

Nếu có tình trạng tăng huyết áp xảy ra phải được sự can thiệp tốt nhất của bác sĩ nhằm đem lại sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và con.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan