Sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, phụ gia giả: Xử lý hình sự ở mức nào?

Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực ngày 1/7/2016 đã thắt chặt chế tài xử phạt các tội danh liên quan đến vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nói chung và sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm nói riêng. Những quy định mới này sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn bằng xử lý hình sự các đối tượng vi phạm.

Đối tượng làm hàng giả luôn tìm kẽ hở pháp lý,...

Tình trạng vi phạm ATVSTP nói chung đã trở thành một vấn nạn gây nhức nhối xã hội. Người tiêu dùng luôn có tâm lý e ngại khi mua một loại thực phẩm nào đó ngoài chợ hay các cửa hàng nhỏ lẻ, bởi rất khó có câu trả lời chắc chắn rằng những thực phẩm này có thực sự sạch hay không; có “dính” hóa chất độc hại hay không và có an toàn cho sức khỏe khi sử dụng? Nỗi lo lại tăng lên khi thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là các loại thực phẩm như rượu, bia, nước giải khát, bánh, kẹo, nước chấm; phụ gia thực phẩm giả như bột ngọt,... Các sản phẩm giả này luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây hại sức khỏe do chúng thường được làm từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng, những chất cấm sử dụng... và lén lút sản xuất tại những nơi không đảm bảo vệ sinh.

Sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, phụ gia giả: Xử lý hình sự ở mức nào?Lực lượng chức năng thu giữ nhiều sản phẩm bột ngọt giả.

Câu hỏi mà rất nhiều người tiêu dùng băn khoăn là tại sao các đối tượng làm hàng giả lại có thể hoành hành như vậy? Thực ra, Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã có những quy định xử phạt các tội phạm có liên quan đến ATTP như tội sản xuất, buôn bán hàng giả và lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh,... Tuy nhiên, thực tế trong xử lý các vi phạm đó thường chỉ dừng ở mức độ xử phạt hành chính, khó có thể xử lý hình sự. Ví dụ, theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự thì chỉ khi nào người tiêu dùng do sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh..., mà bị chết hoặc bị thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, thì những người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mới bị xử lý hình sự. Do quy định cũ chưa cụ thể nên để xử lý được thì cần phải chứng minh được họ đã biết rõ thực phẩm đó là không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh. Hoặc như trường hợp sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm giả phổ biến như bột ngọt, mặc dù có những vụ sản xuất, buôn bán hàng giả bột ngọt lớn, nhưng vẫn khó xử lý hình sự vì theo Điều luật 157 Bộ luật Hình sự hiện hành thì chỉ có quy định xử lý vi phạm đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả là lương thực, thực phẩm và thuốc, còn phụ gia thực phẩm như chất tạo màu, hương liệu, điều vị, tạo vị..., thì chưa được quy định.

Như vậy, đối tượng làm hàng giả luôn luôn lợi dụng kẽ hở trong các quy định pháp luật để trục lợi và né tránh hành vi vi phạm của mình. Rõ ràng, xử lý chưa đủ răn đe, chưa thực sự mạnh là một lý do chính khiến các đối tượng sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn, phụ gia giả vẫn liều lĩnh “đầu độc” cộng đồng ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.

Từ 1/7: sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, phụ gia giả có thể bị tù chung thân

Tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành hơn 84%, bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.Theo đó, rất nhiều các điều luật đã được chỉnh sửa, bổ sung chặt chẽ hơn và cụ thể hóa các hành vi vi phạm để không bỏ lọt tội phạm. Trong số đó, Điều luật 193 đã quy định một cách rất chi tiết và khung hình phạt tăng nặng hơn đối với tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm và phụ gia thực phẩm.

Đặc biệt, điều luật này đã bổ sung quy định xử lý hình sự các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm, một tội danh mà trước đây thường chỉ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, bất kỳ tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm theo danh mục do Bộ Y tế quy định như các chất tạo hương (hương liệu), hoặc tạo vị (điều vị) như bột ngọt (mì chính),... thì đều bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm; hơn nữa tùy theo từng trường hợp vi phạm cụ thể, khung hình phạt có thể tăng nặng lên từ 5-10 năm, 10-15 năm, 15-20 năm và cao nhất là mức án tù chung thân. Không những vậy, Bộ luật Hình sự mới tại Điều 76 vi phạm, trong đó pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm Điều 193 về sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm thì mức xử phạt thấp nhất là 1 tỷ đồng và cao nhất đến 18 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

Có thể thấy rằng, trước khi có điều luật này, việc kinh doanh phụ gia thực phẩm giả xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Dịp trước Tết, lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ đối tượng làm hàng giả cùng tang vật là bột ngọt nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và in giả bao bì để đóng gói, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng như các vụ sản xuất buôn bán thực phẩm bẩn, phụ gia giả trước đây, cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe đối với những đối tượng này. Tới đây, khi Luật Hình sự chính thức có hiệu lực, với khung hình phạt mới, các cơ quan chức năng có chế tài xử lý hình sự các đối tượng sản xuất buôn bán phụ gia thực phẩm giả, ngăn chặn những nguy cơ gây hại đến sức khỏe cho người dân và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như giúp những nhà sản xuất kinh doanh chân chính bảo vệ được thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trong lộ trình hội nhập khu vực và thế giới như hiện nay.

- 28-05-2018 -