Phù hạch bạch huyết sau điều trị ung thư vú

Phù bạch huyết là gì?

Phù bạch huyết là hiện tượng phù nề do tích tụ dịch bạch huyết trên bề mặt các mô của cơ thể. Đây là tác dụng phụ không mong muốn của việc cắt bỏ hạch quá trình điều trị ung thư vú. Sự tích tụ dịch bạch huyết có thể xảy ra do hệ bạch huyết bị phá hủy trong quá trình phẫu thuật hoặc xạ trị vào các hạch nách và khu vực xung quanh. Đôi khi, nó cũng xảy ra do các tế bào ung thư gây tắc nghẽn hệ bạch huyết.

Phù bạch huyết sau điều trị ung thư vú

Phù bạch huyết sau điều trị ung thư vú. (Ảnh minh họa)

Một hoặc vài hạch bạch huyết ở nách thường được lấy ra trong quá trình phẫu thuật để xét nghiệm xem có tế bào ung thư hay không. Những hạch bạch huyết và mạch bạch huyết bị lấy ra sẽ không được thay thế, do vậy các đường dẫn bạch huyết bị giảm đi và bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến dịch bạch huyết bị tắc nghẽn và tích tụ trên bề mặt các mô xung quanh.  

Phù bạch huyết có thể diễn ra ngay sau phẫu thuật, do đó, nếu bạn có một vài chỗ sưng phù ở cánh tay và ngực ngay sau phẫu thuật thì đây là điều rất bình thường. 

Triệu chứng của phù bạch huyết

Cắt bỏ hạch khỏi cơ thể mà không rút hết chất dịch chảy ra khỏi mạch bạch huyết sẽ khiến chất dịch này đi ngược vào các mô mỡ của da vì không còn nơi nào để đi, và kết quả là sẽ gây ra nhiễm trùng.

Chứng phù bạch huyết có nhiều biểu hiện nhưng thông thường nhất là các triệu chứng phù ở cánh tay, có thể phù cả bàn tay và ngón tay. Phù nề có thể xảy ra ở vú, ngực, vai hoặc khu vực nách. Da đôi khi bị căng làm cho cánh tay cử động khó khăn. Ở một số người, chứng phù này cũng gây cảm giác đau, nặng nề và ngứa ngáy. Phù bạch huyết không phải lúc nào cũng gây đau đớn nhưng lại gây khó chịu.

Phù bạch huyết có thể xảy ra vài tháng hoặc thậm chí vài năm sau điều trị ung thư vú, hoặc có thể khởi phát do nhiễm trùng hoặc vết thương ở cánh tay. Sau khi điều trị ung thư, các hạch bạch huyết được vét ra hoặc bị tổn thương sẽ là cơ hội để chứng phù bạch huyết phát triển. Phù bạch huyết tiến triển kéo dài, do vậy, một khi xuất hiện, nó có thể được kiểm soát nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu bạn phát hiện bất kỳ chỗ phù nề, nóng, đỏ nào ở cánh tay, bàn tay hoặc vùng ngực, cử động các khớp khó khăn... trong hoặc sau khi điều trị ung thư vú, hãy đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video khám từ xa với bác sĩ chuyên khoa Ung bướu để được tư vấn.  

Ai có thể có nguy cơ mắc bệnh này?

Tất cả mọi người, những ai đã từng bị phẫu thuật và/hoặc xạ trị vùng nách trong điều trị ung thư vú đều có thể bị chứng phù bạch huyết vào một thời điểm nào đó trong đời. Cánh tay, vú và thành ngực cùng bên với bên vú bị ung thư là vùng có nguy cơ bị phù bạch huyết.

Những người có làm sinh thiết hạch cửa thì nguy cơ mắc chứng phù bạch huyết thấp hơn những người bị mổ vét số lượng lớn hạch. Số đông bệnh nhân mắc chứng phù bạch huyết sau điều trị ung thư vú chỉ bị ở mức nhẹ hoặc vừa.

Cho đến nay, chưa rõ nguyên nhân tại sao có những người mắc phù bạch huyết sau điều trị ung thư vú một số khác lại không. Do đó, việc nâng cao nhận thức về nguy cơ của bệnh này là rất quan trọng.  

Phòng ngừa phù bạch huyết

Tập thể dục và ăn kiêng

- Cố gắng vận động cánh tay bình thường.

- Tập thể dục như bơi lội, đi bộ giúp cho cho các khớp dẻo dai, và quan trọng hơn là giúp cho việc lưu thông bạch huyết.

- Xây dựng các bài luyện tập hàng ngày, tránh vận động quá mức các cơ và dừng ngay nếu thấy có đau, sưng phù hay khó chịu.

- Giữ cơ thể khỏe mạnh bằng cách thường xuyên tập thể dục và thực hiện chế độ ăn kiêng cân bằng. Tăng cân là yếu tố gây nguy cơ mắc chứng phù bạch huyết.

Chăm sóc da

- Chăm sóc da tay bên mổ bằng cách tránh dùng xà phòng gây khô da.

- Lau khô cánh tay và bàn tay kỹ càng và dùng loại dưỡng ẩm không mùi để giúp cho da mềm mại. Sử dụng kem dưỡng da để tránh da bị nứt nẻ, đồng thời hạn chế nguy cơ nhiễm trùng da.

- Tránh dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh. Có thể nên tránh các phòng tắm xông hơi.

Chăm sóc sức khỏe

- Cắt hay cứa vào da hoặc tình trạng da bị đỏ, dễ bị nhiễm trùng sẽ dẫn đến khả năng phù nề.

- Tránh đo huyết áp hoặc lấy máu ở tay bên mổ. Nếu cả hai tay đều là tay bên mổ, hãy đo huyết áp, hoặc lấy máu ở chân.

- Tránh châm cứu vào tay bên mổ

- Tránh tiêm ở tay bên mổ.

Tránh tổn thương da

- Tránh mát xa mạnh vào tay bên mổ, trừ trường hợp do các nhân viên được đào tạo để hỗ trợ các bệnh nhân có nguy cơ bị phù bạch huyết thực hiện. Làm nóng hoặc mát-xa mạnh có thể khuyến khích cơ thể đẩy thêm dịch bạch huyết đến khu vực đó.

- Đi găng tay khi làm vườn, giặt giũ, làm bếp.

- Sử dụng thuốc chống côn trùng khi cần.

- Tránh cắn móng tay. Cẩn thận khi cắt móng tay vì tổn thương lớp da ngoài cũng sẽ làm vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng.

- Dùng kem chống nắng với độ chống nắng cao và nhớ bôi phần da bên trong lớp quần áo (vì có thể bị cháy nắng ngay cả khi đã mặc quần áo).

- Cẩn thận khi cạo lông nách. Sử dụng dao cạo điện được bảo dưỡng thường xuyên là an toàn nhất.

- Không nên tẩy lông vì sẽ làm tổn thương da gây nguy cơ nhiễm trùng. Kem bôi rụng lông có thể dùng nhưng hết sức cẩn thận và bôi thử lên các bộ phận khác của cơ thể  trước xem phản ứng của da thế nào. Lưu ý là khu vực đó có thể bị tê nên bạn không có cảm nhận đau hay đang có phản ứng diễn ra. Cẩn thận khi bôi kem và luôn phải xem hướng dẫn trước khi dùng.

- Tránh mặc quần áo, tay áo, áo ngực chật. Không mang vác vật nặng trên vai. Không đeo đồng hồ, vòng quá chật.

Biên dịch: Lã Thanh Thủy

Hiệu đính: BS Nguyễn Phương Anh

- 13-06-2018 -

Bài viết liên quan