Khi nào nên phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo?

Khi bị chấn thương, nếu mổ ngay thì máu đang chảy nhiều, dịch khớp đang chảy, các mô đang trong tình trạng phù nề... khiến xử lí không triệt để các tổn thương. Bệnh nhân nên phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối bị đứt khi khớp gối đã trở về gần như bình thường với mức độ co duỗi hoàn toàn bình thường, gối không còn triệu chứng sưng nề... 

Đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau hay chấn thương vùng gối… là những tổn thương khá phổ biến. Thời gian phẫu thuật sẽ quyết định khá lớn đến việc phục hồi của bệnh nhân.

Phẫu thuật ở “giai đoạn nguội” giúp bệnh nhân nhanh phục hồi

BS.CK2 Đỗ Tiến Dũng (Trưởng khoa Y học Thể thao - Bệnh viện Nhân dân 115) cho biết: Bệnh nhân nên phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối bị đứt khi khớp gối đã trở về gần như bình thường với mức độ co duỗi hoàn toàn bình thường, gối không còn triệu chứng sưng nề. Việc mổ quá sớm khi gối còn sưng nề khiến bệnh nhân có nguy cơ bị cứng khớp gối sau mổ.

Thời điểm mổ thích hợp nhất là sau 3 tuần tính từ thời điểm bị chấn thương (một số quốc gia phương Tây có chỉ định mổ sau 3 tháng). Trong thời gian này, bệnh nhân được chỉ định tập vật lí trị liệu để phục hồi tốt như tập cơ đùi để mạn cơ đùi không teo, tập khớp gối để gối không bị cứng... rồi mới tiến hành phẫu thuật.

BS.CK2 Đỗ Tiến Dũng phân tích: “Khi bị chấn thương, nếu mổ ngay thì máu đang chảy nhiều, dịch khớp đang chảy, các mô đang trong tình trạng phù nề... khiến xử lí không triệt để các tổn thương. Trong thời gian này, việc mô phù nề rất khó phân biệt được mô nào đang sống hoặc đã chết nên thường được chỉ định cắt đi là không cần thiết, vô cùng đáng tiếc”.

Phẫu thuật ở giai đoạn nguội giúp bệnh nhân ít đau đớn và sớm bình phục, ít gặp biến chứng hơn. (Ảnh minh họa)

Khi các mô đang phù nề, tại vị trí phẫu thuật sẽ xảy ra tình trạng chảy máu nhiều sẽ dẫn đến tình trạng dính khớp dẫn đến tình trạng dễ nhiễm trùng và khó khăn trong việc tập luyện vật lí trị liệu sau này.

Theo ghi nhận tại các đơn vị mạnh về Y học thể thao như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình… các trường hợp được chỉ định phẫu thuật trong giai đoạn nguội có tiến triển phục hồi nhanh hơn các ca được phẫu thuật liền. Trong thời gian tập vật lí trị liệu, bệnh nhân cũng tập luyện ít đau đớn và rút ngắn được thời gian phục hồi hoàn toàn

Xử lí sau chấn thương: Yếu tố quyết định thành công

Có rất nhiều người theo kinh nghiệm truyền miệng khi bị chấn thương thường lấy lá náng, vỏ bưởi, hay xoa các loại dầu nóng, thậm chí một số người theo kinh nghiệm lấy muối đắp, xoa thuốc rượu, mật gấu… điều này rất nguy hiểm vì có thể khiến bệnh nhân bị tràn dịch khớp hoặc chảy máu trong, dẫn tới hoại tử. Mọi việc xử lí sau chấn thương cần được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa.

Theo BS.CK2 Đỗ Tiến Dũng, trong 26 - 48 giờ đầu, bệnh nhân có thể chườm lạnh tại vị trí chấn thương khoảng 10 - 15 phút, ngày khoảng 3 lần. Lí do là khi bị chấn thương, máu đang chảy mạnh nên việc chườm lạnh sẽ máu đỡ chảy giúp giảm triệu chứng bị phù nề, giảm đau nhức. Sau đó, bệnh nhân sẽ nằm nghỉ và bất động vùng gối một cách tốt nhất nhằm hạn chế sự sưng nề của gối sẽ giúp cho việc phẫu thuật khâu phục hồi dây chằng và tái tạo dây chằng có kết quả tốt hơn.

Sau khoảng thời gian 26 - 48 giờ, bệnh nhân mới có thể bắt đầu chuyển sang chườm nóng. Nhiệt độ sẽ giúp nở các mạch máu để cải thiện lưu thông máu ở phần bị thương và đẩy nhanh quá trình lành bệnh. Lưu ý là nên chườm vùng bị tổn thương qua một lớp quần áo và không nên chườm quá lâu tại một trí để tránh gây bỏng trực tiếp cho vùng thương tổn.      

Trong 3 tuần chờ đợi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được bác sĩ tiến hành luyện tập với các động tác như nâng đùi, khép đùi và dạng đùi để cơ tứ đầu đùi không bị teo. Sau phẫu thuật 24 tiếng, người bệnh được rút dẫn lưu và bắt đầu tập gấp, duỗi gối để khớp gối không bị cứng, dính. 

Chú ý 

Để hạn chế các chấn thương không mong muốn, cần tuân thủ nghiêm một số nguyên tắc sau:

  • Không được bỏ qua khâu khởi động trong tập luyện thể thao, vận động nhanh - mạnh. Cần khởi động kỹ các động tác, đặc biệt là các động tác mềm dẻo của các khớp để tránh các hiện tượng sái khớp, sưng khớp.
  • Không thực hiện các động tác mạnh một cách đột ngột, đặc biệt là với các động tác xoay khi lấy khớp gối làm trụ.
  • Không thực hiện các động tác khó khi thấy đau và có trở ngại của vận động khớp.

Theo Bệnh viện Nhân dân 115

- 28-05-2018 -