Phòng và điều trị lẹo mắt cho bé

Lẹo mắt là một căn bệnh hầu như bé nào cũng bị ít nhất 1 lần trong đời. Đây là bệnh viêm nhiễm ở mắt lành tính và không để lại biến chứng nếu điều trị đúng cách.

Lẹo mắt xuất hiện khi các vi khuẩn như Staphylococcus aureus làm tổ tại một trong các tuyến dầu nhỏ ở chân lông mi. Tình trạng nhiễm trùng này khiến cho mí mắt bị đau, sưng đỏ, mưng mủ hoặc phồng nước. Quan sát kỹ, cha mẹ có thể thấy được nốt mụn mủ vàng ở mi mắt, dịch tiết màu vàng hoặc trắng chảy ra từ chỗ sưng và mí mắt có thể hơi dầy, mọng lên.

Lẹo mắt không nguy hiểm nhưng nó có thể gây khó chịu cho trẻ nhỏ. Bệnh này nên được điều trị sớm, dứt điểm trước khi nó chuyển sang nhiễm trùng nặng hơn.

Phòng và điều trị lẹo mắt cho bé

Chăm sóc lẹo mắt cho trẻ

Đa số các trường hợp lẹo mắt chỗ sưng sẽ tự vỡ và chảy nước trong vòng vài ngày, tuy nhiên bạn có thể giúp cho lẹo mắt của trẻ mau lành hơn với một số biện pháp sau:

  • Làm ẩm khăn hoặc gạc sạch bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý NaCl 9%o và đắp lên vùng mắt bị lẹo. Trẻ có thể không thích việc này và phản ứng lại bằng cách quay trước quay sau, tuy nhiên hãy cố giữ miếng gạc tại mắt trong khoảng 10 -15 phút, lặp lại khoảng 3-4 lần/ngày.
  • Nếu việc này khiến trẻ không được thoải mái, bạn hãy tranh thủ đắp gạc khi trẻ buồn ngủ hoặc đánh lạc hướng làm trẻ xao lãng bằng cách kể chuyện cho trẻ… Nhiệt độ ấm của nước sẽ khiến lẹo vỡ mủ nhanh hơn và mau lành hơn.
  • Tuyệt đối không được nặn, bóp mủ. Việc này có thể khiến trẻ bị đau đớn và làm tình trạng nhiễm trùng trở nên tồi tệ hơn. Với các trẻ lớn, khuyên trẻ không nên dụi mắt.
  • Khi lẹo đã vỡ mủ, rửa mí mắt cho trẻ bằng một miếng vải sạch hay bông gạc sạch nhúng vào nước ấm hoặc nước muối sinh lý NaCl 9%o để tránh mủ lây sang chỗ khác.

Thông thường, mắt trẻ sẽ hết sưng trong vòng 1 tuần.

Ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng

Nếu trẻ bị nhiễm trùng chỉ một bên mắt, lưu ý sử dụng các miếng bông gạc riêng để làm sạch cả hai bên mắt do vi khuẩn có thể lây từ mắt nọ sang mắt kia.

Vi khuẩn cũng có thể lây sang mắt của những thành viên trong gia đình nếu cho trẻ sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm. Do vậy, bắt buộc cho trẻ dùng riêng khăn mặt, khăn tắm và các đồ dùng cá nhân.

Ngoài ra, hãy rửa tay sạch sẽ sau mỗi lần vệ sinh mắt cho bé. Bạn cũng cần rửa tay cho trẻ thường xuyên.

Khi trẻ bị lên lẹo mắt, bạn không cần thiết phải cho trẻ nghỉ học. Tuy nhiên cần vệ sinh sạch sẽ mắt cho trẻ trước và sau khi đi học về. Hãy thông báo với cô giáo hoặc nhân viên y tế trường học để nhờ các cô giáo rửa tay thường xuyên cho trẻ khi ở trường và cách ly vật dụng trẻ sử dụng với các bạn khác.

Tuyết đối không dùng các loại lá thuốc, thuốc dân gian đắp lên mắt trẻ vì có thể làm nhiễm trùng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho trẻ.

Phòng và điều trị lẹo mắt cho bé

Khi nào cần cho trẻ đi khám

Nếu trẻ bị lẹo mắt dưới 3 tháng tuổi, mẹ cần cho trẻ đi khám bác sỹ ngay.

Với trẻ từ 4 tháng trở lên, bạn nên cho trẻ đi khám nếu toàn bộ mí mắt bị sưng đỏ hoặc phần sưng lan sang vị trí đối diện (mí trên hoặc mí dưới). Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang bị viêm tế bào quanh hốc mắt.

Ngoài ra, bạn cũng cần đưa trẻ tới bác sỹ nếu lẹo mắt không vỡ mủ sau một tuần chườm nóng, hoặc nếu trẻ có nhiều hơn một mụn mủ hoặc nếu trẻ xuất hiện một mụn mủ mới sau khi vừa khỏi.

Bác sỹ có thể kê đơn các loại thuốc mỡ kháng sinh để diệt khuẩn tại mắt. Trong các trường hợp nhiễm trùng nặng, trẻ có thể được chuyển tới bác sỹ chuyên khoa để trích nạo lấy hết mủ ra.

Phòng tránh tái phát lẹo mắt ở trẻ

So với người lớn, trẻ em là đối tượng dễ bị lẹo mắt và một số đối tượng lại nhạy cảm với căn bệnh này hơn những trẻ khác.

Nếu trẻ hay bị lên lẹo mắt, bạn có thể giảm thiểu việc lên lẹo mắt của trẻ bằng cách vệ sinh mí mắt hàng ngày hoặc sử dụng dầu gội không cay mắt dành cho em bé hay xà phòng chà mắt chuyên dụng có bán ở các tiệm thuốc.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Cách điều trị viêm bờ mi mắt ở trẻ nhỏ

- 28-05-2018 -