Gân là 1 dải mô xơ cứng và rất linh hoạt. Gân là cấu trúc trong cơ thể nối cơ bắp với xương. Các cơ xương trong cơ thể chịu trách nhiệm cho việc cử động xương, do đó cho phép bạn có thể đi bộ, nhảy nhót, nâng đồ vật và di chuyển theo nhiều cách. Khi một cơ bắp co, nó kéo xương thông qua gân tạo nên sự cử động. Cấu trúc truyền lực của sự co cơ bắp đến xương được gọi là gân.

Gân có rất nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Một số gân có kích thước rất nhỏ như gân gây ra cử động của ngón tay, và một số thì to hơn nhiều chẳng hạn như gân Achilles ở gót chân. Khi hoạt động bình thường, các gân trượt dễ dàng và nhịp nhàng theo nhịp co cơ.

Đôi khi các gân bị viêm vì nhiều lý do và dẫn đến co kéo cơ bắp gây khó chịu. Nếu sự cử động trượt bình thường của gân bị suy yếu, các gân sẽ bị viêm và quá trình vận động sẽ trở nên đau đớn. Hiện tượng này được gọi là viêm gân.

Nguyên nhân

Có hàng trăm gân rải rác khắp cơ thể con người, nhưng tình trạng viêm gân có xu hướng xảy ra ở một số ít các gân cụ thể. Những gân này thường có một phần diện tích ít được cung cấp máu dẫn đến tổn thương mô và có sự hồi phục kém. Khu vực của một gân dễ bị tổn thương như vậy được gọi là  'vùng lưu vực,'  khu vực của gân ít được cung cấp máu nhất.

Trong những vùng lưu vực này, cơ thể gặp khó khăn trong việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để chữa lành gân, đó là lý do tại sao chúng ta thấy các vấn đề phổ biến liên quan đến gân luôn xuất hiện ở một số bộ phận nhất định trên cơ thể.

Viêm gân đa số chủ yếu là do một chấn thương quá nặng. Thường khi con người bắt đầu thực hiện một hoạt động mới hoặc tập thể dục thì gân dễ bị kích thích.

Các vấn đề về gân thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 40 đến 60. Ở cơ thể họ gân không còn đàn hồi như người trẻ tuổi trong khi cơ thể vẫn chịu các tác động tương tự.

Thỉnh thoảng, viêm gân có thể do một nguyên nhân về giải phẫu gây nên. Nếu gân không có một đường nhẵn để trượt qua, nhiều khả năng gân sẽ bị kích thích và viêm. Với những tình trạng bất thường này, điều trị phẫu thuật là cần thiết để cấu trúc lại các gân.

Bệnh viêm gân
Triệu chứng

Viêm gân hầu như luôn chẩn đoán được trên thăm khám lâm sàng. Các dấu hiệu liên quan đến bệnh viêm gân bao gồm:

  • Ðau trực tiếp ở gân
  • Đau khi cử động cơ và gân
  • Sưng gân

Các triệu chứng có thể bắt đầu xuất hiện đột ngột thường là trong trường hợp sau khi bị chấn thương hoặc sau một thời gian hoạt động quá nhiều. Sự khởi đầu này cũng có thể xuất hiện dần dần và phát triển trong nhiều tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên ở cả 2 trường hợp thì các triệu chứng đều tương tự nhau.

Chụp X-quang và cộng hưởng từ (MRI) có cần thiết?

Các phương pháp chiếu chụp như X-quang và MRI thường không cần thiết cho việc chẩn đoán viêm gân.

Trong khi chúng không được dùng để chẩn đoán viêm gân, chụp X-quang có thể được thực hiện để đảm bảo không có vấn đề sức khỏe gì khác ở bệnh nhân, chẳng hạn như gãy xương cũng có thể gây ra các triệu chứng đau và sưng. X-quang có thể chỉ ra dấu hiệu sưng xung quanh gân.

Cộng hưởng từ cũng là một xét nghiệm kiểm tra tốt để xác định triệu chứng sưng và sẽ cho thấy dấu hiệu của viêm gân. Tuy nhiên, các xét nghiệm này thường không cần thiết để khẳng định chẩn đoán. MRI thường chỉ được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ về một vấn đề khác gây ra các triệu chứng ở bệnh nhân.

Khi chẩn đoán về viêm gân được khẳng định, bước tiếp theo là tiến hành điều trị thích hợp. Quá trình điều trị phụ thuộc vào từng loại viêm gân cụ thể. Điều trị viêm gân có thể được bắt đầu ngay khi bệnh viêm gân được xác nhận có ở bệnh nhân.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan