Tỉ lệ hiếm muộn ở Việt Nam là 7,7% các cặp vợ chồng. Ước tính Việt Nam có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn. Hiếm muộn do nhiều nguyên nhân, đến từ cả vợ lẫn chồng...

Nguyên nhân gây hiếm muộn

Tỉ lệ hiếm muộn ở Việt Nam là 7,7% các cặp vợ chồng. Ước tính Việt Nam có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn. Hiếm muộn do nhiều nguyên nhân, đến từ cả vợ lẫn chồng.

Hiếm muộn. (Ảnh minh họa)

Nhu cầu khám, điều trị hiếm muộn nói chung, hiện nay tăng có thể do các yếu tố sau:

  • Phụ nữ muốn có con khi ở độ tuổi trễ hơn (sau 30 tuổi), khi mà khả năng sinh sản tự nhiên suy giảm. Nguyên nhân này ngày càng tăng 
  • Môi trường sống ô nhiễm, công việc căng thẳng có thể góp phần làm giảm khả năng có thai
  • Số lượng và chất lượng tinh trùng nam giới có khuynh hướng ngày càng giảm  
  • Các bệnh lý y khoa ở phụ nữ có thể gây hiếm muộn cũng gia tăng: nhiễm trùng phụ khoa, rối loạn hoạt động buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung… 
  • Thông tin đại chúng, truyền thông làm cho mọi người hiểu rằng cần đi khám và điều trị sớm. Nhiều phòng khám, bệnh viện cung cấp dịch vụ điều trị hiếm muộn 
  • Công việc căng thẳng có thể gây stress làm rối loạn hoạt động buồng trứng. Ngoài ra, có thể stress, mệt mỏi cũng làm giảm tần suất quan hệ vợ chồng và làm giảm khả năng có thai.

Các biện pháp tránh thai và hiếm muộn

Chưa có đủ bằng chứng khoa học cho thấy sử dụng biện pháp tránh thai lâu ngày trực tiếp gây hiếm muộn. Tuy nhiên, có thể có các yếu tố gián tiếp sau:

  • Tránh thai lâu năm, khi muốn có thai thì người phụ nữ đã lớn tuổi, khả năng có thai giảm tự nhiên theo tuổi
  • Tránh thai bằng cách đặt vòng (dụng cụ tử cung) có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng đường sinh sản và dẫn đến hiếm muộn
  • Hút nạo thai ngoài ý muốn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, tổn thương đường sinh sản, có thể gây hiếm muộn.

Điều trị hiếm muộn

Có nhiều biện pháp điều trị hiếm muộn. Với mô hình vấn đề hiếm muộn hiện nay, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có ưu thế về kỹ thuật và hiệu quả.

Tùy theo nguyên nhân mà các phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Các phương pháp phổ biến hiện nay là:

  • Thụ tinh nhân tạo còn gọi là bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Phương pháp này thường dùng cho các trường hợp nhẹ, tuổi trẻ. Tỉ lệ thành công khoảng 15%
  • Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF/ICSI). Phương pháp này dành cho những trường hợp nặng, lớn tuổi hoặc đã thất bại nhiều lần với IUI. Tỉ lệ thành công nói chung khoảng 50%.

Chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm (IVF/ICSI) và kết quả

Chỉ định phổ biến của IVF/ICSI

Những trường hợp chỉ định phổ biến của IVF/ICSI là: 

  • Tắc vòi trứng 
  • Tinh trùng yếu nặng 
  • Thất bại với nhiều lần thụ tinh nhân tạo (IUI)  
  • Người vợ trên 38 tuổi
  • Do nhiều nguyên nhân kết hợp.

Kết quả khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm

Một trường hợp làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF/ICSI) trung bình có thể có được 4 - 6 phôi có thể sử dụng. Số phôi này có thể chia ra cấy vào tử cung 2 - 3 đợt. Mỗi đợt cấy phôi vào tử cung khoảng 2 phôi, khả năng có thai nói chung khoảng 40 - 45%. Như vậy, nếu cấy phôi 2 - 3 lần, khả năng có thai sau khi sử dụng hết phôi số phôi có thể khoảng trên 60%. Trường hợp trẻ tuổi, tỉ lệ thành công cao hơn. Trường hợp lớn tuổi, khó, khả năng thành công sẽ thấp hơn.

ThS.BS Hồ Mạnh Tường

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe Sinh sản 

- 28-05-2018 -