Điều trị và chế độ chăm sóc cho bệnh nhân ghép thận

Thận đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng như: bài tiết các chất độc hại sau khi cơ thể đã chuyển hóa thông qua sự bài tiết nước tiểu, điều hòa huyết áp, điều chỉnh cân bằng toan – kiềm, cân bằng nước – điện giải, tham gia biệt hóa hồng cầu, điều hòa

Phương pháp ghép thận là gì?

Thận đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng như: bài tiết các chất độc hại sau khi cơ thể đã chuyển hóa thông qua sự bài tiết nước tiểu, điều hòa huyết áp, điều chỉnh cân bằng toan – kiềm, cân bằng nước – điện giải, tham gia biệt hóa hồng cầu, điều hòa chuyển hóa canxi – phốt pho…

Thận làm nhiệm vụ lọc chất dịch và chất cặn bã trong máu. Khi thận mất khả năng lọc, dịch và chất cặn bã sẽ tích tụ trong cơ thể - tình trạng này được gọi là suy thận.
Đôi khi suy thận phát triển đột ngột (suy thận cấp tính). Loại suy thận này thường do phẫu thuật, chấn thương, viêm nhiễm hay rối loạn máu. Nhờ điều trị tích cực, suy thận cấp thường có thể chữa được.

Điều trị ghép thận
(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, suy thận thường tiến triển chậm (suy thận mạn tính). Loại suy thận này thường do tiểu đường, huyết áp cao hay mắc bệnh thận mạn. Nếu không điều trị, suy thận mạn tính có thể tiến triển tới giai đoạn cuối của bệnh thận. Lúc này, chức năng thận rất yếu. Bệnh nhân cần chạy thận hoặc ghép thận. Khi bệnh nhân bị bệnh thận – tiết niệu khác nhau, nếu cả hai thận không còn khả năng đó và không có khả năng hồi phục thì được gọi là suy thận mạn giai đoạn cuối. Khi đó bệnh nhân chỉ sống được nhờ 1 trong 3 biện pháp điều trị thay thế thận: thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận; trong đó ghép thận là phương pháp điều trị lý tưởng nhất, vì một quả thận ghép có thể đảm đương hoàn toàn chức năng của hai thận đã bị tổn thương.

Trong khi hai phương pháp kia chỉ có thể thay thế được một phần chức năng thận, đó là chức năng loại thải chất độc và điều chỉnh những rối loạn nội môi, còn các chức năng khác thì không. Ngoài ra, bệnh nhân ghép thận không còn phải đến bệnh viện hàng ngày hay cách ngày để lọc máu nữa.

Ghép thận không phải là cắt bỏ thận bệnh rồi ghép một quả thận mới vào đúng vị trí cũ. Thực chất ghép thận là việc lấy một quả thận của người khỏe mạnh hoặc một quả thận còn tốt của người đã bị chết não để ghép vào bụng (thực chất là ngoài ổ bụng vì thận ghép ở ngoài màng bụng). Vị trí thuận lợi nhất để đặt thận mới thường là vùng hố chậu bên phải (cũng có thể là bên trái). Động mạch và tĩnh mạch thận ghép sẽ được nối với động mạch và tĩnh mạch chậu cùng bên, niệu quản thận ghép sẽ được khâu nối vào bàng quang. 

Người ta chỉ cắt bỏ 1 hoặc 2 thận bệnh lý trong một số trường hợp đặc biệt (thận đa nang quá to, thận bệnh bị viêm mạn tính nặng, hẹp động mạch thận nặng). Một người có thể được ghép thận được nhiều lần, nếu thận ghép bị hỏng. Nguồn thận để ghép có thể từ người sống cho thận hoặc từ người đã bị chết não. Người chết não có lấy được thận để ghép hay không do những hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ quyết định. 

Từ năm 2007, ở nước ta đã có Luật cho ghép thận lấy tạng từ người chết não để ghép cho người bệnh. Nguồn thận ghép từ hiến thận khỏe mạnh có thể cùng huyết thống (bố, mẹ đẻ, anh chị em ruột, quan hệ huyết thống xa hơn như anh em nội tộc) hoặc không huyết thống (hoàn toàn không có quan hệ họ hàng). Hiện nay ở nước ta hầu hết bệnh nhân được ghép thận từ người cho cùng huyết thống. Trên thực tế, những trường hợp không cùng huyết thống phải chứng minh được sự 'tự nguyện hiến thận vì mục đích nhân đạo' chữa bệnh chứ không được mua bán (luật pháp cấm mua bán tạng). Vì vậy nguồn thận ghép này được ghép hiện nay còn rất hiếm.

Điều trị cho bệnh nhân ghép thận

Với những người được ghép thận của họ hàng, thận bắt đầu thải nước tiểu ngay sau khi ghép.
Còn ở những người nhận thận từ tử thi, chức năng thải nước tiểu có thể chỉ phục hồi hoàn toàn sau vài ngày hoặc vài tuần.
Để chống thải ghép, sau khi phẫu thuật, bệnh nhân phải dùng liên tục thuốc ức chế miễn dịch như Sandimmun Neoral (cyclosporine A), Azathioprine và Prednisone.

Chế độ chăm sóc bệnh nhân ghép thận

Điều 1: Bệnh nhân phải luôn luôn:

  • Uống thuốc đúng liều bác sĩ ghi trong đơn.
  • Báo ngay cho bác sĩ điều trị nếu bạn lỡ quên một liều thuốc.
  • Báo ngay cho bác sĩ điều trị biết các tác dụng phụ xảy ra nếu có.
  • Chuẩn bị thuốc 10 ngày trước khi hết thuốc, đảm bảo rằng bạn không bị lỡ mất một liều nào.

Điều 2: Bệnh nhân không được tự ý:

  • Ngừng uống thuốc vì tác dụng phụ hay vì cảm thấy bạn đã khoẻ mạnh.
  • Thay đổi liều lượng thuốc cũng như thời gian uống thuốc.
  • Uống gấp đôi liều lượng thuốc khi lỡ quên một liều mà phải báo ngay cho bác sĩ của bạn.
  • Uống thuốc mà không được chỉ dẫn hoặc ghi đơn của bác sĩ theo dõi sau ghép cho bạn kể cả các loại thuốc cảm cúm thông thường.
  • Uống thuốc nếu có nghi ngờ rằng thuốc đó không giống với lần trước bạn đã mua.

Điều 3. Chế độ ăn uống dành cho bệnh nhân sau ghép thận:

  • Bệnh nhân sau ghép thận do tâm lý thoải mái nên thường ăn ngủ nhiều, dễ tăng trọng lượng cơ thể, ảnh hưởng tới sức khoẻ.
  • Nên ăn uống điều độ, thức ăn ít muối, ít chất béo, ít đường.
  • Ăn đồ đã nấu chín, không ăn đồ sống, đồ biển (dễ nhiễm khuẩn E.colilegionella), không uống sữa tươi, bánh hotdogs (dễ nhiễm Listeriamonoctogenes), không ăn rau hỏng (dễ nhiễm Nocardia asteroids)
  • Không nên ăn các loại đồ nóng, đậu các loại.
  • Chế độ dinh dưỡng:
    • Cung cấp đạm: 0,55 - 1g/kg/ngày
    • Cung cấp calo: 25 Kcal/kg/ngày
    • Dầu cá: 3 - 6 g/ngày (có lợi cho độ lọc cầu thận)
    • Muối natri: hạn chế khoảng 2 - 3g/ngày
    • Muối kali: tăng kali thường kèm với dùng CsA và FK506, giữ kali máu: 5,5mEq/l
    • Muối magiê: thường thấp sau ghép, có vai trò kiểm soát huyết áp.
    • Muối canxi: hạn chế 1 - 1,5g/ngày, thêm vitamin D nếu Canxi máu giảm
    • Vitamin A: không cần dùng
    • Rượu làm tăng hấp thu CsA, làm tăng độc tính của CsA, và tăng huyết áp, giảm đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường, do đó bệnh nhân sau ghép không nên uống chất có cồn.

Điều 4: Sinh hoạt cá nhân:

  • Theo dõi tình trạng sức khoẻ chung của cơ thể và thận ghép.
  • Theo dõi nước tiểu trong 24 giờ.
  • Tình trạng các bệnh kèm theo như cao huyết áp, tiểu đường, viêm gan…
  • Đối với bệnh nhân cao huyết áp, phải có sổ tự theo dõi huyết áp.
  • Thường xuyên luyện tập sức khoẻ giúp điều chỉnh rối loạn dị hoá đạm, yếu cơ, tan mỡ trong máu, béo phìloãng xương, cao huyết áp.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
  • Khi ra ngoài đường phải đeo khẩu trang, đội nón mũ.
  • Tránh bị cảm cúm, tránh gần các loại gia súc có nhiều mầm bệnh.

Điều 5: Giao tiếp:

  • Giao tiếp tự do, nhưng tránh ngay các đối tượng đang bị bệnh lây nhiễm đường hô hấp như lao phổi, cảm cúm, viêm phổi, …
  • Nếu bắt buộc phải giao tiếp, xin phép 1 trong 2 người phải đeo khẩu trang.

Điều 6: Sinh hoạt vợ chồng và sinh sản:

  • Sau 3 tháng ghép thận, có thể giao hợp được nếu diễn biến tốt.
  • Cả nam và nữ có thể có con sau 1 - 2 năm.
  • Chú ý tránh nhiễm trùng do không vệ sinh, trầy xước niêm mạc trong giao hợp.
  • Phòng ngừa nhiễm trùng: Betadine gynecologique, gel (không dùng paraffin hay vasclin).
  • Ngừa thai bằng bao cao su nếu muốn tránh thai.

Điều 7: Môi trường sinh hoạt:

  • Khu vực có không khí trong lành, thoáng mát.
  • Dọn dẹp sạch các hố nước, ổ gà ứ đọng trong nhà.
  • Không nuôi chim, súc vật nếu không thể kiểm soát lây nhiễm (như chó ghẻ, lợn, bọ chét, ….)
  • Tránh khu vực ô uế, đám tang người có bệnh truyền nhiễm, nơi đông người, nhất là trong mùa có dịch bệnh hô hấp.
  • Tránh hướng gió gần nơi ô nhiễm.
  • Cần dùng kem chống nắng khi đi biển hoặc phải ở ngoài trời nhiều giờ liên tục.

Điều 8: Chế độ kiểm tra sau ghép thận

Để đảm bảo sức khoẻ cơ thể và tuổi thọ của quả thận mới, bệnh nhân sau khi xuất viện cần tái khám định kỳ theo chế độ như sau:

  • Tháng đầu sau khi xuất viện: 10 ngày tái khám 1 lần.
  • Tháng thứ 2 sau khi xuất viện: 15 ngày tái khám 1 lần.
  • Tháng thứ 3 đến tháng thứ 6: mỗi tháng tái khám 1 lần.
  • Sau 6 tháng, nếu bạn cảm thấy không có gì khác lạ hay khó chịu thì có thể 2 - 3 tháng đi tái khám 1 lần (khi cảm thấy cơ thể khó chịu hoặc có những biểu hiện không bình thường, nên đi kiểm tra ngay).

Điều 9: Nội dung kiểm tra (xét nghiệm) khi tái khám:

  • Công thức máu
  • Sinh hoá máu
  • Chức năng gan
  • Chức năng thận
  • Nồng độ thuốc
  • Nước tiểu.

Ngoài ra tuỳ theo thực trạng của cơ thể kiểm tra các mục khác như:

  • Mỡ trong máu
  • Đường huyết
  • Kali
  • Siêu âm thận ghép, siêu âm ngực, hoặc chụp Xquang, …

Điều 10: Những tư liệu cần thiết cho bác sĩ điều chỉnh thuốc sau ghép thận:

Các kết quả kiểm tra (xét nghiệm) sau:

  • Công thức máu
  • Sinh hoá máu
  • Chức năng gan
  • Chức năng thận
  • Nồng độ thuốc
  • Kết quả kiểm tra các bệnh khác nếu có: (siêu âm, X-quang…)
  • Chế độ và liều lượng thuốc đang uống
  • Lượng nước tiểu/24 giờ, huyết áp, nhiệt độ.

Theo Sức khỏe & Đời sống 

- 05-09-2018 -

Bài viết liên quan