Chủng ngừa thủy đậu, loại bỏ tử vong

Một nghiên cứu mới ở Mỹ cho thấy, thuốc chủng ngừa bệnh thủyđậu đã gần như loại bỏ các trường hợp tử vong do căn bệnh này ở trẻ em.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đăng trên tạp chí Nhi khoa ngày hôm qua, tỷ lệ tử vong do bệnh thủy đậu đã giảm 97% trong số những người dưới 20 tuổi từ 1990-1994 đến2005-2007. “Các ca trẻ tử vong do thủy đậu đang trở thành quá khứ”, bà Jane Seward, đồng tác giả của nghiên cứu khẳng định.

Đây là một thành tựu rất ấn tượng, nếu xét rằng nghiên cứu này đo đạc hiệu quả của chỉ một liều vắc xin lần đầu tiên được đề nghị năm1995, Seward nói. Khi vắc xin được đưa vào sử dụng, CDC đã đề nghị dùng một liều duy nhất cho trẻ em trong độ tuổi từ một đến một tuổi rưỡi, giúp ngăn ngừa khoảng 85% số ca lây nhiễm. Năm 2006, CDC khuyến cáo liều thứ hai ở độ tuổi từ 4 đến 6, với hy vọng để bảo vệ trẻ em nhiều hơn.

Đáng chú ý là, tiêm chủng đã được bảo vệ ngay cả trẻ sơ sinh còn quá bé để chủng ngừa, bởi vì giữ không cho virus lưu thông cũng có nghĩa là bảo vệ những người không được tiêm chủng - một hiện tượng được gọi là “miễn dịch bầy đàn”. Tỷ lệ tiêm chủng cao ở trẻ lớn hơn đã “thực sự phong tỏa việc lan truyền virus”, Seward nói.

Mặc dù nhiều người lớn còn nhớ thủy đậu là một mối phiền toái, trẻ em phát bệnh trong một tuần với triệu chứng sốt và nổi ban ngứa, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, như viêm phổi, viêm não, Seward nói. Trước khi vắc xin được phê chuẩn vào năm 1995, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 150 trẻ chết vì căn bệnh này và 11.000 trẻ phải nhập viện.

Thủy đậu cũng là căn bệnh trẻ em gây nhiều phiền phức, nó buộc phụ huynh phải nghỉ việc một tuần, ông Paul Offit, phụ trách khoa bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Philadelphia (Mỹ) nói. Trước khi có vắc xin, mỗi năm có 4 triệu trường hợp mắc bệnh thủy đậu, gây tốn kém 330 triệu USD chi phí y tế và1,5 tỷ USD chi phí “xã hội”, chẳng hạn như thời gian làm việc mất đi, theo một phân tích trên Nhi khoa năm 2010.

- 28-05-2018 -