6 cách chống lại việc hạ đường huyết khi ngủ

Phát hiện ra việc hạ đường huyết khi ngủ là rất quan trọng, tuy nhiên, có rất nhiều phương pháp đơn giản giúp bạn ngăn chặn được tình trạng hạ đường huyết vào buổi tối và có thể ngủ ngon mà không cần phải lo lắng gì.

6 cách chống lại việc giảm đường huyết khi ngủ

Hạ đường huyết vào buổi tối hay ban đêm là một tình trạng rất hay gặp ở những người bị đái tháo đường. Một nghiên cứu năm 2013 xuất bản trên tạp chí Quality of Life Research cho thấy, những người bị đái tháo đường, dù là typ 1 hay typ 2, cũng đều trải qua tình trạng hạ đường huyết khi ngủ thường xuyên hơn là những gì các bác sỹ nghĩ.

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến hạ đường huyết khi ngủ, từ việc luyện tập thể thao gần giờ đi ngủ cho đến việc uống nhiều rượu vào buổi chiều. Nếu không được điều trị, hạ đường huyết trong suốt cả đêm có thể dẫn đến đau đầu và mất ngủ. Trong những trường hợp nặng hơn còn có thể dẫn đến co giật, thậm chí tử vong. Nhưng tin tốt là việc ngăn chặn tình trạng hạ đường huyết khi ngủ có thể được thực hiện rất dễ dàng với các cách sau đây:

Kiểm tra lượng đường huyết trước khi đi ngủ

Với tất cả những người bị đái tháo đường typ 1 và typ 2, việc kiểm tra đường huyết trước khi đi ngủ là hết sức quan trọng để đảm bảo rằng lượng đường huyết không tụt xuống quá thấp vào ban đêm. Nếu lượng đường huyết của bạn hạ xuống thấp trước khi ngủ, hãy ăn một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ. Khối lượng bữa ăn sẽ tùy thuộc vào lượng đường huyết bị giảm của bạn. Ví dụ, nếu đường huyết chỉ giảm xuống một chút thì bạn chỉ nên ăn ít. Và nếu như bạn là người phải tiêm insulin, hãy cân nhắc đến việc giảm liều insulin.

Biết rõ các dấu hiệu của hạ đường huyết khi ngủ

Triệu chứng của hạ đường huyết thường sẽ xuất hiện khi lượng đường huyết giảm xuống dưới 70 mg/dL. Các triệu chứng bao gồm: run chân tay, đổ mồ hôi, lú lẫn, hành vi bất thường, đau đầu và chóng mặt. Nếu bạn bị hạ đường huyết vào buổi tối, những triệu chứng trên sẽ làm bạn tỉnh dậy giữa đêm. Tuy nhiên, một số người sẽ trải qua tình trạng hạ đường huyết bất giác, tức là họ sẽ không nhận thấy được các triệu chứng hạ đường huyết.

Trao đổi với bác sỹ về việc nhận ra tình trạng hạ đường huyết vào buổi tối, đặc biệt là nếu bạn cảm thấy bạn rất khó để nhận ra các triệu chứng. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm bởi người bệnh không thể biết được khi nào lượng đường huyết của họ tụt xuống bởi họ không hề xuất hiện triệu chứng nào. Cơ thể của những người bị hạ đường huyết bất giác cũng kém nhạy cảm hơn với các triệu chứng. Họ rất ít khi bị tỉnh dậy vào giữa đêm do việc hạ đường huyết.

Không bỏ bữa tối

Bỏ bữa tối hoặc ăn tối ít là một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất của việc hạ đường huyết khi ngủ. Bởi vậy, hãy ăn một bữa tối khỏe mạnh, cân đối hàng ngày và chú ý đến lượng thức ăn mà bạn ăn vào.

6 cách chống lại việc hạ đường huyết khi ngủ
Tránh luyện tập quá mức vào buổi tối

Thường xuyên luyện tập là rất tốt, nhưng luyện tập quá mức trước khi đi ngủ thì không nên bởi có thể làm cho đường huyết tụt xuống trong đêm. Điều này co snghĩa là bạn nên tránh luyện tập trong vòng 2 tiếng trước khi đi ngủ. Nếu lượng đường huyết của bạn ở mức dưới 100 mg/dL vào buổi tối sau khi luyện tập, hãy ăn bữa ăn nhẹ vào buổi tối với lượng gấp đôi để dự phòng tình trạng tụt đường huyết khi ngủ.

Hạn chế uống rượu bia vào buổi tối

Uống rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ bị hạ đường huyết khi ngủ. Thông thường, uống với lượng vừa đủ - dưới 1 ly/ngày với phụ nữ và 2 ly/ngày với nam giới, nhưng đừng đợi đến trước khi đi ngủ mới thưởng thức. Nếu bạn có uống rượu vào buổi chiều, hãy ăn chút gì đó khi uống để làm giảm tối đa nguy cơ bị hạ đường huyết khi ngủ.

Chuẩn bị tinh thần

Nếu bạn thường xuyên bị tỉnh giấc do các triệu chứng của hạ đường huyết, hãy luôn có thứ gì đó sẵn sàng ở đầu giường, ví dụ như soda hoặc một vài chai nước hoa quả để bạn có thể phản ứng ngay lập tức mà không phải bước xuống giường.

Nếu hạ đường huyết khi ngủ là một vấn đề bạn thường xuyên gặp phải, hãy nói với bác sỹ để thay đổi phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường của bạn, giúp bạn có thể kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn khi ngủ.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: Hạ đường huyết có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân mắc Tiểu đường Typ 2

- 28-05-2018 -