5 hiểu lầm thường gặp về ung thư

Với căn bệnh ung thư nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là căn bệnh không có thuốc chữa. Đã đến lúc phải xoá bỏ những quan niệm sai lầm về căn bệnh này để hướng tới một lối sống tích cực hơn.

Hiểu lầm 1: Điện thoại di động và chất làm ngọt nhân tạo có thể gây ung thư

Sự thật: Theo bác sỹ Jack Jacoub thuộc Khoa ung bướu tại Trung tâm điều trị ung thư Memorial Care, hiện nay chưa hề có một bằng chứng thực sự thuyết phục nào chỉ ra mối liên quan giữa những yếu tố này đối với bệnh ung thư trên người.

Vậy tại sao lại có những lời đồn như trên? Theo Viện nghiên cứu ung thư quốc gia, những nghiên cứu trên mô hình động vật vào những năm 1970 cho rằng có mối liên quan giữa chất làm ngọt nhân tạo với bệnh ung thư, tuy nhiên nghiên cứu tương tự lại không chỉ ra điều đó trên người. Mặc dù một số nghiên cứu đã chỉ ra có một sự liên hệ nào đó giữa điện thoại di động và bệnh ung thư não nhưng các nghiên cứu khác lại phủ nhận điều đó. Ngay cả Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới đều cho rằng không có đủ bằng chứng để có thể khẳng định rằng những thứ này có thể gây ung thư.

Vậy để phòng bệnh ung thư, tốt nhất là bạn nên tập trung vào những thứ đã được khoa học kiểm chứng là có khả năng giảm nguy cơ ung thư như cắt giảm bớt rượu, bỏ thuốc lá, ăn nhiều rau xanh và trái cây và duy trì một mức cân nặng khỏe mạnh bằng cách thường xuyên luyện tập thể dục thể thao.

Hiểu lầm 2: Những người có làn da sẫm màu không thể bị ung thư da

5 hiểu lầm thường gặp về ung thư

Sự thật: Sở hữu một làn da sáng có thể làm tăng nguy cơ tiến triển cả bệnh ung thư tế bào hắc tố lẫn những dạng ung thư da khác. Tuy nhiên không có một đảm bảo chắc chắn nào để khẳng định rằng bạn sẽ miễn dịch với bệnh ung thư nếu có một làn da sẫm màu, đặc biệt nếu bạn không áp dụng những biện pháp để bảo vệ làn da của mình.

Những bệnh nhân có làn da tối và thậm chí cả bác sỹ của họ có thể dễ dàng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo của căn bệnh ung thư da, thường xuất hiện trên những vị trí như dưới móng tay hay trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc quanh miệng, mí mắt và bộ phận sinh dục. Hậu quả là họ chỉ được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi ung thư đã trở nên rất khó điều trị.

Hiểu lầm 3: Ăn nhiều mỡ có thể làm bạn béo lên nhưng không có liên quan gì tới ung thư

Sự thật: Theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, tình trạng thừa cân là nguyên nhân gây ra 1 trong số 5 ca tử vong do ung thư. Thừa quá nhiều cân nặng sẽ làm gia tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, ung thư thận, ung thư tụy, ung thư bàng quang, ung thư tuyến giáp và ung thư tuyến tiền liệt. Thậm chí nó sẽ khiến tiên lượng bệnh trở nên xấu hơn rất nhiều khi bạn bị mắc bất kỳ loại ung thư nào.

Nguyên nhân chủ yếu là do thừa cân nghĩa là cơ thể sẽ dễ xảy ra các phản ứng viêm nhiễm. Quá trình này sẽ biến những tế bào bình thường trở thành ung thư bằng cách thay đổi vật liệu di truyền DNA hay ảnh hưởng đến tỷ lệ cân bằng giữa tế bào mới được hình thành và tế bào cũ chết đi. Các hợp chất được giải phóng bởi tế bào mỡ bao gồm estrogen, adipokine và insulin-like growth factor (IGF) có thể gây ra tình trạng này.

Ngoài ra, bệnh béo phì thường đi kèm với một chế độ dinh dưỡng giàu những chất béo có hại và ít những loại rau và trái cây có khả năng chống lại bệnh ung thư, do vậy nguy cơ mắc ung thư sẽ tăng lên gấp đôi.

Hiểu lầm 4: Bệnh ung thư không thể lây từ người này sang người khác

Sự thật: Trên thực tế, đúng là bạn không thể bị lây bệnh ung thư từ một người đang mắc bệnh. Tuy nhiên, một số virus gây ung thư có khả năng lây nhiễm rất cao. Theo bác sỹ Robert Haddad thuộc Viện nghiên cứu ung thư Dana-Farber (Boston), human papillomavirus (HPV) đã trở thành mối đe dọa và khiếp sợ của rất nhiều người khi gây ra một loạt những ca ung thư miệng và họng vào thập kỷ trước.

Ung thư miệng và họng vốn được coi là những căn bệnh chỉ dành riêng cho người nghiện rượu và hút thuốc lá nặng, nhưng giờ đây tới 70% người bệnh là do bị nhiễm virus HPV. Virus này lây lan thông qua việc quan hệ tình dục bằng miệng và có thể gây ung thư trong những năm sau đó, ví dụ như trên nam giới 40, 50 tuổi.

Theo bác sỹ Haddad, hầu hết những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm ít nhất một chủng HPV, nhưng đa số không chuyển thành ung thư.

Hiểu lầm 5: Có một làn da rám nắng sẽ bảo vệ bạn khỏi ung thư da

5 hiểu lầm thường gặp về ung thư

Sự thật: Đã tới lúc bác bỏ quan niệm sai lầm về một “làn da rám nắng khỏe mạnh”. Làn da được làm rám đi bởi bức xạ tử ngoại cho dù là từ mặt trời hay từ những giường tắm nắng cũng sẽ hủy hoại da dần dần và dẫn đến nguy cơ ung thư da. Đó là chưa kể đến các nếp nhăn, da xỉn màu, chảy sệ, các đốm tàn nhang và những dấu hiệu lão hóa khác mà tia UV có thể gây ra cho làn da của bạn. Hơn nữa, theo CDC những hóa chất sử dụng trong quá trình làm rám da chỉ có chỉ số bảo vệ da (Sun Protection Factor), tối thiểu SPF3  và do vậy chỉ một vết cháy nắng nhỏ cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư hắc tố da.

Sử dụng kem chống nắng là vô cùng cần thiết nhưng chỉ nên coi là biện pháp thứ yếu. Cách tốt nhất là nên hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng từ 11giờ  sáng tới 2 giờ chiều, khi bức xạ mặt trời là mạnh nhất.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 6 dấu hiệu ung thư vòm họng dễ bị bỏ qua

- 28-05-2018 -