18 lý do khiến bạn bị đau bụng

Gần như tất cả mọi người đều đã từng ít nhất một lần bị đau bụng. Nhưng có rất nhiều cơ quan nằm trong ổ bụng có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau bụng. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết về những nguyên nhân gây đau bụng phổ biến nhất.

Sỏi mật

Sỏi mật là tình trạng hình thành viên sỏi trong túi mật – một túi nhỏ treo ở phía dưới gan, tiết ra dịch mật giúp tiêu hóa chất béo. Sỏi mật có thể gây sưng và tắc đường dẫn mật vào ruột, dẫn đến đau bụng. Đau bụng do sỏi mật thường bắt đầu ở bụng trên bên phải, và cơn đau thường xuất hiện sau một bữa ăn có nhiều chất béo. Những bữa ăn như vậy thường khiến túi mật phải co thắt. Nếu túi mật bị viêm, thì bất kỳ cơn co thắt nào cũng sẽ được khuếch đại lên và thường gây đau cho người bệnh.

18 lý do khiến bạn bị đau bụng

Viêm tụy

Viêm tụy có thể gây ra cảm giác đau rát ở bụng trên hoặc giữa bụng. Một số người còn xuất hiện cơn đau nhói ở ngay phía sau lưng. Bạn sẽ có xu hướng gập người về phía trước hoặc nằm ngửa để cố gắng giảm đau, cơn đau khi đó sẽ giảm thành cơn đau âm ỉ, đi kèm với tình trạng buồn nôn và nôn mửa. Uống quá nhiều rượu và sỏi mật cũng có thể là nguyên nhân gây viêm tụy (tụy và túi mật đưa dịch tiêu hóa vào ruột non thông qua cùng một ống dẫn). Viêm tụy thường sẽ yêu cầu phải nhập viện.

Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản có thể gây đau ở phần bụng trên và phía dưới ngực, hay còn gọi là bị ợ nóng. Nguyên nhân của tình trạng này là do van đóng giữa dạ dày và thực quản bị yếu, khiến thức ăn và axit từ dạ dày trào ngược lên. Ăn quá nhiều hoặc ăn sai loại thực phẩm (ví dụ như ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ) có thể làm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản diễn biến nặng hơn. Giảm cân, thận trọng với những gì mình ăn và sử dụng một số loại thuốc (thuốc kháng axit, thuốc chẹn H2 và thuốc ức chế bơm proton) có thể sẽ giúp ích.

Không dung nạp lactose

Có hàng triệu người trên thế giới mắc phải chứng không dung nạp lactose. Trên thực tế, tại một số vùng trên thế giới, số người không dung nạp lactose còn nhiều hơn số người có thể tiêu hóa lactose (một loại đường được tìm thấy trong sữa và các sản phẩm làm từ sữa). Chứng không dung nạp lactose sẽ gây ra tình trạng đau bụng nhẹ, chướng bụng, tiêu chảy, ợ hơi và khó tiêu. Giải pháp duy nhất là bạn nên tránh tiêu thụ các sản phẩm sữa và có chứa sữa, ví dụ như phô mai.

Phản ứng phụ của thuốc

Chẳng có loại thuốc nào là không có phản ứng phụ cả, và đôi khi, phản ứng phụ của thuốc sẽ bao gồm tình trạng đau bụng. Bisphosphonate đường uống, một nhóm thuốc phổ biến có thể giúp bảo tồn mật độ xương và dự phòng tình trạng loãng xương, có thể gây sưng phù, và do đó gây đau ở phía dưới thực quản. Một số loại thuốc giảm đau, ví dụ như các thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAIDs) ví dụ như ibuprofen và aspirin cũng có thể gây sưng lớp niêm mạc dạ dày và thậm chí có thể gây loét dạ dày.

Viêm túi thừa

Viêm túi thừa là tình trạng viêm các túi nhỏ ở niêm mạc ruột, thường là ruột già. Tình trạng này giống như niêm mạc đại tràng bị đục lỗ, rất dễ bị viêm hoặc bị tắc bởi phân hoặc các vật lạ. Triệu chứng có thể bao gồm đau rút ở vùng bụng dưới, triệu chứng này có thể sẽ giảm đi khi được sử dụng kháng sinh. Một chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp ích. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, viêm túi thừa có thể gây ra áp xe, chảy máu và thậm chí là thủng ruột, dẫn đến những cơn đau dữ dội hoặc thậm chí là cần phải phẫu thuật hoặc nhập viện.

18 lý do khiến bạn bị đau bụng

Không dung nạp gluten

Một số người sẽ có phản ứng rất tiêu cực với gluten – một loại protein được tìm thấy trong bột mỳ, lúa mạch và lúa mạch đen. Dạng không dung nạp gluten nghiêm trọng nhất chính là bệnh celiac. Gluten sẽ gây tổn thương niêm mạc ruột non, khiến ruột non không thể hấp thu được các chất dinh dưỡng. Ngày nay, càng ngày càng có nhiều người ý thức hơn về chứng không dung nạp gluten và bệnh celiac, với các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, đau bụng từ nhẹ đến nặng và mệt mỏi. Ruột non không hấp thu được các chất dinh dưỡng có thể sẽ dẫn đến tiêu chảy mãn tính, giảm cân và thậm chí là suy dinh dưỡng.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung chỉ ảnh hưởng đến nữ giới. Đây là tình trạng xảy ra khi các tế bào ở niêm mạc tử cung thoát ra ngoài và phát triển tại các phần khác của cơ thể, thường là trong khoang chậu. Đau bụng, ra máu bất thường và vô sinh thường là hậu quả của tình trạng lạc nội mạc tử cung. Lạc nội mạc tử cung rất khó để chẩn đoán, và thường sẽ cần đến gặp bác sỹ phụ khoa và cần được siêu âm vùng chậu. Nếu chỉ bị lạc nội mạc tử cung ở một vùng nhỏ thì phẫu thuật có thể sẽ giúp ích. Nếu không, thì sẽ phải điều trị bằng thuốc giảm đau và trị liệu hormone vì trong bệnh này, chu kỳ kinh nguyệt sẽ gây ra triệu chứng đau hơn bình thường.

Các vấn đề về tuyến giáp

Mặc dù tuyến giáp nằm ở cổ, nhưng vẫn có thể gây ra các vấn đề ở nửa thân dưới. Tuyến giáp tham gia vào rất nhiều chức năng trong cơ thể, và chức năng tiêu hóa là một trong số đó. Nếu tuyến giáp sản xuất ra quá nhiều hormone (cường giáp), nó sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy và đau bụng. Ngược lại, tuyến giáp giảm hoạt động (suy giáp) sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa, có thể gây đau bụng do táo bón và đầy hơi.

Nhiễm ký sinh trùng

Rất ít người nghĩ rằng triệu chứng đau bụng là do nhiễm giun hoặc các loại ký sinh trùng khác, nhưng điều này là hoàn toàn có thể xảy ra. Có rất nhiều loại ký sinh trùng khác nhau, nhưng những loại ký sinh trùng phổ biến là Giardia và Cryptosporidium, những loại ký sinh trùng bạn có thể bị nhiễm khi đi bơi hoặc khi uống nước bị nhiễm khuẩn. Những loại ký sinh trùng rất nhỏ này có thể gây đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn trong khoảng 2-10 ngày (với Cryptosporidium ) và từ 1-3 tuần (với Giardia ) , từ sau khi chúng xâm nhập. Một con đường khác mà ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể bạn đó là do thực phẩm bị nhiễm bẩn hoặc chưa được nấu chín.

Viêm ruột thừa

Đa số những người bị viêm ruột thừa đều đã trải qua tình trạng đau bụng đến nỗi phải đi cấp cứu. Viêm ruột thừa là tình trạng phổ biến hơn ở trẻ nhỏ và người trưởng thành trẻ tuổi (mặc dù bệnh cũng hoàn toàn có thể xảy ra ở người lớn tuổi), và thường bắt đầu bằng cơn đau bụng nhẹ, lan dần xuống vùng bụng dưới phía bên phải. Nếu ruột thừa không được cắt bỏ, nó có thể vỡ ra, dẫn đến tình trạng sưng màng bụng, có thể đe dọa tính mạng.

Loét dạ dày

Viêm loét dạ dày tá tràng là một tình trạng phổ biến gây đau bụng. Cơn đau thường bắt đầu ở giữa phần bụng trên và đôi khi có thể xảy ra sau khi ăn. Những người bị loét tá tràng có thể bị tỉnh giấc vào giữa đêm do đau bụng quá dữ dội. Các thuốc NSAID và vi khuẩn H.pylori thường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng. Thuốc kháng sinh và thuốc làm giảm axit dạ dày cũng thường được sử dụng để điều trị loét do vi khuẩn gây ra.

18 lý do khiến bạn bị đau bụng

Ăn quá nhiều kẹo cao su không đường

Nếu bạn ăn quá nhiều sorbitol – một chất có trong các loại kẹo cao su không đường, thì cũng có thể sẽ bị đau bụng và tiêu chảy. Theo một bài báo năm 2008 trên tạp chí BMJ, một phụ nữ 21 tuổi giảm 5kg, bị đau bụng và tiêu chảy (đi ngoài 12 lần/ngày) do ăn 16 cái kẹo cao su trong một ngày. Một người đàn ông 46 tuổi khác, cũng có những triệu chứng tương tự sau khi nhai 20 cái kẹo cao su không đường và ăn kẹo có chứa sorbitol hàng ngày. Trong cả 2 trường hợp, chỉ cần giảm lượng kẹo tiêu thụ mỗi ngày là vấn đề sẽ được giải quyết.

Căng thẳng

Căng thẳng có thể gây đau đầu, tăng huyết áp, mất ngủ và gây đau bụng. Trầm cảm đã được chứng minh là có liên quan đến các vấn đề về tiêu hóa (bao gồm giảm cảm giác ngon miệng và giảm cân), cũng như liên quan đến hội chứng ruột kích thích. Mối liên hệ này có thể là mối liên hệ 2 chiều, theo như một nghiên cứu năm 2011 trên tạp chí Gut. Nói cách khác, trầm cảm có thể gây ra đau bụng, và thường xuyên đau bụng cũng có thể sẽ dẫn đến lo lắng và trầm cảm.

Ngộ độc thức ăn

Ngộ độc thức ăn do virus hoặc vi khuẩn có thể gây đau bụng, cùng với đó là tiêu chảy và nôn mửa. Trong những năm trở lại đây, có rất nhiều các trường hợp ngộ độc thực phẩm được báo cáo lại, ở cả các nước đang phát triển và các nước phát triển. Trong những trường hợp hiếm gặp, ngộ độc thực phẩm có thể có diễn biến nghiêm trọng hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Nhìn chung, triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường kéo dài từ 1-2 ngày nhưng nếu bạn bị viêm dạ dày ruột do virus, thì triệu chứng có thể sẽ kéo dài hơn.

Bệnh viêm ruột

Bệnh viêm ruột (IBD) là tình trạng viêm ở bên trong ruột non hoặc ruột già. Bệnh viêm ruột bao gồm bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại tràng. Tình trạng viêm do bệnh viêm ruột gây ra có thể gây sẹo và tắc nghẽn ruột, dẫn đến đau bụng, cùng với đó là tiêu chảy và chảy máu trực tràng. Triệu chứng thường diễn biến mãn tính, nhưng cũng có thể bùng phát và giảm đi theo chu kỳ, khiến bệnh rất khó chẩn đoán. Bệnh viêm ruột cần được kiểm soát chặt chẽ và có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn, kể cả ung thư.

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích khác với bệnh viêm ruột. Mặc dù hội chứng ruột kích thích có thể dẫn đến đau bụng mãn tính và thay đổi nhu động ruột (ví dụ như thay đổi tình trạng táo bón và tiêu chảy), nhưng đây không phải là một tình trạng viêm và sẽ không gây chảy máu trực tràng. Hội chứng ruột kích thích thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới, và thường được coi là ít nghiêm trọng hơn bệnh viêm ruột, có thể được kiểm soát bằng cách điều trị triệu chứng, ví dụ như dùng thuốc giảm đau. Và không giống như bệnh viêm ruột, hội chứng ruột kích thích không bao giờ diễn biến nặng thành ung thư.

Ung thư

Tình trạng này không phổ biến, nhưng ung thư một trong số các cơ quan nằm trong ổ bụng, như gan, tụy, dạ dày, túi mật hoặc buồng trứng, có thể gây đau bụng, nhưng thường là chỉ ở những giai đoạn muộn. Ngoài đau bụng, ung thư cũng có thể gây ra các triệu chứng khác, ví dụ như mất cảm giác ngon miệng, sụt cân, thường xuyên nôn mửa, chướng bụng kéo dài và thường xuyên thay đổi nhu động ruột. Nếu một người có thói quen đi tiêu một lần một ngày và trong vài tuần trở lại đây lại đi tiêu 3-4 ngày một lần thì việc này cần được lưu ý.

Thông tin thêm trong bài viết: Ăn gì khi bị đau bụng?

Liên Hương

http://www.health.com/health/gallery/0,,20568290,00.html

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan