10 sự thật thú vị về trái tim

Trái tim là cơ quan quan trọng và 'chăm chỉ' nhất của cơ thể, làm việc không ngừng nghỉ, từ lúc con người sinh ra cho đến khi chết đi. Tim có trách nhiệm bơm máu chứa oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết đến tất cả các cơ quan trong cơ thể. Thế nhưng, không phải ai cũng biết hết những thông tin thú vị về trái tim.

#1: Trái tim ở trung tâm lồng ngực, chứ không phải ở phía bên trái

10 sự thật thú vị về trái tim

Từ trước đến nay, bạn vẫn nghĩ rằng, trái tim nằm ở phía bên trái lồng ngực? Khi chúng ta đặt tay lên phía bên trái lồng ngực để cảm nhận nhịp tim đập, thì trên thực tế, chúng ta đã đặt tay…hơi xa trái tim một chút. Trái tim được nằm ở giữa ngực, ở giữa 2 lá phổi. Một số ít người sinh ra với tình trạng tim lệch phải, hay còn gọi là tim đảo ngược vị trí (dextrocardia). Trong những trường hợp này, trái tim của họ sẽ lệch về bên phải nhiều hơn là bên trái.

Theo Tổ chức Quốc tế về các rối loạn hiếm gặp, những người có tim lệch phải và các phủ tạng đảo ngược (situs inversus), tức là các cơ quan như gan và lách cũng bị đảo ngược vị trí, vẫn có thể sống bình thường mà không gặp phải bất cứ khuyết tật gì. Mặc dù vậy, trong rất nhiều trường hợp, tình trạng tim lệch phải sẽ đi kèm với nhiều loại dị tật tim hoặc các cơ quan khác đặt sai chỗ, thậm chí là thiếu một cơ quan nào đó, và cần phải phẫu thuật

#2: Trái tim con người đập khoảng 70 lần/phút

Đây chỉ là một con số gần đúng. Theo Mayo Clinic, trái tim của một người khỏe mạnh sẽ đập khoảng 60-100 lần/phút khi nghỉ ngơi. Nếu tính toán một chút, thì bạn sẽ thấy tim đập khoảng 100.000 lần/ngày và đập trung bình khoảng 2.5 tỷ lần trong suốt cuộc đời. Một con số khá lớn. Trẻ sơ sinh có nhịp tim đập nhanh nhất, từ 70-190 lần/phút và trái tim của một vận động viên được huấn luyện nhiều năm thì có thể đập với nhịp chậm hơn, chỉ từ 40-60 lần/phút.

Tuy nhiên, nhịp tim nhanh hơn bình thường (nhịp nhanh) hoặc chậm hơn bình thường (nhịp chậm) có thể là dấu hiệu của một vấn đề về tim mạch. Việc theo dõi nhịp tim bình thường của bạn theo thời gian là một việc vô cùng quan trọng. Theo một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Journal of the American Medical Association, những người có nhịp tim khi nghỉ ngơi tăng từ dưới 70 lần/phút lên hơn 85 lần/phút trong vòng 10 năm thì sẽ tăng khoảng 90% nguy cơ tử vong vì các bệnh lý tim mạch, so với những người có nhịp tim ổn định trong khoảng 70 lần/phút.

#3: Có trái tim to hơn chưa chắc đã là một điều tốt

Có một trái tim lớn hơn bình thường là một triệu chứng của bệnh tim mạch. Với người trưởng thành, kích thước trung bình của trái tim là bằng khoảng một nắm tay. Chứng tim to, tên khoa học là cardiomegaly, có thể xảy ra vì rất nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân chỉ là tạm thời (ví dụ như căng thẳng hoặc mang thai), nhưng một số nguyên nhân sẽ liên quan tới các bệnh lý về tim mạch (yếu cơ tim, bệnh mạch vành, các vấn đề về van tim hoặc nhịp tim bất thường). Biến chứng của chứng tim to bao gồm ngừng tim và đột tử (thường gặp ở các vận động viên), suy tim, tiếng thổi tim và hình thành cục máu đông, tùy thuộc vào phần nào của tim bị to ra.

10 sự thật thú vị về trái tim

#4: Có một trái tim lạnh chưa chắc đã là không tốt

Trị liệu bằng cách hạ thân nhiệt thực ra là một dạng điều trị cho chứng ngừng tim. Theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ về việc tiến hành hạ thân nhiệt, bác sỹ sẽ có thể hạ thân nhiệt của bệnh nhân xuống khoảng 32,7 độ C (ít hơn nhiệt độ trung bình thông thường là 5 độ C) để làm chậm quá trình tổn thương não và các cơ quan khác trong cơ thể trong khoảng thời gian tim tạm thời ngừng đập (và sau đó sẽ đập trở lại). Nghiên cứu xuất bản trên Annals of Neurology  vào năm 2010 chỉ ra rằng, 2/3 số bệnh nhân bị chứng ngừng tim được điều trị bằng phương pháp này có thể hồi phục và trở về nhà với chức năng tim tốt.

#5: Thứ 2 là ngày có nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra nhất

Không nhiều người trong chúng ta thích thứ 2 - thứ 2 là kết thúc của những ngày nghỉ cuối tuần, thứ 2 là phải trở lại với công việc, và trái tim cũng không thích thứ 2! Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim sẽ xảy ra vào thứ 2 hơn, so với tất cả những ngày khác trong tuần. Một nghiên cứu vào năm 2005 xuất bản trên tạp chí European Journal of Epidemiology thấy rằng, tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở nam giới cao hơn 20% và ở nữ giới cao hơn 15% vào ngày thứ 2. Một số chuyên gia cho rằng, việc tăng số ca nhồi máu cơ tim vào thứ 2 có thể có nguyên nhân là do căng thẳng trong công việc sau khi được nghỉ ngơi vào cuối tuần, trong khi một sô chuyên gia khác cho rằng, tình trạng này xảy ra vào thứ 2 là do tác động của việc cuối tuần say xỉn ở nhiều người.

Những ngày khác cũng có tỷ lệ số ca nhồi máu cơ tim tăng cao bao gồm: lễ Giáng Sinh, ngày sau lễ Giáng Sinh và ngày đầu năm mới.

#6: Hói đầu 1 phần ở nam giới là một dấu hiệu của bệnh tim mạch

Điều này có vẻ nghe hơi kỳ lạ, nhưng các nghiên cứu đã chứng minh được điều này là đúng. So với nam giới không bị hói đầu, nam giới bị hói ở hai bên đầu sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn khoảng 23%, nam giới hói đầu toàn toàn sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 36%. Nếu bạn là một nam giới, ngoài hói đầu còn bị tăng huyết áp hoặc mỡ máu cao, thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch của bạn thậm chí còn cao hơn nữa. Các nhà nghiên cứu hiện chưa biết rõ về mối liên quan này, nhưng có thể nguyên nhân liên quan đến lượng hormone testosterone. Quá nhiều testosterone sẽ cản trở sự phát triển của tóc và gây cứng các động mạch. Mối liên quan giữa hói đầu và bệnh tim mạch cũng có thể là do gen.

10 sự thật thú vị về trái tim

#7: Tổng chiều dài của hệ thống mạch máu vào khoảng 96.560 kilomet

Có 3 loại mạch máu khác nhau trong cơ thể: Động mạch mang máu từ trái tim tới các cơ quan, tĩnh mạch mang máu từ các chi và các cơ quan trở về tim và mao mạch kết nối động mạch và tĩnh mạch. Tổng cộng, tất cả chiều dài của động mạch, tĩnh mạch và mao mạch trong cơ thể có thể dài hơn…2 vòng trái đất. Cứng các động mạch, được gọi với thuật ngữ y khoa là xơ cứng động mạch, chính là hậu quả của việc hình thành mỡ và cholesterol trong mạch máu, gây ra các mảng xơ vữa. Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

#8: Trái tim của phụ nữ đập nhanh hơn trái tim của nam giới

Trái tim của phụ nữ đập nhanh hơn trái tim của nam giới khoảng 6 lần/phút. Điều này có thể được lý giải bởi sự khác biệt về kích thước trái tim giữa 2 giới. Trái tim của nam giới thường lớn hơn khoảng 25% so với trái tim nữ giới, do vậy, với mỗi nhịp đập, tim của nam giới có thể bơm được nhiều máu hơn. Tuy nhiên tim đập nhanh hơn không có nghĩa là sẽ chạy nhanh hơn. Vì trái tim nam giới có thể bơm được nhiều máu hơn, nên nhìn chung, nam giới thường sẽ chạy nhanh hơn nữ giới.

#9: Tim bạn sẽ không ngừng đập khi bạn hắt hơi

Việc tăng áp lực trong lồng ngực khi hắt hơi có thể sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng máu chảy tới tim và có thể khiến nhịp tim bị thay đổi, nhưng trái với nhiều người vẫn nghĩ, tim bạn sẽ không bị lỡ nhịp khi bạn hắt hơi. Và kể cả trong bệnh lý suy tim, trái tim của bạn cũng sẽ vẫn hoạt động, chỉ có điều là tim sẽ bơm máu yếu hơn so với bình thường mà thôi. Thời điểm duy nhất mà trái tim ngừng đập (tạm thời) là trong chứng ngừng tim.

#10: Động mạch chủ có độ dày gần bằng đường kính ống nước dùng trong vườn

Động mạch chủ chắc chăn là động mạch lớn nhất trong cơ thể, chạy từ tim đến ổ bụng. nhưng độ dày của động mạch chủ gần bằng đường kính ống nước trong vườn thì thật là một điều khó tưởng tượng. Hẹp động mạch dủ là một dị tật bẩm sinh (bác sỹ thường nhận thấy tình trạng này ở trẻ mới sinh) có thể khiến máu khó đi qua động mạch hơn. Bác sỹ cần phải tiến hành phẫu thuật để loại bỏ phần bị thu hẹp hoặc mở rộng phần đó để sửa chữa dị tật này.

- 20-04-2021 -