Xét nghiệm máu – Một số đặc điểm tổng quan

Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh và kiểm tra nhóm máu của bạn trước khi được truyền máu.

Thành phần của máu bao gồm những gì?

Huyết tương (plasma), phần chất lỏng của máu, chiếm khoảng 60% khối lượng của máu. Huyết tương chủ yếu được làm từ nước nhưng chứa nhiều protein khác nhau và các hóa chất khác như nội tiết tố, kháng thể, enzyme, đường, chất béo, muối, vv…

Các tế bào máu (blood cells) , có thể được nhìn thấy dưới kính hiển vi, chiếm khoảng 40% khối lượng của máu. Các tế bào máu được sản xuất trong tủy xương từ các tế bào ‘gốc’ tạo máu. Các tế bào máu được chia thành ba loại chính:

  • Các tế bào hồng cầu (Red cells / erythrocytes). Những tế bào này làm cho máu có màu đỏ. Một giọt máu chứa khoảng năm triệu hồng cầu. Cần một số lượng hồng cầu liên tục được tạo mới để thay thế các tế bào cũ bị phá vỡ. Và hàng triệu hồng cầu được phóng thích từ tủy xương vào máu mỗi ngày. Các hồng cầu chứa một chất hóa học gọi là huyết sắc tố (hemoglobin). Huyết sắc tố thu hút và kết hợp với oxy. Điều này cho phép hồng cầu vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các phần của cơ thể.
  • Các tế bào bạch cầu (White cells / leukocytes). Có nhiều loại khác nhau như bạch cầu trung tính (đa nhân), các tế bào lympho, bạch cầu ái toan (eosinophils), bạch cầu đơn nhân, bạch cầu ái kiềm (basophils). Chúng là một phần của hệ thống miễn dịch và tham gia chủ yếu chống lại nhiễm trùng.
  • Tiểu cầu (Platelets). Tiểu cầu rất nhỏ và giúp máu tạo thành cục máu đông nếu chúng ta có vết thương.

Để liên tục sản xuất các tế bào máu, hemoglobin và các thành phần của huyết tương, bạn cần có tủy xương khỏe mạnh và cung cấp đủ chất dinh dưỡng từ thực phẩm bao gồm sắt và một số vitamin.

Khi có chảy máu từ cơ thể của bạn (hoặc một mẫu máu được đưa vào một ống thủy tinh) các tế bào và các protein huyết tương kết lại với nhau để tạo thành một cục máu đông. Dịch trong suốt còn lại được gọi là huyết thanh (serum).

Xét nghiệm máu thường được thực hiện như thế nào?

Xét nghiệm máu

Các tĩnh mạch được sử dụng để lấy mẫu máu thường ở mặt trong của khuỷu tay hoặc mặt sau của cổ tay của bạn.

Một dây ga rô thường được buộc xung quanh đoạn trên cánh tay của bạn. Điều này làm cho các tĩnh mạch đầy máu và làm việc lấy máu dễ dàng hơn.

Da vùng trên tĩnh mạch thường được làm sạch với một chất sát khuẩn.

Sau đó, kim tiêm được đâm vào tĩnh mạch qua chỗ da đã được  sát khuẩn. Kim được nối trực tiếp với một ống tiêm hoặc vào ống lấy mẫu máu.

Khi lấy đủ lượng máu yêu cầu, kim được lấy ra. Vết thương nhỏ được ấn lên trên bằng bông gòn vài phút để cầm máu và ngăn ngừa vết thâm tím. Dán băng keo cá nhân. Máu được đưa vào ống lấy mẫu máu.

Các kiểu lấy máu khác nhau

  • Một số xét nghiệm máu yêu cầu một số mẫu lấy trong một khoảng thời gian. Ví dụ, cần kiểm tra cách cơ thể bạn phản ứng với cái gì đó như thế nào. Nếu bạn cần mẫu máu lặp đi lặp lại khá gần nhau (trong vài giờ), bác sĩ có thể lưu kim cánh bướm vào tĩnh mạch, và cố định kim bằng băng dính vào da bạn. Mẫu máu sau đó có thể được lấy ra mà không đâm thêm kim mỗi lần nữa.
  • Nếu chỉ cần một lượng nhỏ máu để xét nghiệm thì có thể châm kim vào đầu các ngón tay hoặc vành tai, sau đó nặn một vài giọt máu ra. Ví dụ, chỉ cần một lượng nhỏ máu để kiểm tra lượng đường trong máu (glucose ), sử dụng que thử (test strip of paper).
  • Một số xét nghiệm máu được lấy từ một động mạch ở cổ tay. Ví dụ, để đo lường nồng độ oxy trong động mạch. Thường chỉ được thực hiện tại bệnh viện trong một số trường hợp nhất định.
  • Bạn có thể được yêu cầu không ăn trong một thời gian nhất định trước khi xét nghiệm máu. Ví dụ, xét nghiệm đường huyết thường được lấy máu lúc đói vào buổi sáng.

Lấy máu làm xét nghiệm có biến chứng gì không?

Đôi khi bị một vết bầm tím nơi đã bị đâm kim. Có thể làm giảm đáng kể nếu bạn ấn lên trên bằng bông gòn trong vài phút với cánh tay để thẳng.

Như bất kỳ các vết thương khác, nhiễm trùng có thể phát triển nơi đâm kim. Bạn cần đi khám bác sĩ nếu vết thương trở nên đỏ và viêm.

Một số hiếm người cảm thấy choáng trong khi xét nghiệm máu. Nói cho người lấy máu xét nghiệm biết bạn cảm thấy choáng, và bạn phải ngay lập tức nằm xuống để tránh ngất xỉu.

Các loại mẫu máu khác nhau

Máu có thể được xét nghiệm cho rất nhiều mục đích khác nhau. Người chỉ định xét nghiệm máu sẽ điền vào mẫu giấy loại xét nghiệm họ muốn kiểm tra để phòng thí nghiệm thực hiện. Các ống máu khác nhau được sử dụng cho các xét nghiệm khác nhau. Ví dụ, đối với một số xét nghiệm máu cần được làm đông lại và xét nghiệm huyết thanh. Đối với một số xét nghiệm khác, máu được thêm vào một số hóa chất để ngăn chặn nó đông máu. Nếu lấy máu để đo đường huyết, máu cần được thêm vào một số chất bảo quản đặc biệt, vv… Đây là lý do tại sao bạn có thể thấy máu của bạn được đặt vào các ống xét nghiệm có kích cỡ và màu sắc khác nhau.

Mục đích của xét nghiệm máu

  • Giúp chẩn đoán một số bệnh nhất định, hoặc để loại trừ một số bệnh.
  • Theo dõi hoạt động và mức độ nghiêm trọng của các bệnh nhất định. Ví dụ, một xét nghiệm máu có thể giúp để xem nếu bệnh đáp ứng với điều trị.
  • Kiểm tra các chức năng của cơ thể như chức năng gan và thận khi bạn đang dùng một số loại thuốc có thể gây tác dụng phụ.
  • Kiểm tra nhóm máu của bạn trước khi được truyền máu.

Các loại xét nghiệm máu thường thực hiện nhất

  • Công thức máu – kiểm tra xem có bị thiếu máu và các bệnh khác có ảnh hưởng đến các tế bào máu.
  • Chức năng thận.
  • Chức năng gan.
  • Lượng đường trong máu.
  • Xét nghiệm đông cầm máu.
  • Các xét nghiệm phát hiện viêm.
  • Mức cholesterol trong máu.
  • Miễn dịch học – chẳng hạn như kiểm tra kháng thể kháng virus và vi khuẩn nhất định.
  • Nhóm máu.
  • Chức năng tuyến giáp.

Tài liệu tham khảo

http://www.patient.co.uk/health/blood-test-general-points

Biên dịch - Hiệu đính: BS. Lâm Quốc Thi - BS. Lâm Xuân Nhã
Y học cộng đồng

- 04-07-2018 -

Bài viết liên quan

  • Chọc ống sống thắt lưng là thủ thuật lấy một mẫu dịch não tủy để làm xét nghiệm. Dịch não tủy là chất lỏng bao quanh não và tủy sống. Kỹ thuật này thường được thực hiện khẩn cấp để nhanh chóng chẩn đoán viêm màng não. Chọc ống sống thắt lưng (Lumbar Puncture) ở đâu tốt tại TP.HCM? Khám trực tuyến cùng bác sĩ chuyên khoa Ngoại thần kinh để được tư vấn, chẩn đoán và giải đáp thắc mắc về chọc ống sống thắt lưng (Lumbar Puncture). 

  • Thận được ví như một máy lọc tự nhiên giúp cơ thể loại bỏ các chất thải, chất lỏng dư thừa trong máu. Tuy nhiên, nếu như thận không được chăm sóc chu đáo sẽ dẫn đến các bệnh lý như sỏi thận, viêm thận, suy thận... gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Do đó, cần thực hiện đo chức năng thận để đánh giá khả năng hoạt động, phát hiện các dấu hiệu bất thường ở thận và tìm phương pháp điều trị kịp thời. Khám từ xa với bác sĩ trực tuyến chuyên khoa Nội thận để được chẩn đoán, hướng dẫn điều trị và tư vấn về những trường hợp cần đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy.

  • Khám từ xa với bác sĩ trực tuyến chuyên khoa Huyết học để được chẩn đoán, hướng dẫn điều trị các bệnh lý huyết học và tư vấn về các xét nghiệm nhóm máu. Xét nghiệm nhóm máu thường được sử dụng nhằm xác định nhóm máu của bệnh nhân trước khi hiến máu, truyền máu hoặc của người có ý định sinh con để đánh giá nguy cơ không tương thích Rh giữa mẹ và con.

  • Nong và đặt stent động mạch cảnh là phương pháp không phẫu thuật, nhằm mở rộng lòng động mạch cảnh bị hẹp giúp phòng ngừa và điều trị đột quỵ. Nong động mạch cảnh thường được kết hợp với đặt một khung kim loại nhỏ gọi là stent vào vị trí động mạch bị hẹp. Stent có tác dụng giúp cho lòng động mạch mở rộng, đồng thời giảm nguy cơ thu hẹp lại. Nong và đặt stent động mạch cảnh có thể được sử dụng khi phẫu thuật mạch cảnh truyền thống không khả thi hoặc là quá rủi ro. Khám từ xa với bác sĩ trực tuyến chuyên khoa Lồng ngực - Mạch máu để được chẩn đoán, hướng dẫn điều trị và tư vấn về thủ thuật nong và đặt Stent động mạch cảnh.