Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận

Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.

Chức năng của thận có thể bị ảnh hưởng bởi một số bệnh tật hay trạng thái cơ thể nhất định hoặc tác dụng của một số loại thuốc. Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.

Cầu thận

Cầu thận. (Nguồn ảnh: activhealth.com)

Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận là như thế nào?

Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận được sử dụng để đánh giá thận của bạn hoạt động có tốt hay không bằng cách đo lường lượng máu được lọc bởi thận trong một khoảng thời gian kiểm tra nhất định (đo một cách gián tiếp thông qua việc đánh giá độ thanh lọc của một số chất trong máu như creatinine, inuline, ure). Trong cấu trúc thận, các cầu thận là bộ phận chức năng làm nhiệm vụ lọc máu nên xét nghiệm có tên là Đánh giá độ lọc cầu thận. Trường hợp cầu thận không thực hiện được đầy đủ chức năng lọc máu sẽ dẫn đến sự suy giảm chức năng của thận.

Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận thường được thực hiện thông qua kỹ thuật đo lượng creatinine trong máu. Creatinine là sản phẩm được tạo ra trong quá trình vận động của cơ bắp. Thông thường, thận sẽ thực hiện việc lọc bỏ thành phần creatinine này ra khỏi máu. Tuy nhiên, nếu hai quả thận hoạt động không tốt sẽ dẫn đến lượng creatinine còn tồn dư trong máu cao. Do tình trạng hoạt động của thận còn bị tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có trạng thái của cơ thể, nên để đảm bảo độ chính xác, kết quả xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận được tính toán theo công thức dựa trên kết quả đo lượng creatinine trong máu và xem xét cùng với các yếu tố về tuổi tác, giới tính của người được xét nghiệm.

Các giai đoạn chức năng của thận

Dựa vào kết quả xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận và các đặc điểm cơ thể khác, hoạt động chức năng của thận được chia làm 5 giai đoạn:

Các giai đoạn của bệnh thận mạn

eGFR (ml/phút/1.73 m2)

Giai đoạn 1: Kết quả xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận cho thấy thận hoạt động bình thường nhưng người được xét nghiệm đã nhận biết thấy có các triệu chứng, dấu hiệu bệnh tật hoặc tổn thương ở thận. 

Ví dụ: có xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc nồng độ protein cao trong nước tiểu, hiện tượng bất thường hay triệu chứng viêm thận...

>= 90

Giai đoạn 2: Chức năng của thận suy giảm nhẹ và người được xét nghiệm đã nhận thấy các triệu chứng thận có dấu hiệu bệnh tật hoặc tổn thương.

Kết quả đánh giá độ lọc cầu thận từ 60 - 89 nhưng không đi kèm với việc xuất hiện các triệu chứng thận có dấu hiệu bệnh tật hoặc tổn thương thì chưa được kết luận là có triệu chứng bị bệnh thận mạn.

60 – 89

Giai đoạn 3: Giai đoạn độ suy giảm chức năng thận trung bình (Đi kèm hoặc không đi kèm với việc người được xét nghiệm đã xác định có bệnh về thận. 

Ví dụ: người già bị suy giảm chức năng thận với tình trạng bệnh thận cụ thể chưa được xác định).

45 – 59 (3A)
30 – 44 (3B)

Giai đoạn 4: Suy giảm nghiêm trọng chức năng thận.

15 – 29

Giai đoạn 5: Suy giảm đặc biệt nghiêm trọng chức năng thận. Trường hợp này đôi khi còn được gọi là suy thận giai đoạn cuối.

< 15

Ghi chú: Kết quả xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận sẽ không còn chính xác trong trường hợp người được xét nghiệm có số lượng cơ bắp hoạt động bất thường hoặc có tình trạng ảnh hưởng đến nồng độ creatinine trong máu như các trường hợp sau:

  • Người có cơ bắp không hoạt động.
  • Người bị thiếu một tay hoặc một chân.
  • Người bị suy dinh dưỡng.
  • Phụ nữ đang mang thai.
  • Người bị suy thận cấp.
  • Người bị phù hay tích nước.
  • Trẻ em.

Tài liệu tham khảo:

http://www.patient.co.uk/healt...

Biên dịch - Hiệu đính: Ths. Vũ Thị Hồng Dương - BS. Nguyễn Phương Thảo
Y học cộng đồng

- 04-07-2018 -

Bài viết liên quan

  • Tuyến giáp trạng là một tuyến nội tiết quan trọng điều hòa nhiều hoạt động sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Rối loạn chức năng tuyến giáp có thể gây ra các bệnh cường tuyến giáp trạng, suy tuyến giáp, bướu lành tuyến giáp trạng và ung thư tuyến giáp trạng rất nguy hiểm. Do đó, thực hiện xét nghiệm chức năng tuyến giáp là vô cùng quan trọng.

  • Nội soi phế quản là một thủ thuật dùng để chẩn đoán bệnh lý của đường dẫn khí vào phổi. Thủ thuật này cho phép bác sĩ có thể quan sát vào bên trong phổi của người bệnh bằng cách dùng một ống soi phế quản có đường kính khoảng 3 đến 6mm được đưa qua mũi hoặc miệng vào khí quản và xuống các đường dẫn khí nhỏ hơn. Nội soi phế quản ở đâu tại TP.HCM? Khám trực tuyến cùng bác sĩ chuyên khoa Nội hô hấp để được tư vấn, chẩn đoán và giải đáp thắc mắc về nội soi phế quản.

  • Xạ hình tưới máu cơ tim là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất hiện nay, đồng thời là “phương pháp vàng” quyết định chiến lược điều trị. Xạ hình tưới máu cơ tim ở đâu tại TP.HCM? Khám trực tuyến cùng bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để được tư vấn, chẩn đoán và giải đáp thắc mắc về xạ hình tưới máu cơ tim.

  • Siêu âm là một kỹ thuật không gây đau sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của các cơ quan và các cấu trúc bên trong cơ thể.
  • Chụp MRI là cách gọi đơn giản của chụp cộng hưởng từ (MRI Scan), đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh an toàn, không gây đau.

  • Thông qua sinh thiết gan, bác sĩ có thể phát hiện các tế bào bất thường bên trong cơ thể, xác định chính xác khối u trong gan là u lành tính hay ác tính trong trường hợp có phát hiện u gan, đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra được phát đồ điều trị phù hợp và cho hiệu quả cao.