Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy

Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.

Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.

Chức năng của thận là gì?

Thận điều chỉnh lượng nước và muối trong cơ thể. Hai quả thận làm điều này bằng cách lọc máu qua hàng triệu cấu trúc nhỏ được gọi là đơn vị chức năng của thận (nephron). Thận cũng đưa một số loại chất thải ra khỏi cơ thể. Nước tiểu được tạo thành từ lượng nước dư thừa, muối và các chất đã được thải qua thận xuống bàng quang.

Thận

Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy

Các xét nghiệm máu thường quy để kiểm tra hoạt động của thận bao gồm việc đo nồng độ urea (urê), creatinine và một số loại muối hòa tan trong máu.

Urea. Urea là một sản phẩm hay “chất thải” tạo ra từ sự phân hủy của protein, thường được lọc qua nước tiểu. Nồng độ urea trong máu cao là một dấu hiệu cho thấy thận có thể không hoạt động tốt, hoặc bạn đang bị mất nước.

Creatinine. Creatinine là một sản phẩm thải ra từ cơ, đi vào máu và thường được lọc qua nước tiểu. Nồng độ creatinine trong máu cao là dấu hiệu cho thấy thận có thể không hoạt động tốt. Creatinine thường phản ánh chức năng thận chính xác hơn urea.

Độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) . Mặc dù mức creatinine trong máu là một chỉ số hữu ích phản ánh chức năng thận, eGFR là thước đo chính xác hơn. Mức creatinine trong máu có thể được sử dụng để ước tính eGFR khi có các thông tin về tuổi tác, giới tính và chủng tộc. Con số này thường được tính bằng máy tính và báo cáo kèm theo xét nghiệm creatinine máu. Chỉ số bình thường của eGFR là 90-120 ml/phút. Chỉ số eGFR dưới 60 ml/phút gợi ý rằng thận đã bị tổn thương. Chỉ số eGFR càng thấp, mức độ tổn thương thận càng nghiêm trọng.

Muối hòa tan . Muối hòa tan thường được đo là sodium (natri), potassium (kali), cloride (clorua) và bicarbonate. Đôi khi chúng được gọi là chất điện giải. Nồng độ trong máu của bất kỳ loại muối hòa tan nào không bình thường đều có thể là do thận có vấn đề. Tuy nhiên một số bệnh khác cũng có thể làm thay đổi sự cân bằng muối trong máu.

Ai cần đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy?

Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện khi:

  • Khám sức khỏe tổng quát.
  • Nghi ngờ bị mất nước (khi nồng độ urea tăng).
  • Nghi ngờ suy thận. Nồng độ urea và creatinine trong máu càng cao, thận làm việc càng kém. Mức creatinine thường được sử dụng như là tiêu chí đánh giá mức độ nghiêm trọng của suy thận. Thông thường, bạn cần được lọc máu nếu mức creatinine trong máu cao hơn một giá trị nhất định.
  • Trước và sau khi bắt đầu điều trị với một số loại thuốc nhất định. Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ làm tổn thương thận. Do đó, chức năng thận thường được kiểm tra trước và sau khi bắt đầu dùng các thuốc đó.

Các xét nghiệm chức năng thận khác

Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy thường được sử dụng để đánh giá chức năng thận. Tuy nhiên, một kết quả xét nghiệm máu bất thường không thể nói lên nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận. Trong trường hợp đó, bạn có thể cần làm thêm các xét nghiệm khác như xét nghiệm nước tiểu, chụp X -quang, sinh thiết thận, hoặc các loại xét nghiệm máu khác.

Tài liệu tham khảo

http://www.patient.co.uk/health/routine-kidney-function-blood-test
http://www.unckidneycenter.org/kidneyhealthlibrary/glomerulardisease.html

Biên dịch - Hiệu đính: BS. Lâm Quốc Thi - BS. Lâm Xuân Nhã
Y học cộng đồng

- 04-07-2018 -

Bài viết liên quan