Tên kĩ thuật y tế: Xét nghiệm aldolase

Bộ phận cơ thể/Mẫu thử: máu

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm aldolase là gì?

Xét nghiệm đo nồng độ enzyme aldolase có ích nhất trong việc tìm thử xem có bệnh lí của tế bào cơ bắp hoặc gan hay không.

Aldolase là một enzyme có tác dụng bẻ nhỏ những phân tử đường trong cơ thể ra để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động. Enzyme aldolase được tìm thấy ở khắp tất cả các bộ phận trong cơ thể, nhưng chúng tập trung nhiều nhất ở cơ và gan

Mức aldolase huyết thanh rất cao ở những bệnh nhân bị loạn dưỡng cơ, viêm da cơ, và viêm đa cơ. Nồng độ cũng đang tăng lên ở những bệnh nhân có quá trình hoại tử cơ, chấn thương cơ bắp, và các bệnh truyền nhiễm lây trong cơ (ví dụ, bệnh sán heo).

Mức aldolase tăng lên cũng được ghi nhận trong viêm gan mạn tính, vàng da tắc mật, và xơ gan.

Ngoài ra xét nghiệm này còn được sử dụng để phân biệt các nguyên nhân gây ra tình trạng yếu cơ, ví dụ như yếu cơ đó là do thần kinh điều khiển cơ bị tổn thương hay là chính bản thân cơ có bất thường. Những bệnh nhân yếu cơ do bệnh thần kinh như bại liệt, nhược cơ, và bệnh đa xơ cứng có mức enzyme bình thường. Ngược lại, bệnh ở cơ có mức enzyme rất cao.

Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm aldolase?

Nói chung xét nghiệm này được dùng để tìm xem có các tổn thương ở cơ và gan hay không. Ví dụ như nếu cơ tim bị tổn thương do bệnh nhồi máu cơ tim, thì nồng độ aldolase sẽ tăng rất cao. Nếu bạn bị xơ gan, nồng độ aldolase cũng sẽ tăng

Trước đây, xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra xem cơ và gan có bị tổn thương hay không. Nhưng ngày nay đã có những xét nghiệm tốt hơn để làm điều này ví dụ như creatine kinase, ALT, AST. Cho nên xét nghiệm tìm aldolase không còn được thực hiện nữa.

Điều cần thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm aldolase?

Các yếu tố có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm bao gồm:

  • Tiêm trong bắp trước đó có thể tăng nồng độ aldolase;
  • Tập thể dục gắng sức có thể gây ra tăng vọt aldolase tạm thời;
  • Những thuốc có thể làm tăng mức độ aldolase bao gồm các chất gây độc cho gan;
  • Những thuốc có thể gây giảm aldolase mức bao gồm phenothiazin.

Trước khi tiến hành xét nghiệm, bạn nên hiểu rõ các cảnh báo và lưu ý. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thêm thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Quy trình thực hiện

Bạn nên làm gì trước khi thực hiện xét nghiệm aldolase?

Tốt nhất là trước khi lấy máu bạn không nên hoạt động thể chất hay tập thể dục quá nặng vì nó sẽ làm sai lệch kết quả xét nghiệm. Hãy báo cho bác sĩ biết bạn tập luyện ở mức độ nào trong thời gian gần đây. Có thể bác sĩ sẽ khuyên bạn nên giảm tập luyện lại vài ngày trước khi làm xét nghiệm.

Hãy báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng, vì có một số loại có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ aldolase trong máu.

Khi làm xét nghiệm, bạn nên mặc áo ngắn tay để điều dưỡng có thể dễ dàng lấy máu từ cánh tay của bạn

Quy trình thực hiện xét nghiệm aldolase là gì?

Khi thực hiện xét nghiệm aldolase, chuyên viên y tế lấy máu sẽ:

  • Quấn một dải băng quanh tay để ngưng máu lưu thông;
  • Sát trùng chỗ tiêm bằng cồn;
  • Tiêm kim vào tĩnh mạch. Có thể tiêm nhiều hơn 1 lần nếu cần thiết;
  • Gắn một cái ống để máu chảy ra;
  • Tháo dải băng quanh tay sau khi lấy đủ máu;
  • Thoa miếng gạc băng hay bông gòn lên chỗ vừa tiêm;
  • Dán băng cá nhân lên chỗ vừa tiêm.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm aldolase?

Bác sĩ, điều dưỡng hoặc y tá sẽ thực hiện lấy máu nhằm xét nghiệm aldolase. Mức độ đau của bạn phụ thuộc vào kỹ năng lấy máu của điều dưỡng, tình trạng tĩnh mạch của bạn và mức độ nhạy cảm của bạn với cơn đau.Sau khi lấy máu, bạn cần băng và ép nhẹ lên vùng chọc kim để cầm máu. Bạn có thể trở lại hoạt động bình thường sau xét nghiệm.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và giải đáp.

Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả của bạn có ý nghĩa gì?

Chỉ số bình thường:

  • Người lớn: 3-8,2 đơn vị Sibley-Lehninger/dl hoặc 22-59 mU/L ở 37°C (Đơn vị SI).
  • Trẻ em: gấp hai lần so với giá trị của người lớn.
  • Trẻ sơ sinh: gấp khoảng bốn lần so với giá trị của người lớn.

Chỉ số bất thường:

Nồng độ tăng có thể do:

  • Bệnh gan (ví dụ, viêm gan);
  • Bệnh cơ bắp (ví dụ, loạn dưỡng cơ, viêm da cơ, và viêm đa cơ);
  • Chấn thương cơ bắp (ví dụ, chấn thương do va chạm mạch);
  • Nhiễm trùng cơ bắp (ví dụ, bệnh sán heo);
  • Quá trình hoại tử (ví dụ, hoại tử ruột);
  • Nhồi máu cơ tim.

Nồng độ giảm có thể do:

  • Loạn dưỡng cơ muộn;
  • Không dung nạp fructose di truyền;
  • Bệnh teo cơ.

Khoảng giá trị bình thường của kỹ thuật y tế này có thể không thống nhất tùy thuộc vào cơ sở thực hiện xét nghiệm mà bạn chọn. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về kết quả xét nghiệm.

Tác giả: Giang Lê - Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư.
Nguồn: Hello Bác sĩ

- 02-07-2018 -

Bài viết liên quan