Viêm tiểu phế quản ở trẻ

Viêm tiểu phế quản là một bệnh phổ biến của đường hô hấp, gây ra viêm nhiễm ở những đường hô hấp nhỏ dẫn vào phổi, gọi là “tiểu phế quản”. Lứa tuổi hay gặp là 2 năm đầu tiên, trong đó đỉnh điểm từ 3 - 6 tháng tuổi, do mũi và các đường dẫn khí nhỏ, nên dễ bị tắc nghẽn hơn so với trẻ lớn hay người lớn. Khi tiểu phế quản bị viêm, chúng sẽ phù nề, chứa đầy dịch, gây ra khò khè hay khó thở.

Viêm tiểu phế quản là gì?

Viêm tiểu phế quản là một bệnh phổ biến của đường hô hấp, gây ra viêm nhiễm ở những đường hô hấp nhỏ dẫn vào phổi, gọi là “tiểu phế quản”. Lứa tuổi hay gặp là 2 năm đầu tiên, trong đó đỉnh điểm từ 3 - 6 tháng tuổi, do mũi và các đường dẫn khí nhỏ, nên dễ bị tắc nghẽn hơn so với trẻ lớn hay người lớn. Khi tiểu phế quản bị viêm, chúng sẽ phù nề, chứa đầy dịch, gây ra khò khè hay khó thở. 

Viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản

Là bệnh do siêu vi gây ra, thường gặp nhất là Respiratory Syncytial Virus (RSV), chiếm hơn 50% các ca viêm tiểu phế quản. Siêu vi lây truyền qua các giọt dịch tiết ở mũi, họng của người bệnh, và có thể tồn tại trên đồ dùng, đồ chơi… trong nhiều giờ. Người lớn cũng có thể bị nhiễm RSV và lây cho trẻ khác hay người lớn khác. Trường học, khói thuốc lá là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ viêm tiểu phế quản.

Triệu chứng của viêm tiểu phế quản

Biểu hiện đầu tiên của viêm tiểu phế quản thường giống như bị cảm thông thường, bao gồm: sốt, ho, sổ mũi hay nghẹt mũi. Sau 1 - 2 ngày, ho nặng hơn, kèm theo những tiếng khò khè. Một số trẻ có khó thở, thể hiện bằng những cơn thở nhanh, tim nhanh, co lõm ngực, xương sườn, cánh mũi, quấy khóc, mệt, khó ngủ, ói sau khi ho, biếng ăn, biếng bú, ít đi tiểu. Trong những trường hợp nặng, bệnh diễn tiến khó thở nhanh, trẻ có thể xanh tím dễ nhìn thấy ở môi & móng tay. Thường chẩn đoán bằng bệnh sử và thăm khám, các xét nghiệm máu và Xquang phổi có thể không cần thiết trong nhiều trường hợp.

Chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản

Các trường hợp viêm tiểu phế quản thường nhẹ, và có thể tự hồi phục và cần được bù dịch đầy đủ, vệ sinh mũi thường xuyên, hạ sốt nếu bé rất khó chịu (lưu ý hạ sốt đúng với cân nặng của bé), xử trí khó thở nếu có. Bệnh thường ổn sau 2 - 5 ngày kể từ khi bắt đầu khó thở, nhưng khò khè có thể kéo dài lâu hơn 1 tuần. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể trở nặng ở trẻ sinh non, trẻ có bệnh tim hay bệnh phổi mãn tính, hay ở trẻ có hệ miễn dịch suy yếu. Những trẻ này cần được theo dõi và điều trị trong bệnh viện. 

Có khoảng 3% trẻ viêm tiểu phế quản cần được theo dõi và điều trị tại bệnh viện. Cần đưa bé đến gặp bác sĩ nếu:

  • Bé ho liên tục, hay thở nhanh, đặc biệt nếu có kèm theo khó thở hay khò khè
  • Có dấu hiệu mất nước do ói nhiều hay rất khó ăn uống/ bú
  • Có triệu chứng sốt, đặc biệt nếu bé nhỏ hơn 3 tháng tuổi
  • Bé rất mệt, rất quấy hay ngủ nhiều hơn bình thường.

Nguồn tham khảo:
1. Bronchiolitis https://kidshealth.org/en/parents/bronchiolitis.html
2. Bronchiolitis (and RSV) in infants and childrenhttps://www.uptodate.com/contents/bronchiolitis-and-rsv-in-infants-and-children-beyond-the-basics
3. Bronchiolitis: background https://emedicine.medscape.com/article/961963-overview#a2

BS Lưu Hồng Vân

Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare

- 30-11-2018 -

Bài viết liên quan