Trẻ sinh non có nguy cơ mắc chứng tăng động giảm chú ý và bệnh tự kỷ

Những trẻ bị sinh non được dự đoán là có nguy cơ mắc các bệnh này về sau.

Một nghiên cứu mới tại phòng nghiên cứu về sự phát triển của trẻ sơ sinh thuộc đại học Washington (Mỹ) chỉ ra rằng trẻ bị sinh non là đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) và chứng tự kỷ. Gen di truyền, thuốc trừ sâu, ô nhiễm môi trường, chế độ dinh dưỡng, hút thuốc và uống rượu trong khi mang thai là những yếu tố nguy cơ đã được xác định.Trẻ sinh non có nguy cơ mắc chứng tăng động giảm chú ý và bệnh tự kỷ

Ảnh minh họa.

Các bác sỹ khi tiến hành nghiên cứu trên những đứa trẻ sinh đủ tháng và những đứa trẻ bị sinh non trước 10 tuần hoặc hơn đã tìm ra một số dấu hiệu sớm có khả năng phát triển thành những rối loạn về tâm lý. Thường thì những rối loạn này không biểu hiện triệu chứng cho tới khi trẻ được 3 tới 5 tuổi.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu về phổ cộng hưởng từ hạt nhân (fMRI) của 58 trẻ sinh đủ tháng và 76 trẻ bị sinh sớm trước 10 tuần hoặc hơn. Những đứa trẻ sinh đủ tháng được chụp phổ não trong vòng 2 ngày sau sinh, còn trẻ sinh non được chụp vài ngày sau thời điểm dự sinh ban đầu của chúng.

Tìm nguyên nhân trong não

Trẻ sinh non có nguy cơ mắc chứng tăng động giảm chú ý và bệnh tự kỷ
Ảnh minh họa.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng não và các mạch máu não ở trẻ sinh non có sự khác biệt đáng kể so với trẻ sinh đủ tháng.

Những vùng bị ảnh hưởng ở não trẻ sinh non đóng vai trò kiểm soát cảm xúc và khả năng giao tiếp. Chúng cũng có liên quan đến hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và bệnh tự kỷ.

Bộ não hình thành nên những mối liên kết mới trong suốt cuộc đời để đáp ứng với những tình huống mới và những thay đổi trong môi trường sống – một quá trình thường được cho là phụ thuộc vào đặc tính mềm dẻo của thần kinh hay của não bộ. Khả năng tạo ra những liên kết mới này là cao nhất khi chúng ta còn trẻ.

Tác giả chính của nghiên cứu tiến sỹ Cynthia Rogers cho rằng những khám phá này có thể dẫn đến khả năng nhận diện được những trẻ có nguy cơ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và chứng tự kỷ trước khi xuất hiện triệu chứng. Những phương pháp điều trị giúp tạo ra sự kết nối mạnh hơn và nhiều hơn của não bộ với các trung tâm điều khiển khả năng giao tiếp và xã hội ở trẻ em có thể giúp phòng tránh được những chứng bệnh này về sau.

Các bác sỹ sẽ theo sát những đứa trẻ trong nghiên cứu để xem não của chúng phát triển như thế nào và liệu những trẻ sinh non có xuất hiện những triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý hay tự kỷ hay không.

Can thiệp kịp thời ở giai đoạn sớm

Trẻ sinh non có nguy cơ mắc chứng tăng động giảm chú ý và bệnh tự kỷ
Ảnh minh họa.

Charlotte Edwards, một bà mẹ sống ở South Carolina biết rõ rằng con trai cô có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý khi cậu bé bị sinh non 15 tuần và phải nằm trong lồng kính tới 118 ngày.Cậu bé được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý vào năm 2012 khi 5 tuổi mặc dù Edwards đã nghi ngờ việc con cô bị mắc hội chứng này cách đó 1 năm.

Deborah Trum, một bà mẹ sống ở New Jersey cũng đề cập đến những triệu chứng của bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý của đứa con gái sinh non  của cô. Cô bé được chẩn đoán mắc chứng ADHD ở thời điểm sau khi phải thôi học tại 4 nhà trẻ khác nhau do những vấn đề về hành vi.

“Những triệu chứng nghiêm trọng nhất của con bé liên quan đến khả năng giao tiếp và tương tác với mọi người. Khi những đứa trẻ khác chạm vào con bé, nó đã phản ứng dữ dội hoặc bỏ chạy.”

Cả hai bà mẹ đều đang tìm kiếm những biện pháp can thiệp sớm cho con của họ.

Edwards nói rằng cô cảm thấy con trai mình đang có biểu hiện rất tốt nhờ được can thiệp sớm.

Con trai Edwards được nhận những bài trị liệu về cơ năng, trị liệu về ngữ âm và vật lý trị liệu trong vòng 3 năm đầu tiên. Cậu cũng tham gia vào tổ chức BabyNet – một tổ chức về can thiệp sớm ở South Carolina, từ khi được xuất viện cho tới năm 3 tuổi. Cậu bé được theo dõi bởi khoa phát triển và phát hiện những nguy cơ cao của trẻ sơ sinh cho tới năm 3 tuổi.

Edwards nói rằng: “Những dịch vụ này cực kỳ hữu ích cho sự phát triển của kỹ năng vận động tinh và kỹ năng vận động thô cũng như là kỹ năng nói chuyện và kỹ năng về ăn uống.”

Trum lại cho rằng con gái cô không được may mắn như vậy.

Cô nói: “Tôi đã cố gắng cho con bé được can thiệp sớm. Nhưng thật không may, ở New Jersey đứa trẻ phải mắc chứng thiếu hụt ở ít nhất hai lĩnh vực thì mới được can thiệp sớm (vào thời điểm đó), và con tôi chỉ thiếu có một, khả năng nói của nó bị hạn chế.”

Trum đã xin thôi việc để có thể tìm cách giúp con mình.

Những bà mẹ đồng ý rằng các biện pháp can thiệp sớm có thể giúp tạo ra sự đổi khác trong cuộc sống của những đứa trẻ sinh non. 

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan