Thủy đậu, quai bị, viêm kết mạc

Theo thông lệ cứ cuối năm, cận tết bệnh viêm kết mạc, thủy đậu, quai bị lại tăng cao.Tuy là ba bệnh truyền nhiễm lành tính song nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì có thể có biến chứng và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Theo thông lệ cứ cuối năm, cận tết bệnh viêm kết mạc, thủy đậu, quai bị lại tăng cao.

Viêm kết mạc virus

Thực ra bệnh đã tăng cao được mấy tuần nay, hiện giờ vẫn còn. 

Nguyên nhân

Do virus gây ra, thường gặp là adeno virus, enterovirus...

Lây truyền: đường lây lan bệnh có thể do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mắt thông qua khăn rửa mặt, quần áo, nước bể bơi hoặc lây qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh. 

(Ảnh minh họa)

Viêm kết mạc virus. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng của viêm kết mạc virus 

  • Ngứa mắt
  • Xốn mắt
  • Cộm mắt
  • Trẻ con có biểu hiện chớp mắt liên hồi, dụi mắt. Sau đó, sưng đỏ, phù mi mắt, lòng trắng trở nên đỏ bởi các mạch máu, tiết nước mắt liên tục và đổ ghèn. Lúc đầu bị một bên, sau vài ngày bị nốt bên còn lại. Cũng có trường hợp chỉ bị một con mắt.

Điều trị viêm kết mạc virus 

  • Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lí, nhỏ dung dịch kháng sinh (tobramycin, ofloxacin... ) để phòng bội nhiễm
  • Rửa sạch tay
  • Giáo dục trẻ không dụi mắt
  • Uống thêm sinh tố C, ăn bình thường,
  • Hạn chế ra ngoài
  • Tránh tiếp xúc trẻ khác.

Diễn biến:

Bệnh sẽ khỏi sau 1-2 tuần.

Phòng bệnh viêm kết mạc virus 

  • Giáo dục trẻ rửa tay
  • Không dùng chung đồ rửa mặt
  • Không tiếp xúc với người bệnh
  • Hạn chế tới nơi đông đúc trong mùa bệnh
  • Vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý sau khi đi đường bụi, tiếp xúc người bệnh...

Quai bị

Nguyên nhân gây quai bị

Quai bị là bệnh viêm tuyến nước bọt do virus quai bị gây ra.

Đường lây: truyền từ người bệnh qua người lành qua đường hô hấp, nước bọt.

(Ảnh minh họa)

Bệnh quai bị ở trẻ. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng của quai bị 

  • Sốt 
  • Sưng đau vùng mang tai, nhìn mất cân đối hai bên.

Điều trị quai bị 

  • Giảm đau, hạ sốt: paracetamol 10-15 mg/ kg/lần, 4-6 giờ/lần
  • Ăn mềm lỏng, không ăn uống đồ chua
  • Chăm sóc răng miệng.

Cần phân biệt quai bị với: 

  • Viêm tuyến mang tai do vi trùng (bé thường sốt cao, quấy, bỏ ăn, sưng nóng đỏ đau vùng mang tai). Trong khi bệnh quai bị sưng nhưng không đỏ, sờ vào không nóng, toàn trạng của bé khá tốt.
  • Viêm hạch vùng cổ, mang tai hoặc viêm hạch phản ứng với viêm nhiễm vùng hầu họng: siêu âm phân biệt được hạch hay tuyến mang tai.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

  • Sưng đau vùng bìu.
  • Sốt ca liên tục, đau đầu, quấy khóc, ói mửa: có thể liên quan biến chứng viêm não - màng não, viêm tụy cấp.

Phòng bệnh quai bị 

  • Nếu trẻ đủ 1 tuổi, chưa chích ngừa nên mang con đi chích ngừa càng sớm càng tốt.
  • Không tiếp xúc người bệnh.
  • Hạn chế tới nơi đông người trong mùa bệnh.
  • Trẻ đang bị bệnh cũng nên ở nhà, không nên đi học.

Thủy đậu

Nguyên nhân gây thủy đậu

Virus herpes Varicella.

Đường lây: lây từ người bệnh cho người lành qua các giọt chất tiết hô hấp bắn ra từ người bệnh.

(Ảnh minh họa)

Bệnh thủy đậu ở trẻ. (Ảnh minh họa)

Triệu chứng thủy đậu

  • Sốt
  • Mới đầu trên da xuất hiện vài sẩn nhỏ, ngứa giống như sẩn ngứa thông thường rất dễ bỏ qua. Sau 24 giờ nhanh chóng hóa thành các bóng nước và lan tràn khắp người, bóng nước lúc đầu trong nhanh chóng hóa đục sau 24 giờ và vỡ. Đặc điểm của tổn thương da do thủy đậu là đa hình thái, đa lứa tuổi:

    • Đa lứa tuổi: có bóng nước mới xen kẽ bóng nước cũ đã hóa đục và bóng đã đóng mày, bong vảy..
    • Đa hình: ban hồng sẩn, bóng nước nhỏ, to khác nhau, bóng đục, bóng trong, bóng vỡ, vết loét đóng mày, bong vảy...
    • Đặc điểm đặc trưng của bóng nước thủy đậu là: bóng có một chỗ lõm trùng xuống ở đỉnh bóng nước.

Điều trị thủy đậu

  • Điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng virus Acuclovir ngày uống 4 lần, mỗi lần 20 mg/kg (chia đều ra ra uống), thuốc có hiệu quả cao nếu được sử dụng sớm trong 24 giờ đầu của bệnh, kết quả hạn chế nếu dùng sau 24 giờ, cân nhắc sử dụng nếu đã qua 24 giờ nhưng bóng nước vẫn tiếp tục mọc thêm. Thời gian dùng thuốc 5 ngày hoặc đến khi ngưng mọc thêm sang thương mới. 
  • Vệ sinh da: tắm rửa bình thường, chú ý kì cọ đừng để vỡ bóng nước. Thoa Millian ngày 2-3 lần lên các bóng nước. 
  • Chống ngứa: các kháng Histamin
  • Giáo dục trẻ rửa tay, hạn chế gãi, cắt hết móng tay
  • Ăn uống bình thường
  • Bổ sung sinh tố
  • Kháng sinh nếu bội nhiễm bóng nước: bóng hóa mủ, vỡ lở loét, sưng tấy đỏ mô mềm quanh bóng nước, sốt.

Phòng bệnh thủy đậu

  • Chích ngừa thủy đậu cho trẻ khi được 1 tuổi trở lên.
  • Trong nhà có người bị thủy đậu, trẻ có tiếp xúc nhưng chưa phát ban, trẻ chưa chích ngừa thì vẫn có thể chích ngay được, có thể trẻ vẫn bị nhưng nhẹ hơn.
  • Không tiếp xúc người bệnh, tránh tới nơi đông người.

BS Trần Văn Công

Phòng khám Victoria Healthcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan