So sánh nuôi con bằng sữa mẹ và sữa công thức

Các mẹ hãy có những quyết định đúng đắn để mang lại sức khỏe tốt nhất cho bé yêu của mình. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF đã khuyến nghị nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau sinh. Ngày nay, những nguyên nhân chủ yếu

Các mẹ hãy có những quyết định đúng đắn để mang lại sức khỏe tốt nhất cho bé yêu của mình.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF đã khuyến nghị nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau sinh. Ngày nay, những nguyên nhân chủ yếu của việc ngừng nuôi con bằng sữa mẹ sớm phát sinh từ sức ép xã hội và thương mại. Một trong số đó là sự tiếp thị lấn át và khuyến mãi tràn lan của các nhà sản xuất sữa công thức. Thêm vào đó, nhiều phụ nữ phải đi làm trở lại sớm sau khi sinh con, và gặp phải rất nhiều thách thức, áp lực tâm lý. Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới việc dừng cho con bú sớm và cho con uống sữa công thức/thức ăn bổ sung.

Dưới đây là một số so sánh về nuôi con bằng sữa mẹ và nuôi con bằng sữa công thức:

Nuôi con sữa mẹ

Sữa mẹ cung cấp tất cả dưỡng chất, vitamin, khoáng chất mà trẻ sơ sinh cần trong 6 tháng đầu đời. Với sữa mẹ, trẻ không cần bất cứ chất lỏng hay thức ăn nào khác trong suốt 6 tháng này.

So sánh nuôi con bằng sữa mẹ và sữa công thức
(Ảnh minh họa)

Cung cấp kháng thể: Sữa mẹ cung cấp rất nhiều kháng thể giúp trẻ phòng ngừa các bệnh lây nhiễm. Sữa mẹ cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính trong tương lai như béo phì, mỡ máu cao, huyết áp cao, trầm cảm, tự kỷ... Động tác bú mẹ trực tiếp giúp trẻ phát triển các chức năng của miệng và hàm, và cung cấp các hoóc-môn giúp tiêu hóa cũng như cảm giác thỏa mãn cho trẻ.

Gắn kết tình mẫu tử: Cho con bú tạo ra mối liên kết đặc biệt giữa mẹ và con. Đồng thời, sự tương tác giữa mẹ và con trong quá trình cho con bú có ảnh hưởng tới cuộc đời của trẻ, có khả năng thúc đẩy hành vi giao tiếp, khả năng diễn đạt, cảm giác thoải mái và an toàn cho trẻ.

Trẻ thông minh hơn: Theo các nghiên cứu, trẻ được nuôi bằng sữa mẹ thường có kết quả kiểm tra về trí thông minh cao hơn, khả năng ứng xử ôn hòa hơn khi lớn lên so với các trẻ được nuôi bằng sữa công thức.

Tăng khả năng trẻ bú mẹ nhiều và thành công hơn: Việc da tiếp da sớm giữa mẹ và con và việc cho bé bú mẹ theo nhu cầu, đảm bảo tạo sữa liên tục, và cách này cũng giúp bé có tư thế bú và ngậm bú đúng cách.

Đảm bảo sức khỏe của mẹ: Cho con bú ngay sau khi sinh giúp giảm nguy cơ băng huyết sau sinh. Về ngắn hạn, cho con bú giúp vô kinh một thời gian. Về dài hạn, nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm khả năng bị trầm cảm, ung thư vú, tử cung và buồng trứng.

Cho trẻ uống sữa công thức hoặc ăn thêm thức ăn bổ sung khác kèm với sữa mẹ trong 6 tháng đầu:

Tăng nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột và bệnh tiêu chảy, cũng như các bệnh nhiễm khuẩn khác. Việc cho uống sữa công thức hoặc ăn thêm thực phẩm bổ sung khác làm giảm khả năng cung cấp sữa của mẹ vì trẻ sẽ bú mẹ ít hơn.

Cho bú phối hợp cũng gia tăng khả năng mẹ truyền HIV sang con (đối với các trường hợp mẹ có nguy cơ/hoặc nhiễm HIV).

Nuôi con bằng sữa công thức

Tăng nguy cơ tử vong và các bệnh khác, đặc biệt ở những nơi mà các bệnh truyền nhiễm còn phổ biến và nguồn nước sạch còn thiếu thốn.

Gây khó khăn trong việc đảm bảo sữa được pha bằng nước sạch, pha đúng liều lượng, nguồn cung cấp đầy đủ và các dụng cụ cho bú, đặc biệt là bình sữa phải được vệ sinh đúng cách.

Mệt mỏi, mất thời gian: Hiện nay, để khuyến khích việc cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, Việt Nam đã có chính sách được nghỉ thai sản đến 6 tháng. Vì vậy, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu các bà mẹ cũng có thể cho con bú bằng sữa mẹ chứ không phải ‘lách cách’ nửa đêm dậy pha sữa cho con, hay phải mang theo bình, núm vú, sữa… khi đi đâu đó xa.

So sánh nuôi con bằng sữa mẹ và sữa công thức
(Ảnh minh họa)

Tốn kém về kinh tế: Trong tình trạng lạm phát về kinh tế ở Việt Nam hiện nay, việc cho con uống sữa công thức/ăn thực phẩm bổ sung sẽ làm tăng gánh nặng về kinh tế cho các ông bố bà mẹ (đặc biệt là đối với các gia đình không có điều kiện kinh tế).

Tổn thương hệ tiêu hóa của trẻ: Trong những tháng đầu, hệ tiêu hóa của trẻ khó hấp thụ được những thứ khác ngoài sữa mẹ. Thậm chí chỉ cần 1 lần cho ăn bằng sữa công thức hoặc các thức ăn khác cũng có thể làm tổn thương hệ tiêu hóa của trẻ, mà bé cần nhiều tuần để phục hồi.

Các mẹ hãy có những quyết định đúng đắn để mang lại sức khỏe tốt nhất cho bé yêu của mình.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan