Cách xử trí khi trẻ bị co giật

Vài loại co giật chỉ là tình trạng không ý thức trong một thời gian ngắn, và không đòi hỏi những xử trí ban đầu nào. Vài loại co giật khác lại nguy hiểm và đáng sợ hơn. Vì vậy, người chăm sóc trẻ cần phải biết làm gì khi trẻ lên cơn co giật.
Điều quan trọng nhất trong bất cứ loại co giật nào là phải giữ được bình tĩnh và giữ cho đứa trẻ được an toàn. Đối với tất cả các loại co giật, nếu đứa trẻ có biểu hiện co giật kéo dài, hoặc có nhiều co giật trong một thời gian ngắn, hay nhiều co giật hơn bình thường, thì cần tìm những xử trí y khoa.

Sau đây là vài lời khuyên trong việc làm thế nào để giúp đứa trẻ của bạn cho những loại co giật khác nhau:

1. Co giật toàn thể

Co giật toàn thể thì thường mạnh và gây sợ hãi. Với loại co giật này, bạn nên sử dụng một số bước an toàn, để đứa trẻ của bạn không gặp nguy hiểm.

Bước 1: Giữ bình tình và trấn an những người khác

Nhiều người cảm thấy sợ hãi khi họ thấy ai đó bị co giật. Muốn giúp đứa trẻ của bạn thì trước tiên cần phải giữ bình tĩnh và trấn an những người xung quanh

Bước 2: Ngăn chặn tổn thương

Giữ cho đứa trẻ của bạn tránh xa nguồn nguy hiểm. Nếu đứa trẻ của bạn gần cầu thang, bếp nóng, trên đường phố nhiều xe cộ hay một nơi độc hại nào đó, thì hãy bảo vệ đứa trẻ nhiều nhất có thể.
Di chuyển các vật sắc, nhọn. Cố gắng đặt một vật mềm, ví dụ như chiếc áo khoát gấp lại, dưới đầu trẻ.
Trong suốt cơn co giật, khi cơ thể của trẻ đang co cứng, trẻ có thể ngưng thở và tím tái. Đó là vì máu trong lúc co cứng ưu tiên đi đến các cơ quan trọng yếu, tương tự như khi trẻ nhảy vào nước lạnh. Giai đoạn này thường ngắn và không đòi hỏi CPR (hồi sức tim phổi). Trẻ sẽ bắt đầu thở trở lại ngay khi các cơ thư giãn.
Không được cố giữ trẻ ở một tư thế nào đó.

Bước 3: Nhận thức về độ dài của cơn co giật

Nếu có thể, hãy ghi lại thời gian cơn co giật bắt đầu và nó kéo dài bao lâu. Nếu đó là lần co giật đầu tiên của trẻ hoặc nó kéo dài trên 5 phút, hãy gọi cấp cứu. Hãy để ý đến đặc điểm và độ dài của cơn co giật để bạn có thể đưa ra một cuộc tường thuật chính xác.

Bước 4: Hãy để đứa trẻ của bạn thoải mái nhất có thể

Lấy kính ra để trẻ không làm vỡ kính.
Nếu trẻ của bạn có thức ăn trong miệng, không được cố lấy thức ăn ra, điều này có thể làm cho thức ăn đi bị đẩy vào trong xa hơn. 
Nếu có thể, nghiêng cả người hoặc chỉ nghiêng đầu qua một bên, để dịch có thể đi bớt ra ngoài. Bạn cần phải đợi cho đến khi trẻ hết giật. Phải đảm bảo đường thở thông.

Bước 5: Không được đặt bất kỳ vật gì vào miệng của trẻ

Đặt một ngón tay, một cái muỗng hay bất cứ vật gì vào miệng trẻ có thể dẫn đến nghẹt, gãy răng, đó là chưa kể ngón tay của bạn sẽ bị cắn. Một trong những quan niệm sai lầm hay gặp đó là người ta nghĩ rằng trẻ có thể cắn hoặc nuốt lưỡi trong cơn co giật. Điều này không đúng vì lưỡi cố định ở sàn miệng, mà nếu có bị cắn cũng ko sao.

Bước 6: Giữ những người ngoài cuộc tránh xa

Những xử trí ban đầu chỉ cần một đến hai người. Đứa trẻ của bạn có thể sẽ cảm thấy buồn và xấu hổ nếu trẻ thức tỉnh với quá nhiều người xung quanh.

Bước 7: Không được cho bất cứ thuốc, thức ăn hay nước uống vào miệng trẻ cho đến khi trẻ hết co giật và hoàn toàn tỉnh táo.

Điều này để chống ngạt. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê cho trẻ một số thuốc để dùng trong cơn co giật, sử dụng theo hướng dẫn.
Kiểm tra ý thức bằng cách hỏi những câu đơn giản (đối với trẻ lớn) cho đến khi trẻ đã trở lại trạng thái bình thường.

Bước 8: Hãy nhạy bén và tích cực sau cơn co giật

Trẻ thường tự hồi phục sau cơn co giật.

Nếu đứa trẻ của bạn đủ lớn, hãy giải thích cho nó những gì đã diễn ra, và nó kéo dài bao lâu. Đứa trẻ của bạn có thể muốn được an ủi.
Trẻ có thể tiểu ướt tả hay có nhu động ruột tăng trong suốt cơn co giật. Hãy giúp trẻ lau sạch sẽ. Nói ho trẻ biết là chuyện đó không phải lỗi của trẻ. 

Bước 9: Sau cơn co giật

Nếu trẻ của bạn than phiền về những cơn đau nhỏ như đau đầu, đau bụng, hoặc đau do căn lưỡi, acetaminophen có thể giúp. 
Nếu trẻ có đau nhiều, hoặc nếu trẻ bị tổn thương trong quá trình co giật, hãy đưa trẻ đi đến gặp bác sĩ. 
Nếu trẻ của bạn có sốt liên quan đến co giật, hãy hỏi bác sĩ của bạn. Trẻ có thể bị một nhiễm trùng cần điều trị.

2. Co giật cục bộ đơn thuần

Một cơn co giật cục bộ đơn thuần chỉ ảnh hưởng đến một phần của não, và đứa trẻ thì thường có thể nhận thức được trong suốt cơn co giật. Nếu trẻ có cơ giật cục bộ đơn thuần, hãy giữ cho trẻ được an toàn và thường không cần can thiệp gì thêm.

3. Co giật cục bộ phức tạp

Co giật cục bộ phức tạp có ảnh hưởng đến cả những phần não có liên quan đến tri giác, nhận thức. Nó có rất nhiều thể khác nhau. Trẻ của bạn có thể đi lang thang xung quanh, hoặc có những hành động vô thức (lặp lại và không có chủ đích như động tác chép môi, cọ tay...). Trẻ có thể phản ứng bất ngờ nếu bạn nói với trẻ hoặc chạm vào trẻ.

Bạn cần làm gì nếu trẻ của bạn có cơn co giật cục bộ phức tạp ?

Nếu trẻ đang đi hoặc chạy xung quanh, hãy cố trở thành rào chắn cho trẻ. Hãy hướng dẫn trẻ tránh xa những vật nóng, sắc, nhọn hay cầu thang, vì trẻ có thể bị ngã hay tự làm hại bản thân. 
Không được ngăn cản di chuyển của trẻ trừ khi điều đó là thực sự cần thiết (nếu trẻ đang ở trong một tình trạng không an toàn). 
Nếu bạn cần chạm vào trẻ, hãy tiếp cận trẻ một cách thận trọng từ một phía, và nói với trẻ để trẻ không cảm thấy bị đe dọa. 
Một khi cơn co giật kết thúc, trẻ có thể cảm thấy bối rối hoặc mệt mỏi, Hãy giải thích những gì đã diễn ra. Cho trẻ thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục.

4. Cơn vắng ý thức

Cơn vắng ý thứclà tình trạng không có ý thức trong một thời gian ngắn. Thường có nhiều cơn một ngày.
Bạn cần làm gì nếu trẻ của bạn có cơn vắng ý thức: 

  • Không la hét, trẻ có thể nghe thấy bạn. 
  • Nếu bạn không chắc trẻ có hay không tình trạng vắng ý thức, hãy chạm nhẹ vào vai trẻ. 
  • Không cần thêm can thiệp đặc biệt gì khác.

5. Cơn co giật cứng và cơn co giật mềm

Cơn co giật mềm làm trương lực cơ toàn thân giảm, trong khi cơn co giật cứng lại làm tăng trương lực cơ. Cơn co giật được biết đến như những “cơn ngất”, vì nó có thể khiến trẻ ngã xuống đột ngột nếu trẻ đang đứng khi cơn co giật bắt đầu. Rất khó hay thậm chí không thể ngăn trẻ khỏi ngã. Nếu trẻ của bạn có loại co giật này, có thể trẻ phải đội mũ bảo hiểm để bảo vệ đầu trẻ khỏi tổn thương. 

Không có can thiệp nào là cần thiết trong các loại co giật này.

6. Oxy

Trong nhiều trường hợp, một đứa trẻ đang co giật sẽ được cho thở oxy bởi nhân viên cấp cứu. Tuy nhiên, những lợi ích của việc này vẫn chưa được nghiên cứu. Trong đa số các trường hợp, không cần thiết cho oxy trong suốt cơn co giật.

7. Co giật trong nước

Nếu đứa trẻ của bạn có co giật trong nước. 

  •  Giúp trẻ và giữ đầu trên mặt nước. 
  • Đưa trẻ ra khỏi nước nhanh nhất có thể
  •  Kiểm tra nếu trẻ đang thở hay không, bắt đầu CPR (hồi sức tim phổi)
  • Luôn luôn cần có bác sĩ khám trẻ sớm nhất khi có thể.
Bạn không thể luôn ở bên trẻ khi trẻ có cơn co giật. Phải đảm bảo rằng bạn bè, gia đình, người trông trẻ hay giáo viên biết cách giúp đỡ trẻ khi cần thiết.

Ghi chú: 

Đối với tất cả các loại co giật, đặc biệt trong những đợt co giật đầu tiên, hãy cố gắng quan sát nhiều nhấ có thể về cơn co giật và ghi lại. Điều này giúp bác sĩ của trẻ biết rõ hơn về tình trạng co giật của trẻ. 
Những thông tin bạn cần quan sát bao gồm: 
  • Thời gian khi cơn co giật diễn ra
  • Những gì đứa trẻ đang làm trước cơn co giật
  • Trẻ có đang ốm, mệt hay xì trét gì hay không
  • Trẻ có đang dùng thuốc chống co giật được kê hay không
  • Trẻ có đang dùng các thuốc khác hay không
  • Cơn co giật đã bắt đầu như thế nào
  • Các cử động của trẻ như thế nào khi co giật
  • Có tình trạng co giật ở một bên đặc biệt của cơ thể hay không
  • Trẻ có gây nên tiếng động gì hay không?
  • Độ dài của cơn co giật
  • Trẻ có bấn loạn, mệt mỏi hay nhức nhối sau cơn co giật không ?
  • Trẻ có thể nói hay di chuyển cơ thể một cách bình thường sau co giật không?
  • Liệu có gì khác giữa cơn co giật này so với các cơn co giật khác hay không?
BS. Huỳnh Bá Tín
Theo Y học cộng đồng
 

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan