Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm ở trẻ em

Cảm lạnh và bệnh cúm là hai bệnh khác nhau, thế nhưng đa số mọi người đều không biết điều đó và đánh đồng là một. Tất nhiên để phân biệt rạch ròi trên một em bé có biểu hiện viêm hô hấp hai bệnh này là không hề dễ dàng. Chúng khác nhau về nguyên nhân và mức độ nặng nhưng lại khá giống nhau về triệu chứng. Ở đây chỉ đề cập tới cúm mùa chứ không đề cập tới cúm gia cầm hay cúm gia súc lây từ động vật sang người.

Cảm lạnh và bệnh cúm là hai bệnh khác nhau, thế nhưng đa số mọi người đều không biết điều đó và đánh đồng là một. Tất nhiên để phân biệt rạch ròi hai bệnh này ở một em bé có biểu hiện viêm hô hấp là điều không dễ dàng. Chúng khác nhau về nguyên nhân và mức độ nhưng lại khá giống nhau về triệu chứng. Ở đây chỉ đề cập tới cúm mùa chứ không đề cập tới cúm gia cầm hay cúm gia súc lây từ động vật sang người.

Cảm cúm và cảm lạnh do nguyên nhân hoàn toàn khác nhau

Cúm (tên tiếng anh là Influenza hay Flu; cúm mùa: seasonal influenza) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, gây ra bởi virus cúm. Thường do hai chủng virus cúm A, B gây ra.

Cảm lạnh (hay còn gọi là cảm lạnh thông thường, common Cold) là một nhóm các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại Virus khác nhau, trong đó Rhinovirus chiếm phần lớn, riêng virus này lại có tới hơn 100 chủng khác khác nhau. Các loại virus khác cũng gây cảm lạnh có thể kể đến là: enterovirus, coronavirus... Do vậy trẻ có thể bị cảm lạnh nhiều đợt trong một năm. Ước tính một trẻ dưới 6 tuổi khỏe mạnh một năm có thể bị cảm lạnh 6 - 8 lần.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Cúm và cảm lạnh lây truyền như thế nào?

Cả cúm mùa và cảm lạnh đều là những bệnh truyền nhiễm lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp một cách trực tiếp thông qua các động tác như ho, hắt hơi, nói chuyện, đụng chạm, nhất là khi bàn tay trẻ dính chất tiết có virus của người bệnh sau đó trẻ đưa lên miệng, mũi, mắt... Cũng có thể do trẻ hít phải giọt tiết (nước bọt, nước mũi) của người bệnh có chứa virus ngoài môi trường hay gián tiếp đụng chạm vào các bề mặt như bàn, đồ chơi... có dính dịch tiết của người bệnh sau đó trẻ đưa tay lên mũi, miệng, mắt của mình.

Cảm lạnh và cúm mùa có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường gặp hơp cả là vào mùa khô lạnh như mùa đông và khoảng cuối đông đầu xuân.

Cảm lạnh và cúm mùa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là trẻ học mẫu giáo, tiểu học, trẻ sống nơi đông người. Với cảm lạnh thông thường thì lứa tuổi trẻ hơn, sơ sinh và nhũ nhi cũng thường xuyên bị.

Triệu chứng cảm lạnh và cúm mùa 

Triệu chứng của cảm lạnh và cúm mùa khá giống nhau, khoảng 24 - 48 giờ sau khi nhiễm virus thường có các triệu chứng sau:

  • Sốt: đa số trẻ đều bị sốt. Cúm mùa thường sốt cao đột ngột, có thể trên 38,5 - 39 độ C. Cảm lạnh thông thường thì sốt nhẹ hơn, tuy nhiên cũng có những trẻ sốt cao hoặc không sốt.
  • Hội chứng viêm long đường hô hấp trên, bao gồm:
    • Ho: Khởi đầu ho khan, sau 1 - 3 ngày có thể ho đàm.
    • Nghẹt mũi: Trẻ lớn thường ngạt mũi, nói giọng mũi, há miệng thở, ngủ ngáy. Trẻ nhỏ thường quấy khóc, lăn lộn khó ngủ, khi bú thì buông ra để thở hổn hển... đó là dấu hiệu của tắc mũi. Với trẻ nhỏ phụ huynh có thể ghé tai sát mũi để nghe tiếng thở, khi bị ngạt mũi tiếng khụt khịt rất lớn. Tuy nhiên, tiếng khụt khịt khi trẻ nghẹt mũi phụ huynh hay nhầm với tiếng khò khè trong bệnh viêm tiểu phế quản, suyễn hay viêm phổi.
    • Sổ mũi: dịch xuất tiết lúc đầu trong, loãng nhưng nếu không được vệ sinh sạch sẽ để ứ đọng nhiều hoặc bị bội nhiễm vi khuẩn thì dịch có thể hóa đục, xanh hoặc vàng.
    • Nhảy mũi: trẻ có thể bị hắt hơi trước đó như là một báo hiệu của bệnh.
  • Hội chứng đau: đau là một dấu hiệu khá nổi bật của cúm, giúp phân biệt với cảm lạnh thông thường. Trẻ bị cúm thường bị đau đầu, đau cơ bắp, đau nhức khắp mình mẩy. Trẻ nhỏ chưa biết nói chuyện thường chỉ thể hiện ra là quấy khóc, kích thích nhiều.
  • Các triệu chứng khác:
    • Biếng ăn: do thay đổi khẩu vị, do nghẹt mũi khó khăn trong ăn uống, trẻ bị cúm thường sợ mùi thức ăn, buồn nôn, nôn.
    • Đau rát cổ họng, cảm giác khô, nuốt đau, nổi hạch vùng cổ.
    • Quấy khóc, bứt rứt, khó ngủ thường ở trẻ nhỏ
    • Chóng mặt, buồn nôn, nôn, tiêu phân lỏng đôi khi gặp.
    • Viêm kết mạc: sưng phù mí mắt, đỏ mắt, tiết ghèn... là dấu hiệu có thể gặp trong cảm lạnh thông thường
    • Phát ban cũng có thể gặp trong một số trường hợp, nếu có thường xuất hiện sau sốt 2 - 3 ngày.

Cần làm xét nghiệm hay chụp X-quang khi trẻ có biểu hiện cảm lạnh, cúm không?

Trong đa số các trường hợp việc chẩn đoán bệnh là khá dễ dàng với bác sĩ mà không cần bất cứ xét nghiệm gì, Xét nghiệm thường được thực hiện khi bác sĩ còn phân vân, nghi ngờ với một bệnh lí nguy hiểm khác.

Trong những trường hợp sốt cao, các triệu trứng biểu hiện không rõ thì xét nghiệm công thức máu và test nhanh sốt xuất huyết có thể giúp bác sĩ phân biệt được trẻ có bị sốt xuất huyết hay không.

Xét nghiệm công thức máu cũng có thể được thực hiện các triệu chứng của viêm đường hô hấp gây ra là do virus hay vi khuẩn.

Chụp X-quang xoang hay phổi khi nghi ngờ có biến chứng viêm phổi, viêm xoang.

Điều trị cảm lạnh và cúm mùa 

Bệnh do virus gây ra nên không có điều trị đặc hiệu.

  • Cung cấp nước cho trẻ: thông qua nước uống trực tiếp, sữa, đồ ăn lỏng như cháo, soup...
  • Hạ sốt: paracetamol, ibuprofen (phải được bác sĩ cho phép), không được dùng Aspirin để hạ sốt cho trẻ
  • Vệ sinh mũi: rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lí (0,9 %), hoặc xịt vệ sinh mũi bằng nước muối biển sâu, có thể lấy mũi cho trẻ bằng khăn giấy sạch cuốn bấc sâu kèn.
  • Giảm ho: có thể dùng siro ho thảo dược hoặc một số bài thuốc dân gian như tắc chưng đường phèn, mật ong, chanh đào ngâm mật ong, mát xa gan bàn chân bằng dầu nóng...
  • Không cần dùng kháng sinh.
  • Các thuốc kháng virus trong giai đoạn sớm: chưa có khuyến cáo sử dụng.

Biến chứng của cảm lạnh thông thường và cúm mùa

Mặc dù bệnh cảm lạnh thông thường và cúm mùa khá lành tính và đa số tự khỏi trong vòng 1 tuần, nhưng một số trẻ có thể có các biến chứng như:

  • Viêm tai giữa cấp
  • Viêm xoang cấp
  • Viêm tiểu phế quản cấp (với trẻ dưới 2 tuổi)
  • Kích phát cơn hen đối với trẻ có bệnh hen
  • Viêm phổi
  • Khởi phát các bệnh lí miễn dịch
  • Bội nhiễm vi khuẩn
  • Bệnh cúm mùa có thể có những biến chứng nặng: viêm hệ thần kinh trung ương, viêm cơ, viêm cơ tim...

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Gọi tư vấn với bác sĩ Nhi khoa trực tuyến hoặc đưa trẻ đi khám khi:

  • Trẻ dưới 3 tháng nếu có bất kì triệu chứng nào của bệnh bao gồm: sốt, ho, quấy khóc, bú kém...
  • Trẻ trên 3 tháng có các triệu chứng:

    • Tiểu ít hơn bình thường
    • Sốt từ 39 độ C trở lên 
    • Sốt quá 3 ngày 
    • Đau tai: quấy khóc, lấy tay đập hay vò tai, cọ tai xuống nệm, người lớn đụng vào tai là khóc, chảy dịch tai
    • Mắt màu đỏ hoặc màu vàng, đổ ghèn mắt
    • Có ho hơn một tuần
    • Nước mũi đặc, xanh lá cây trong hơn hai tuần dù có vệ sinh
    • Thở nhanh, thở mệt, khò khè
    • Cảm thấy quá lo lắng...

Đưa trẻ nhập viện khi có bất kì một trong các dấu hiệu sau:

  • Li bì khó đánh thức
  • Co giật
  • Không uống được hoặc bỏ bú
  • Nôn tất cả mọi thứ
  • Tím tái
  • Tiếng thở rít khi nằm yên.

Phòng bệnh cảm lạnh thông thường và cúm mùa ở trẻ

  • Uống đủ nước bao gồm: sữa, nước lọc, nước trái cây, cháo, soup...
  • Rửa tay: là biện pháp hữu hiệu nhất để ngừa bệnh gồm rửa tay bé thường xuyên bằng xà bông, đặc biệt trước khi ăn. Rửa tay người chăm sóc trước khi chăm sóc bé.
  • Thường xuyên lau sàn nhà, đồ chơi, vệ sinh núm vú giả.
  • Giáo dục trẻ không ngậm tay hay mút đồ chơi.
  • Không tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh: sốt, ho, sổ mũi...
  • Trong mùa bệnh hạn chế tới nơi đông người.
  • Trẻ sơ sinh (28 ngày đầu đời): hạn chế tiếp xúc với nhiều người, tuyệt đối không tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh
  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ làm tăng khả năng đề kháng cho trẻ chống lại bệnh tật.
  • Giáo dục trẻ ý thức ho khạc vào khăn giấy, sau đó bỏ vào thùng rác.
  • Tiêm ngừa vaccin cúm mùa:

    • Tiêm cho trẻ sau 6 tháng tuổi.
    • Trẻ dưới 9 tuổi: tiêm 2 liều cách nhau tối thiểu 4 tuần.
    • Trẻ từ 9 tuổi trở lên: tiêm 1 liều.
    • Tiêm nhắc lại mỗi năm, vì virus cúm thay đổi kháng khuyên hàng năm.
    • Nên tiêm đón đầu trước mùa bệnh 1 - 2 tháng.

BS Trần Văn Công

Phòng khám Victoria Healthcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan