Những điều phải biết về vắc xin và tiêm chủng

Đây là những kiến thức cơ bản về vắc xin và tiêm chủng mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng nên biết

Đây là những kiến thức cơ bản về vắc xin và tiêm chủng mà bất cứ bậc cha mẹ nào cũng nên biết:

vắc xin và tiêm chủng
(Ảnh minh họa)
  1. Tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Tuy vậy, không có vắc xin nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%;
  2. Cần lưu giữ phiếu hoặc sổ tiêm chủng cùng sổ khám chữa bệnh suốt đời để giúp việc theo dõi sức khỏe của mỗi người được tốt hơn; (Mở sổ tiêm chủng online để lưu giữ trọn đời cho bạn và người thân).
  3. Cũng giống như thuốc, vắc xin cũng có thể gây ra phản ứng sau tiêm chủng;
  4. Sau khi tiêm chủng, người được tiêm chủng phải ở lại cơ sở y tế theo dõi 30 phút và về nhà cần tiếp tục theo dõi 48 sau tiêm để phát hiện những biểu hiện bất thường về sức khỏe;
  5. Hầu hết các phản ứng sau tiêm chủng thường nhẹ và tự khỏi trong thời gian ngắn (từ 1 đến 2 ngày sau tiêm) như sốt dưới 38,5°C, sưng nóng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, quấy khóc, vv… có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách cho trẻ mặc quần áo thoáng, uống nhiều nước, lau khăn ấm toàn thân để hạ nhiệt và theo dõi trẻ, nếu thấy trẻ quấy khóc nhiều, sốt trên 38,5°C hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế.Tuyệt đối không được chườm lạnh, chườm nóng hoặc bôi đắp bất cứ thứ gì lên trên hoặc xung quanh vết tiêm;
  6. Với vắc xin phòng lao, sau khi tiêm khoảng 4 - 6 tuần chỗ tiêm sẽ xuất hiện một vết loét đỏ có kích thước bằng đầu bút chì, hay nửa hạt đỗ xanh, sau khoảng vài tuần vết loét tự lành để lại sẹo có kích thước khoảng 5 mm.
  7. Phản ứng nặng thường ít gặp nhưng có thể nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hãy đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế nếu sau khi tiêm chủng trẻ có dấu hiệu bất thường như:
  • Sốt cao liên tục dùng thuốc hạ nhiệt không đỡ;
  • Khóc thét liên tục dai dẳng trên 3 giờ;
  • Ban đỏ, mề đay, phù nề mặt hoặc toàn thân;
  • Một số biểu hiện khác như: Tím tái; Khó thở (thở khò khè, ngắt quãng hoặc nghẹt thở); Đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ; Mệt lả, xanh tái; Mất ý thức; Choáng váng; Vật vã, giãy giụa hoặc co giật

(Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội)

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan