Những căn bệnh dễ mắc phải khi mang thai

Khi mang thai, có lẽ sẽ có rất nhiều thứ phải bàn đến: Bạn sẽ muốn hỏi cha mẹ mình làm cách nào để dỗ em bé ngủ, bạn muốn thảo luận về việc trang trí phòng cho bé thế nào, và ngoài ra bạn cũng sẽ có vô vàn câu hỏi cho các bác sỹ. Tuy nhiên, sẽ có một số vấn đề tế nhị khi mang thai mà bạn không muốn nói ra bởi bạn cảm thấy đôi chút xấu hổ, đó là những căn bệnh thường dễ mắc phải trong thai kỳ.

Trong trường hợp này, lời khuyên dành cho các bà mẹ tương lai là hãy đi khám bác sỹ càng sớm càng tốt để phòng những biến chứng có thể gặp phải về sau này.

Viêm bàng quang

Vùng chậu bình thường bao gồm những bó cơ liên kết chặt chẽ với nhau để giữ mọi thứ trong khu vực này được cố định. Tuy nhiên, khi nồng độ hormon relaxin tăng cao trong thai kỳ, nó sẽ làm giãn và nới lỏng mọi thứ trong cơ thể (để em bé có thể lớn lên). Điều này khiến vùng chậu bớt căng hơn, đồng nghĩa với việc bạn sẽ dễ bị rò rỉ nước tiểu và tạo điều kiện cho vi khuẩn để xâm nhập vào bàng quang, gây viêm bàng quang. Sử dụng các kháng sinh an toàn trong thai kỳ có thể giúp trị khỏi căn bệnh này, đồng thời bạn cũng nên tăng cường uống nước ép từ quả nam việt quất nguyên chất.

Viêm âm đạo do vi khuẩn

Những căn bệnh dễ mắc phải khi mang thai

Nếu vùng âm đạo bỗng nhiên xuất hiện mùi tanh như cá (kèm với các triệu chứng tiết dịch đục như sữa và ngứa), bạn có thể đã bị viêm âm đạo do vi khuẩn. Căn bệnh này là do sự phát triển quá mức của các vi khuẩn chí âm đạo.

Viêm âm đạo do vi khuẩn có thể làm tăng nguy cơ sinh non, do vậy điều quan trọng là bạn cần tiến hành điều trị càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ có nhiễm trùng. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bạn có thể sử dụng các thuốc bôi tại chỗ. Bác sỹ thường sẽ đợi đến khoảng 3 tháng cuối thai kỳ rồi mới cho bạn sử dụng các thuốc đường uống. Trong thai kỳ, dù có bị mắc căn bệnh này hay không thì các chuyên gia đều khuyên phụ nữ mang thai nên sử dụng các viên uống bổ sung probiotic 2 lần/ngày.

Nhiễm nấm âm đạo

Âm đạo vốn có môi trường acid nhẹ nên sự thay đổi cân bằng pH âm đạo có thể làm giảm số lượng các loại vi khuẩn có lợi tại đây. Ngoài ra, cộng thêm sự tăng tiết dịch âm đạo có chứa hàm lượng đường cao xảy ra trong thai kỳ nên đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển của nấm men.

Những triệu chứng như tấy đỏ, tiết dịch đặc phư pho mát và ngứa ngáy khó chịu là các dấu hiệu đặc trưng của nhiễm nấm âm đạo. Tuy nhiên, đây không phải là căn bệnh quá nghiêm trọng đe dọa đến sức khỏe của cả bà mẹ và thai nhi. Việc sử dụng các thuốc kháng nấm có thể giúp điều trị khỏi căn bệnh này, ngoài ra bạn cũng nên sử dụng các sản phẩm bổ sung thêm probiotic.

Đầy hơi

Những căn bệnh dễ mắc phải khi mang thai

Trong thời gian mang thai, sự dao động của nồng độ hormon kích thích tâm trạng serotonin (loại hormone này cũng có mặt tại ruột) có thể khiến hệ tiêu hóa sản xuất ra nhiều khí hơn và gây đầy bụng.

Để giảm tình trạng này, khi ăn lưu ý nên nhai kỹ và tránh nhai kẹo cao su (do nuốt nhiều không khí vào bụng có thể khiến triệu chứng nặng hơn). Bạn nên bổ sung các sản phẩm chứa probiotic và các thuốc giảm đầy bụng như Simethicone, ngoài ra nên tránh những thực phẩm có thể gây ra nhiều khí như đậu đỗ, bắp cải, các sản phẩm từ sữa, nước trái cây và các đồ uống có ga).

Bệnh trĩ

Trĩ là một bệnh lý xảy ra khi các tĩnh mạch gần hậu môn phình to và lòi ra ngoài do tác dụng làm giãn của những hormon thai kỳ. Tình trạng này khi kết hợp với sự gia tăng áp lực lên hậu môn do sức nặng của tử cung (khi bào thai lớn dần lên) và căn bệnh táo bón trong thai kỳ, có thể khiến các mạch máu tĩnh mạch phình to và chui qua cơ thắt hậu môn ra ngoài. Khi bạn cố gặng rặn để tống phân qua hậu môn (trong bệnh táo bón), những tĩnh mạch sưng phồng này sẽ bị vỡ, gây đau và xuất huyết.

Nếu bạn bị trĩ khi mang thai, hãy uống nhiều nước và mỗi ngày cố gắng cung cấp khoảng 25 gram chất xơ hoặc bổ sung viên uống magie 200 mg 2 lần/ngày. Để giảm đau do trĩ, bạn hãy thử ngâm mình trong bồn nước ấm có pha chút muối Epsom (3 thìa muối trong 1 chậu nước).

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan