Nguyên nhân gây chảy máu trong thời kỳ mang thai

Related image

Chảy máu trong thai kỳ. (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây chảy máu trong thai kỳ

Các nguyên nhân gây chảy máu trong thai kỳ bao gồm:

Lộ tuyến cổ tử cung

Khi mang thai nội tiết tố sẽ tăng lên dẫn đến việc cổ tử cung bị lộ tuyến rất rộng, đây là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, tại nơi bị lộ tuyến bởi vì các tế bào không có lớp phủ bên trên, các bạn tưởng tượng tựa như bị lột da vậy, lớp da non sẽ lộ ra (nên gọi là lộ tuyến), nên dễ bị chảy máu, lượng máu không nhiều và chỉ bị ra máu khi kèm theo viêm nhiễm.

Khối polype cổ tử cung

Khối polype cổ tử cung là cục thịt dư tôi đã nói hôm qua, polype cũng là hậu quả của việc tăng nội tiết, thường là không chảy máu nhưng khi va chạm hoặc kèm theo viêm nhiễm thì sẽ bị rỉ máu, lượng máu ra thường không đáng kể và tự cầm.

Bong nhau

Đối với những thai nhỏ, có thể do thiếu nội tiết thai kỳ cho nên bánh nhau thay vì bám vào mặt trong tử cung để trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi thì nay nó bị bong ra và chảy máu, tùy theo vị trí và diện rộng tại chỗ nhau bị bong có thể chảy máu ra ngoài hoặc không.

Nếu máu chảy ra ngoài và lượng ít thì thường không nguy hiểm, lúc này, bạn cần nhập viện để tiêm thuốc hoặc mua thuốc đặt âm đạo tại nhà nếu tình trạng nhẹ.

Trong trường hợp chảy máu sau bánh nhau nhưng không có đường thoát ra ngoài thì máu sẽ tụ lại thành khối ngày một to hơn gây nguy hiểm đến thai, mặc dù bạn không thấy máu chảy ra ngoài. Bác sĩ sẽ điều trị cho bạn bằng thuốc nội tiết, nếu đáp ứng tốt có thể khỏi và thai phát triển bình thường.

Nhau tiền đạo

Đây là trường hợp khá nghiêm trọng và thường gặp khi thai lớn.

Nhau tiền đạo là nhau bám ở phía trước đường ra của thai. Các bạn hình dung trong một ngôi nhà, nếu nhau bám đúng chỗ thường là bám ở bếp hoặc trong phòng ngủ, nhau bám hơi thấp thì là bám ở phòng khách, nhau tiền đạo là nhau bám ở cửa. Nhau tiền đạo bán trung tâm là nó bám ở một bên cửa, nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn là nó chắn hoàn toàn vào cái cửa, do đó thai không còn đường ra, muốn ra thì phải mở đường khác qua mái nhà… tức là việc mổ lấy thai.

Khi được chẩn đoán nhau tiền đạo, cần phải hết sức lưu ý, không nên đi xa, thậm chí nếu có nguy cơ thì bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhập viện, nằm ngay tại trong bệnh viện để nếu chảy máu nhiều thì bác sĩ có thể can thiệp kịp thời.

Nhau bong non

Nhau bong non thường gặp ở thai lớn, nhau bong non có nghĩa là nó bong trước khi thai ra bên ngoài, nếu nhau bong non mà không phát hiện kịp thời có thể chết con và tính mạng của mẹ cũng bị đe dọa vì nhau bong non khiến chảy máu rất nhiều và khó cầm. Vì vậy các bạn lưu ý tránh đụng chạm vào bụng, không để con nít ngồi lên bụng. Có trường hợp chồng đánh vào bụng vợ gây chết con và mẹ nguy kịch.

Cần làm gì để tránh chảy máu trong thai kỳ?

Cần đi khám thai thường xuyên để bác sĩ kiểm tra huyết áp, cân nặng, theo dõi bề cao tử cung, vòng bụng, có thể cần thì khám âm đạo để điều trị sớm các bệnh viêm nhiễm, tránh ối vỡ non khi thai chưa đủ tháng hoặc chưa vào chuyển dạ.

Khi bạn khám thai phát hiện huyết áp cao, tiền sản giật thì bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhập viện để điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm kể trên.

Nhiều người không hiểu cho nên chỉ siêu âm mà không đi khám thai, đây là điều không nên, bởi vì khi cơ thể người mẹ mang thêm một sinh linh trong bụng thì sẽ kèm theo nhiều nguy cơ khác ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài ra, bạn có thể Gọi thoại - Gọi Video Khám từ xa với bác sĩ chuyên khoa Phụ sản trên hệ thống Khám Từ Xa của Wellcare ngay tại nhà để được tư vấn và chữa trị chảy máu trong thai kỳ. Trước khi gọi bác sĩ, hãy dùng tính năng tải ảnh/video clip các kết quả xét nghiệm, các triệu chứng bất thường, đơn thuốc cũ... để bác sĩ xem trước.

BS Lường Thị Thiềm

Bệnh viện Quận Thủ Đức

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan