6 câu hỏi thường gặp về chủng ngừa sởi - rubella

Tiêm chủng vắc xin sởi - rubella vào độ tuổi nào là an toàn và hiệu quả nhất, thưa bác sỹ?

Tiêm chủng vắc xin sởi - rubella vào độ tuổi nào là an toàn và hiệu quả nhất, thưa bác sỹ?

Vắc xin sởi - rubella được chỉ định để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi và rubella ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn.

Theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng thì vắc xin sởi được tiêm cho trẻ lúc 9 tháng tuổi và tiêm vắc xin sởi – rubella lúc trẻ 18 tháng.

Theo hướng dẫn của một số nhà sản xuất vắc xin sởi – rubella có thể tiêm cho trẻ từ 1 tuổi (12 tháng tuổi) trở lên. Như vậy trẻ nhỏ từ 9 tháng đến 12 tháng cần được tiêm 1 mũi vắc xin sởi đơn để sớm chủ động phòng bệnh sởi trước khi tiêm vắc xin sởi – rubella.

Vắc xin sởi – rubella được khuyến cáo tiêm cho thanh thiếu niên và người lớn (nếu chưa được tiêm chủng vắc xin này trước đó), đặc biệt là các chị /em nữ trong độ tuổi sinh đẻ để phòng hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ sơ sinh do bà mẹ nhiễm Rubella trong thời kỳ mang thai. Các chị em cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh Rubella trước khi mang thai ít nhất 1 tháng để đảm bảo an toàn. Mặc dù y văn cũng chưa ghi nhận ảnh hưởng của việc tiêm vắc xin Rubella trong thời kỳ mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi.

Thưa bác sỹ, bao nhiêu tuổi sẽ không được tiêm vắc xin này? 

Với những người không thuộc đối tượng được tiêm vắc xin miễn phí trong chiến dịch như phụ nữ trước khi mang thai, vậy họ có nên tiêm vắc xin sởi - rubella và nên tiêm ở thời điểm nào là tốt nhất? 

Việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ trước 9 tháng tuổi đã được thực hiện tại một số nước tùy thuộc đặc điểm lưu hành của bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ (CDC) khuyến cáo nên tiêm vắc xin sởi cho trẻ trẻ em từ 6 tháng tuổi (có nguy cơ cao mắc bệnh sởi) trước khi đi đến vùng có dịch hoặc sống trong vùng dịch lưu hành. Các nghiên cứu về tính an toàn sau tiêm vắc xin ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi cho thấy vắc xin có độ an toàn cao, việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 6 tháng tuổi không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên hiệu quả sinh miễn dịch rất thấp do vắc xin có thể bị trung hòa bởi kháng thể từ mẹ truyền sang và cần phải tiêm vắc xin sởi lúc trẻ 9 tháng tuổi.

Lịch tiêm vắc xin sởi – rubella là lúc 12 tháng tuổi. Nếu chưa tiêm vắc xin theo lịch thì cần tiêm càng sớm càng tốt sau đó. Không có giới hạn tuổi không được tiêm đối với vắc xin này. Để phòng bệnh rubella cho mẹ và phòng hội chúng rubella bẩm sinh cho con người phụ nữ cần được tiêm vắc xin rubella càng sớm càng tốt trước khi mang thai.

Tiêm vaccine sởi - rubella
Tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên


Bác sỹ có thể cho biết những trường hợp nào chống chỉ định hoặc phải hoãn tiêm vắc xin sởi - rubella?

Chống chỉ định đối với các trường hợp.

  • Có tiền sử sốc hoặc có phản ứng nghiêm trọng sau tiêm chủng vắc xin chứa thành phần sởi hoặc rubella như: sốt cao trên 39OC kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở.
  • Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan). Mắc bệnh bạch cầu cấp, thiếu máu nặng, các bệnh máu nghiêm trọng khác hoặc truyền máu.
  • Tình trạng suy giảm miễn dịch nghiêm trọng bẩm sinh hoặc mắc phải (bệnh AIDS).
  • Phụ nữ có thai.
  • Vắc xin này có chứa thành phần Neomycin. Vì vậy, các trường hợp có phản ứng với Neomycin, tiền sử quá mẫn hoặc phản ứng sốc phản vệ là chống chỉ định tuyệt đối.

Hoãn tiêm đối với các trường hợp

  • Mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng.
  • Sốt ≥ 37,5°C (đo nhiệt độ tại nách).
  • Mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch hoặc truyền máu, huyết tương trong vòng 3 tháng trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B.
  • Đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid (uống hoặc tiêm) trong vòng 14 ngày, thuốc ức chế miễn dịch khác hay điều trị “xạ trị”.

Vắc xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng được tài trợ miễn phí nên nhiều bà mẹ cảm thấy không an tâm. Vậy, vắc xin tiêm sởi – rubella sử dụng trong chiến dịch TCMR có nguồn gốc từ đâu? Có đảm bảo an toàn không, thưa bác sỹ?

Vắc xin sởi  - rubella sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam được Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ thông qua việc cung ứng của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF). Vắc xin sởi – rubella do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất, vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thẩm định đạt các yêu cầu của WHO từ năm 2000. Cho tới nay đã có 40 quốc gia đã sử dụng vắc xin này với hơn 600 triệu liều đã được sử dụng.  Trước khi đưa vắc xin sởi – rubella vào sử dụng trong TCMR vắc xin đã được kiểm định nghiêm ngặt tại Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế. Trong chiến dịch 2014 - 2015 đã có gần 20 triệu trẻ được tiêm vắc xin sởi-rubella an toàn. Phản ứng thông thường chủ yếu là sốt nhẹ và đau tại chỗ tiêm, chỉ ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng dị ứng với vắc xin sau tiêm chủng các trường hợp này đều được phát hiện và xử trí kịp thời. Sau chiến dịch, vắc xin tiếp tục được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ 18 tháng tuổi sẽ được tiêm vắc xin sởi – rubella tại các điểm tiêm chủng  xã/ phường. 

Một vấn đề mà nhiều bậc cha mẹ thường lo ngại là quy trình bảo quản vắc xin tại phường/xã nên thường có xu hướng đưa trẻ đến tiêm tại các cơ sở y tế dịch vụ. Bác sỹ có thể cho biết thêm về điều kiện vận chuyển và bảo quản vắc xin tại địa phương?

Vắc xin trong chương trình TCMR hay vắc xin tiêm chủng dịch vụ đều tuân thủ việc bảo quản ở điều kiện qui định trong dây chuyền lạnh.Trong chương trình TCMR, hệ thống dây chuyền lạnh đã được trang bị đầy đủ từ Trung ương đến các địa phương và ngày càng được tăng cường, đảm bảo chất lượng vắc xin sử dụng. Hàng năm, trong kế hoach triển khai công tác TCMR,các cán bộ quản lý vắc xin và cán bộ thực hành tiêm chủng thường xuyên được tập huấn về quy trình bảo quản vắc xin tại mỗi tuyến.Các hướng dẫn, quy định về bảo quản vắc xin đã được phổ biến tới các cán bộ làm tiêm chủng đầy đủ. Vắc xin được vận chuyển từ tuyến Trung ương tới các điểm tiêm chủng của chương trình TCMR đảm bảo chất lượng trong hệ thống dây chuyền lạnh, sử dụng các phương tiện bảo quản vắc xin như hòm lạnh, phích văc xin chuyên dụng do chương trình cung cấp đầy đủ tới các huyện, xã.

Nhiều trường hợp, trẻ có phản ứng sau tiêm. Vậy có cách nào để biết trước là trẻ có dị ứng với vắc xin sắp được tiêm không thưa bác sỹ và cách xử lý khi trẻ bị phản ứng với vắc xin?

Nếu trẻ bị dị ứng đối với bất cứ thành phần nào của của vắc xin (ví dụ dị ứng với kháng sinh có trong vắc xin) hoặc có phản ứng mạnh (sốt cao, phản ứng sưng tại chỗ tiêm, di ứng, sốc …) khi tiêm vắc xin cùng loại ở những lần tiêm trước thì sẽ có nguy cơ phản ứng. Gia đình cần thông báo cho cán bộ y tế khi khám sàng lọc trước tiêm chủng về tiền sử dị ứng cũng như tiền sử phản ứng sau tiêm chủng của trẻ. Đồng thời sau tiêm chủng trẻ cần được theo dõi tại có sở tiêm chủng 30 phút và tiếp tục được theo dõi tại nhà trong vòng ngày đầu sau tiêm chủng để phát hiện sớm các biểu hiện bất thường như khóc dai dẳng, khó thở, tím tái, li bì, bú ít, bỏ bú, sốt cao, co giật…và nếu xuất hiện biểu hiện bất thường, các bà mẹ không chần trừ, hãy đưa NGAY trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Theo CTV LA - Dự án TCMR/ tiemchungmorong.vn

- 20-02-2019 -

Bài viết liên quan