Mẹ sốc khi phát hiện con trai 3 tuổi đã bị polyp đại tràng

Sáng ngày 21/6, khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương) vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi Đ.Q.M. (3 tuổi, ở Đoan Hùng, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng đi ngoài ra máu kéo dài suốt 20 ngày.

Theo chia sẻ của gia đình, ban đầu bé đi ngoài ra máu tươi nhiều, gia đình nghi ngờ bé bị giun kim làm ổ trong ruột nên mua thuốc về điều trị. Một vài ngày sau bé vẫn đi ngoài ra máu nhưng ít đi nên cha mẹ chủ quan không đưa bé đi khám bác sĩ.

Sau khi tìm hiểu tiền sử bệnh lý của bé, các bác sĩ đã chỉ định nội soi đại trực tràng. Kết quả nội soi cho thấy, hình ảnh một polyp có kích thước 1cm trên niêm mạc trực tràng, bề mặt polyp xước, chảy máu.

BS Nguyễn Thị Hiền (BV Đa khoa Hùng Vương) cho biết, thời gian gần đây các trường hợp bệnh nhi đến khám do các vấn đề về đường tiêu hóa tăng cao, chủ yếu là vấn đề như viêm loét dạ dày, tiêu chảy cấp… Điển hình là bệnh nhi M., tuy mới 3 tuổi nhưng đã xuất hiện polyp tại niêm mạc trực tràng. Từ trường hợp trên, bác sĩ Hiền khuyến cáo, phụ huynh cần trang bị một số kiến thức cơ bản về triệu chứng của bệnh như đi ngoài ra máu tươi liên tục và kéo dài, máu có thể nhỏ giọt sau khi đi ngoài hoặc thành vệt sọc.

Đặc biệt, bệnh dễ nhầm với nứt kẽ hậu môn do các biểu hiện khá giống nhau, khi đi ngoài trẻ có cảm giác đau, thường gặp ở những trẻ táo bón. Ngoài ra, còn dễ nhầm với một số bệnh như hội chứng lỵ hoặc trĩ…

Polyp đại trực tràng trẻ em nếu không điều trị kịp thời, một số cũng sẽ phát triển và diễn biến phức tạp. Một số trường hợp polyp to có thể tự đứt gây chảy máu cấp tính nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Vì vậy, khi trẻ có những biểu hiện như đi ngoài ra máu tươi kéo dài, đau khi đi ngoài, đau bụng, đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón kéo dài trên một tuần không rõ nguyên nhân… thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi video khám từ xa với bác sĩ chuyên khoa Nhi để được tư vấn và hướng dẫn điều trị kịp thời.

- 22-06-2018 -

Bài viết liên quan