Mang thai và tuổi tác

Khả năng mang thai, thụ thai sẽ giảm dần theo tuổi ở cả nam giới và nữ giới. Với cả nam giới và nữ giới, sau tuổi 35, khả năng sinh sản sẽ giảm đi rất nhanh. Tuổi tác có thể và có ảnh hưởng rất lớn đến khía cạnh về mặt thể chất của thai kỳ.

Nam giới vẫn có khả năng giải phóng ra tinh trùng hoạt động khi bước vào tuổi già. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh rằng chất lượng tinh trùng sẽ giảm đi theo tuổi. Phụ nữ thậm chí còn bị đồng hồ sinh học chi phối nhiều hơn nam giới. Phụ nữ khi sinh ra đã có tất cả số trứng mà họ nên có trong đời, và khả năng sinh sản của họ sẽ giảm dần theo tuổi.

Dưới đây là khả năng mang thai và những vấn đề sức khỏe trong thai kỳ tùy theo độ tuổi của người phụ nữ

Mang thai ở độ tuổi 20

Cơ thể chúng ta có thể mang thai hoàn hảo nhất là khi ở độ tuổi 20. Khi đó, những năm tháng vị thành niên đã kết thúc. Trứng của người phụ nữ đủ khỏe và đủ trưởng thành để có thể thụ thai. Ở độ tuổi này, cơ thể phụ nữ cũng có thể xử lý tốt hơn các tác động của việc có thêm trọng lượng đặt lên lưng, xương và cơ. Phụ nữ ở độ tuổi 20 cũng có nguy cơ mắc các biến chứng về thai kỳ thấp nhất.

Theo phòng khám Cleveland, nguy cơ xảy thai ở độ tuổi 20 rất thấp, chỉ khoảng 15%. Nguy cơ sinh con bị hội chứng Down, bị nứt đốt sống hoặc các dị tật bẩm sinh về nhiễm sắc thể cũng rất thấp. Theo thống kê, ở độ tuổi 25, nguy cơ sinh con bị Down chỉ là 1/1.250 trong khi nếu sinh con ở độ tuổi 40, tỷ lệ này sẽ tăng lên thành 1/100.

Tuy nhiên, mang thai ở độ tuổi 20 cũng có một số nguy cơ nhất định. Theo phòng khám Mayo, nguy cơ tăng huyết áp do mang thai (tiền sản giật) ở độ tuổi này là cao hơn.

Mang thai ở độ tuổi 30

Theo thống kê tại Mỹ, cứ 5 phụ nữ thì có 1 phụ nữ sẽ đợi đến khi sau 35 tuổi mới sinh đứa con đầu tiên. Vào độ tuổi này, khả năng sinh sản đã bắt đầu yếu đi. Tuy nhiên, cơ thể vẫn đủ khả năng để sinh ra một đứa bé khỏe mạnh. Nhưng bạn sẽ phải kiên nhẫn hơn để có thể thụ thai được. Theo thống kê, tỷ lệ thụ thai mỗi tháng ở độ tuổi 30 chỉ là 20%. Phụ nữ ở độ tuổi 30 thường cần khoảng 3-6 tháng để có thể thụ thai thành công, so sánh với những phụ nữ ở độ tuổi trẻ hơn.

Phụ nữ ở độ tuổi 30 cũng có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến thai kỳ cao hơn, ví dụ như:

  • Tiểu đường thai kỳ
  • Tăng huyết áp
  • Nhau thai tiền đạo (nhau thai phát triển gần cổ tử cung và có thể dẫn đến chảy nhiều máu khi sinh)

Các bệnh mãn tính, như tiểu đường và tăng huyết áp thường trở nên rõ ràng hơn ở độ tuổi này. Tổn thương các cơ quan và mô do các bệnh mãn tính này có thể làm thai kỳ của bạn trở nên phức tạp hơn.

Tuổi 35 là dấu mốc đánh dấu thai kỳ “có nguy cơ cao”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khi bạn bước vào tuổi 35, mọi thứ sẽ đi xuống dốc ngay lập tức. Thay vào đó, bác sỹ chỉ dùng độ tuổi này như một chỉ báo để xác định được khi nào nên bắt đầu theo dõi một số vấn đề của thai kỳ.

Ở độ tuổi này, khả năng sinh ra đứa trẻ mắc các dị tật về nhiễm sắc thể như hội chứng Down cũng tăng lên. Nếu bạn mang thai ở độ tuỏi 35, em bé của bạn sẽ:

  • Có nguy cơ mắc hội chứng Down là 1/400
  • Có nguy cơ mắc các dị tật khác về nhiễm sắc thể là 1/192

Nguy cơ xảy thai ở nửa cuối độ tuổi 30 cũng tăng lên gấp đôi so với khi bạn ở độ tuổi 20.

Mang thai và tuổi tác
Mang thai ở tuổi 40

Mang thai ở tuổi 40 không phải quá hiếm gặp. Trên thực tế, từ năm 2007 đến 2009, tại Mỹ, tổ chức CDC thống kê rằng những ca sinh nở của phụ nữ trong độ tuổi từ 40-44 tăng lên 6%. Tuy vậy, nguy cơ liên quan đến việc mang thai ở độ tuổi này nên được chú ý, đặc biệt là khi người phụ nữ ở nửa cuối độ tuổi 40.

50% số phụ nữ ở độ tuổi 40 bị vô sinh hoặc gặp khó khăn trong việc thụ thai. Theo thống kê, phụ nữ ở độ tuổi 40 chỉ có khoảng 5% khả năng thụ thai mỗi tháng. Tỷ lệ này đúng cho cả các trường hợp mang thai tự nhiên và cả các trường hợp mang thai có sự can thiệp của y tế.

Các nguy cơ về sức khỏe liên quan đến mang thai ở độ tuổi 40 cũng giống như các nguy cơ gặp phải khi người mẹ ở nửa cuối độ tuổi 30. Sự khác nhau giữa 2 giai đoạn này chỉ là các ảnh hưởng tiềm ẩn lên em bé. Khả năng sinh ra em bé có các dị tật về nhiễm sắc thể tăng lên đáng kể. Ở phụ nữ độ tuổi 40, nguy cơ sinh ra các em bé mắc hội chứng Down là 1/100, tỷ lệ này sẽ tăng lên là 1/30 nếu người mẹ từ 45 tuổi trở lên. Tỷ lệ xảy thai cũng tăng lên theo. Khi người mẹ trên 45 tuổi, tỷ lệ xảy thai là hơn 50%.

Phụ nữ ở độ tuổi 40 cũng có khả năng mang đa thai nhiều hơn, kể cả khi không có can thiệp về y tế. Nguyên nhân là do những thay đổi về hormone xảy ra một cách tự nhiên ở phụ nữ độ tuổi 40 có thể kích thích cơ thể giải phóng ra nhiều hơn 1 trứng.

Mặc dù có một số nguy cơ nhất định, nhưng nguy cơ mắc các biến chứng nói chung sẽ giảm đi nếu bạn:

  • Có sức khỏe tốt
  • Không có các bệnh khác có thể ảnh hưởng đến thai kỳ
  • Ăn uống tốt trong suốt cả thai kỳ.

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan