Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

Nếu tất cả các bé đều được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, và sau 6 tháng bắt đầu ăn dặm kèm bú mẹ đến 2 tuổi thì sẽ có 1,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi được cứu sống mỗi năm.

Image result for bé bú mẹ

Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ. (Ảnh minh họa)

Bảo vệ bé trước hàng loại bệnh cấp tính

Bệnh đường hô hấp (nhất là hô hấp dưới)

Bé không bú mẹ có nguy cơ phải nhập viện vì viêm phổi cao gấp 17 lần so với bé bú mẹ. (4)

Bé bú sữa mẹ không chỉ giúp bé giảm nguy cơ mắc bệnh phổi, mà còn giảm mức độ nặng của bệnh nếu có mắc bệnh. (16)

Bệnh đường tiêu hóa

Bé bú sữa công thức có nguy cơ mắc tiêu chảy cao hơn so với bé được bú sữa mẹ, cụ thể gấp 14 lần ở trẻ 0 - 1 tháng, gấp 4 - 10 lần ở trẻ 1 - 12 tháng. (15)

Bé không bú mẹ có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy tăng 165% ở trẻ 0 - 5 tháng, tăng 32% ở trẻ 6 -11 tháng. (17)

Bé sinh non cần hỗ trợ về hô hấp nếu dùng sữa công thức sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm ruột hoại tử cao gấp 28,6 lần so với bé sinh non không cần hỗ trợ hô hấp và không dùng sữa công thức. (9) Sữa mẹ có protein Neuregulin-4, là một trong những yếu tốt giúp bảo vệ bé khỏi bệnh viêm ruột hoại tử.

Bệnh viêm tai

Bé bú sữa công thức, có nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa cao hơn so với bé được bú sữa mẹ, cụ thể gấp 8,6 lần ở trẻ 0 - 12 tháng, gấp 3,3 - 4,3 lần ở trẻ 1 - 6 tuổi. (15)

Bệnh nhiễm trùng huyết

Ngay cả bú mẹ không hoàn toàn cũng giúp bảo vệ bé khỏi bệnh nhiễm trùng huyết. (2)

Bệnh nhiễm trùng tiểu 

(8, 18, 19, 13)

Các oligosaccharide và lactoferrin có trong sữa mẹ đi qua hệ thống đường tiểu của bé, giúp bảo vệ đường tiểu của bé.

Ở các bé bú mẹ hoàn toàn, tần suất xuất hiện các bệnh này ít hơn, và nếu có mắc bệnh, mức độ trầm trọng cũng ít hơn. Tỉ lệ tử vong vì các bệnh này trên các bé bú mẹ cũng ít hơn hẳn so với các bé bú sữa công thức.

Cơ chế chung:

Trong sữa mẹ có kháng thể sIgA. Chất này tạo thành một lớp bảo vệ trên lớp màng nhày ở đường ruột, mũi, họng. Bên cạnh đó, khi mẹ tiếp xúc với bất kỳ mầm bệnh nào, tự cơ thể mẹ sẽ tạo ra kháng thể chuyên biệt chống lại mầm bệnh đó, kháng thể này sẽ đi qua sữa mẹ. Vậy khi bé bú mẹ, bé sẽ nhận được kháng thể bảo vệ bé khỏi các mầm bệnh mà mẹ và bé cùng phơi nhiễm, nếu bé có mắc bệnh, bệnh cũng sẽ nhẹ hơn và mau hết bệnh hơn.

Một số các yếu tố tham gia vào hệ thống miễn dịch bảo vệ bé khi bé được bú sữa mẹ:

  • Các protein như sIgA, G, M, D, E; Lactoferrin; Alpha-Lacalbumin; Lysozyme; Anti-secretory Factor
  • Các Oligosaccharides
  • Các axit béo và monoglycerides
  • Bạch cầu đa nhân, đại thực bào và một số các yếu tố khác nữa...

Giúp bé giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tĩnh về sau

Béo phì

Bé bú mẹ giảm nguy cơ béo phì 15% so với bé bú sữa công thức. (26)

Một số cơ chế bảo vệ:

  • Leptin có trong sữa mẹ giúp điều hòa nhu cầu ăn và quá trình chuyển hóa năng lượng của trẻ. Bé bú sữa công thức chỉ có được 1/2 nồng độ leptin so với trẻ bú mẹ.
  • Bé bú mẹ giúp điều tiết tốt sự bài tiết insulin, tác động tốt lâu dài lên quá trình chuyển hóa năng lượng của trẻ.

Đái tháo đường

Bé bú mẹ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 về sau. (22)

Tăng huyết áp

Bú mẹ là tác nhân bảo vệ cho bé trên huyết áp tâm thu khi lớn lên. (16)

Cơ chế có thể do:

  • Nồng độ natri giữa sữa mẹ và sữa công thức khác nhau
  • Thành phần chất béo khác nhau giữa sữa mẹ và sữa công thức
  • Nguy cơ thừa cân/béo phì khi bú sữa công thức.

Hen suyễn

Ở trẻ dùng sữa công thức trước 2 tháng tuổi thì khi đến tuổi dậy thì, chức năng phổi kém hơn ở những trẻ được dùng sữa mẹ hơn 4 tháng tuổi. (10,21)

Bé bú mẹ hoàn toàn trên 6 tháng là yếu tố bảo vệ bé đối với bệnh hen suyễn (3)

Giảm nguy cơ ung thư ở bé

Giảm nguy cơ các bệnh lý (ung thư máu, thần kinh…) như Lymphoblastic leukemia, Hodgkin’s lymphoma, neuroblastoma, Wilm’s tumor (Daniels).

Cơ chế: trong sữa mẹ có phức hợp tên gọi là HAMLET (human alpha-lactalbumin made lethal to tumour cells). Yếu tố này giúp phá hủy các tế bào ác tính. (1, 12, 14)

Bảo vệ bé khỏi nguy cơ dị ứng

Các bé bú sữa công thức có nguy cơ mắc các bệnh lý về viêm da cơ địa (atopy) cao hơn các bé bú mẹ. (7)

Ngay cả những bé bú sữa có nguồn gốc từ đậu nành để thay thế thì cũng không giúp giảm nguy cơ này. (23)

Các nhà khoa học thấy rằng, nhờ sIgA trong sữa mẹ tạo thành một lớp bảo vệ đường ruột, nên ngăn cản không cho quá trình viêm xảy ra. Các protein lạ cũng khó mà qua đường lớp màng bảo vệ này, làm giảm nguy cơ phản ứng dị ứng xảy ra.

Thúc đẩy bé phát triển trí não và vận động

Các bé bú mẹ nhận được lượng chất béo tốt (AHA, AA) từ sữa mẹ nhiều hơn các bé bú sữa công thức (16). Hiện nay nhiều hãng sữa công thức đã bổ sung vào những chất này, nhưng thật không may là nó chưa được chứng ming là có tác dụng

Những bé bú sữa công thức hoàn toàn hay bú sữa công thức sớm thì đến 6,5 tuổi, chỉ số IQ thường thấp hơn các bé bú mẹ. (11)

Những bé bú sữa mẹ có điểm số IQ cao hơn những bé bú sữa công thức 5,8 điểm. (24)

Giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh

Đột tử sơ sinh được định nghĩa là tử vong đột ngột ở trẻ dưới 1 tuổi không giải thích được lý do. Hầu hết đột tử sơ sinh xảy ra vào khoảng tháng thứ 2 đến tháng thứ 4.

Nghiên cứu cho thấy bé bú sữa công thức có nguy cơ đột tử sơ sinh gấp 2 lần bé bú sữa mẹ. (20, 25)

Lợi ích cho mẹ khi cho bé bú sữa mẹ 

  • Tăng nồng độ oxytocin -> giúp co hồi tử cung nhanh chóng -> giảm chảy máu sau sinh
  • Giảm nguy cơ thiếu máu
  • Vô kinh cho con bú -> giảm lượng máu mất nhiều tháng sau sinh
  • Phục hồi cân nặng như trước khi mang thai nhanh hơn
  • Giảm nguy cơ ung thư vú
  • Giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.
  • Cải thiện “tái tạo xương” trong quá trình cho con bú -> giảm nguy cơ loãng xương. (Nếu không cho con bú sau sinh thì quá trình “tái tạo xương” này hầu như không xảy ra).

Tài liệu tham khảo:

1. Aits S et al. (2009) HAMLET (human alpha-lactalbumin made lethal to tumor cells) triggers autophagic tumor cell death.

2. Ashraf RN et al. (1991) Breast feeding and protection against neonatal sepsis in a high risk population.

3. Bener A et al. (2007) Role of breast feeding in primary prevention of asthma and allergic diseases in a traditional society.

4. Cesar JA et al. (1999) Impact of breast feeding on admission for pneumonia during postneonatal period in Brazil: nested case-control study

5. Coutinho ACFP, Olivera Soares ACd & Silva Fernandes Pd (2014) Knowledge og Mothers about the Benefits of Breastfeeding to Women’s Health. Journal of Nursing (JNUOL) 8,1213-1220

6. Daniels JL et al. (2002) Breast-feeding and neuroblastoma, USA and Canada.

7. Friedman NJ et al. (2005) The role of breast-feeding in the development of allergies and asthma

8. Ghaemi S et al. (2007) Late onset jaundice and urinary tract infection in neonates.

9. Gregory KE (2008) Clinical predictors of necrotizing enterocolitis in premature infants.

10. Guilbert GW et al. (2007) Effect of Breastfeeding on lung function in childhood and modulation by maternal asthma and atopy

11. Gustafsson PA et al. (2004) Breastfeeding, very long polyunsaturated fatty acids (PUFA) and IQ at 6 1/2 years of age

12. Hallgren O et al. (2008) Apoptosis and tumor cell death in response to HAMLET (human alpha-lactalbumin made lethal to tumor cells).

13. Hanson LA (2004) Protective effects of breastfeeding against urinary tract infection

14. Hanson L (2004) Immunology of Human Milk: How breastfeeding protects babies

15. Heinz (2001-02) Heinz Sight: Infant Nutrition Newsletter

16. Horta BL & Victora CG (2013a) Long-term effects of breastfeeding: a systematic review. Geneva: WHO.

17. International Vaccine Access Center (IVAC) (2013) Pneumonia and Diarrhea Progress Report 2013. Baltimore: IVAC

18. Levy I et al. (2009) Urinary tract infection in preterm infants: the protective role of breastfeeding.

19. Marild S et al. (2004) Protective effect of breastfeeding against urinary tract infection

20. McVea KL et al. (2000) The role of breastfeeding in sudden infant death syndrome

21. Ogbuanu IU et al. (2008) The effect of breastfeeding duration on lung function at age 10 years: a prospective birth cohort study.

22. Owen CG et al. ( 2006) Does breastfeeding influence risk of type 2 diabetes in later life? A quantitative analysis of published evidence

23. Ram FS et al. (2002) Cow’s milk protein avoidance and development of childhood wheeze in children with a family history of atopy

24. Steer CD, Davey Smith G, Emmett PM et al. )2010) FADS2 polymorphisms modify the effect of breastfeeding on child IQ. PloS One 5, e1570

25. Vennemann MM et al. (2009) Does breastfeeding reduce the risk of sudden infant death syndrome?

26. Weng SF, Redsell SA, Swift JA et al. (2012) Systematic review and meta-analyses of risk factors for childhood overweight  identifiable during infancy. Arch Dis Child 97, 1019-1026.

BS Lê Ngọc Anh Thy

Chuyên gia tư vấn sữa mẹ Quốc tế IBCLC®

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan