Làm gì khi trẻ bị mất nước?

Mất nước có nghĩa là cơ thể thiếu đi lượng nước cần thiết, nếu để tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Mất nước bệnh lý là gì?

Mỗi ngày, cơ thể chúng ta bị mất một lượng nước nhất định qua đường nước tiểu, qua phân, mô hôi và nước mắt. Lượng nước đã mất mỗi ngày được bù lại bằng việc ăn uống. Bình thường, cơ thể có cơ chế để cân băng quá trình này, do vậy lượng nước mất bao nhiêu có thể bù lại đủ bấy nhiêu. Một số muối khoáng như natri, kali... đóng vai trò cần bằng dịch thể trong cơ thể.

Làm gì khi trẻ bị mất nước?
Ảnh minh họa.

Hiện tượng mất nước bệnh lý xảy ra khi cân bằng dịch thể chuyển dịch theo chiều hướng lượng nước cung cấp vào thấp hơn so với lượng bị mất đi, ví dụ như khi trẻ không uống đủ nước hay khi trẻ bị mất nước nhiều hơn bình thường. Khi trẻ bị ốm, nước có thể bị mất khi trẻ nôn mửa, tiêu chảy và sốt.

Mất nước có thể diễn biến nhanh hoặc chậm phụ thuộc vào cách mất nước và độ tuổi của trẻ. Trẻ sơ sinh trẻ nhỏ là những đối tượng dễ bị mất nước hơn bởi cơ thể nhỏ hơn và khả năng dự trữ nước cũng thấp hơn. Trẻ lớn và thiếu niên có thể dễ dàng tự kiểm soát hiện tượng mất cân bằng dịch thể.

Các nguyên nhân gây mất nước

Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:

  • Lượng nước bổ sung không đủ khi trẻ bị ốm.
  • Mất nước do tiêu chảy và/hoặc nôn mửa, sốt.

Trẻ khỏe mạnh đôi khi có thể bị nôn mửa hay đi ngoài phân lỏng nhưng không gây ra mất nước. Tuy nhiên, hiện tượng mất nước xảy ra đột ngột có thể gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu trẻ bị nôn, đi ngoài phân lỏng và không thể uống nước bình thường, chúng có thể bị mất nước rất nhanh làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Dấu hiệu và triệu chứng của mất nước

Con bạn có thể xuất hiện một trong những triệu chứng sau đây:

  • Môi khô, nứt nẻ và khô miệng.
  • Tiểu ít, bí tiểu từ 8 -12 tiếng, nước tiểu sẫm màu.
  • Lơ mơ, buồn ngủ, ngủ gà hoặc kích thích, khó chịu, vật vã.
  • Da lạnh và khô.
  • Kiệt sức, cơ thể yếu.
  • Khóc khan, không thành tiếng.
  • Mắt trũng sâu, thóp trên đỉnh đầu ấn mềm.

Đánh giá mức độ mất nước

Thang đánh giá mức độ mất nước trên lâm sàng được các bác sỹ sử dụng để xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất nước. Bạn có thể sử dụng thang này để đánh giá sơ bộ tại nhà xem bé nhà bạn hiện ở trong tình trạng mất nước như thế nào, có cần phải đến khám bác sỹ ngay hay không.

Căn cứ những triệu chứng quan sát được ở trẻ để đánh giá số điểm của trẻ. Điểm càng cao mức độ mất nước càng nặng.

Để tính toán tình trạng mất nước:

  1. Ghi lại những triệu chứng của trẻ.
  2. Đối với mỗi triệu chứng, tìm thang điểm tương ứng trên biểu đồ.
  3. Cộng thang điểm từng phần để cho ra điểm tổng.

Ví dụ, nếu trẻ bị khô niêm mạc (2 điểm), khóc ít ra nước mắt (1 điểm), bị ra mồ hôi (2 điểm), điểm tổng là 5 điểm cho thấy con bạn bị mất nước mức độ từ trung bình đến nặng.

Thang đo tình trạng mất nước trên lâm sàng:

 

0

1

2

Quan sát tổng thể

Bình thường

Khát nước, bồn chồn, cáu kỉnh hoặc lờ đờ, mệt mỏi

Uể oải, ủ rũ, lạnh, toát mồ hôi hoặc hôn mê

Mắt

Bình thường

Trũng sâu mức độ nhẹ

Trũng sâu nghiêm trọng

Niêm mạc*

Ẩm ướt

Dính

Khô

Nước mắt

Bình thường

Giảm

Không có

*Niêm mạc bao gồm phần bên trong của miệng và mắt.

  • 0 điểm: không bị mất nước
  • 1-4 điểm: bị mất nước mức độ nhẹ
  • 5-8 điểm: bị mất nước mức độ trung bình tới nặng

(Goldman 2008)

Điều trị

Việc điều trị tình trạng mất nước phụ thuộc vào mức độ mất nước của trẻ. Những thuốc làm giảm nôn và tiêu chảy có thể được khuyến cáo sử dụng cho trẻ trong những trường hợp này.

Làm gì khi trẻ bị mất nước?
Ảnh minh họa.

Mất nước mức độ từ trung bình đến nặng (từ 5-8 điểm)

Hãy đưa trẻ tới bệnh viện để điều trị ngay lập tức.

Mất nước mức độ nhẹ (từ 1-4 điểm)

Cho trẻ uống dung dịch bổ sung nước và điện giải. Các dung dịch pha sẵn trên thị trường như Pedialyte, Gastrolyte, Enfalyte, Oresol, có chứa hàm lượng nước, đường và muối cân bằng để cơ thể dễ hấp thụ. Sử dụng các dung dịch bù nước và điện giải này tốt hơn là nước đơn thuần hay dung dịch tự pha sẵn tại nhà, đặc biệt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Nếu trẻ không chịu uống những dung dịch pha sẵn này, hãy cho trẻ uống những loại đồ uống mà trẻ yêu thích như sữa, nước trái cây…Nếu bé nhà bạn bị sốt, tiêu chảy hay nôn mửa mức độ nhẹ, sữa và nước quả là lựa chọn khá phù hợp. Tuy nhiên, nếu trẻ bị tiêu chảy nghiêm trọng, sữa và nước quả có thể làm cho tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Cho trẻ uống chậm 5 – 10 ml (1 – 2 thìa cà phê) mỗi 5 phút. Tăng dần lượng nước cho tới khi đạt tới lượng cần thiết và cơ thể trẻ có đáp ứng tốt.

Nếu bé nhà bạn vẫn đang bú mẹ, hãy tiếp tục cho trẻ bú. Nếu trẻ không chịu bú, hãy đưa trẻ tới khám bác sỹ.

Không bị mất nước (0 điểm)

Hãy cho trẻ uống đủ lượng nước theo khuyến cáo trong chế độ dinh dưỡng theo độ tuổi. Nếu trẻ bị nôn hay tiêu chảy, hãy bổ sung dung dịch bù nước và điện giải theo liều 10 ml/kg thể trọng.

Điều trị sau mất nước

Khi tình trạng mất nước của trẻ đã được cải thiện, bước tiếp theo là dần dần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của trẻ về mức bình thường. Cho trẻ ăn loại đồ ăn và đồ uống mà chúng yêu thích.

Bạn không cần thiết phải thiết lập một chế độ dinh dưỡng quá nghiêm ngặt cho trẻ. Tuy nhiên nên hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn chứa nhiều đường, đồ ngọt, đồ chiên rán hay có lượng chất béo cao và đồ ăn cay cho tới khi trẻ hồi phục hoàn toàn.

Không được pha loãng sữa bột hay sữa bò với dung dịch điện giải chất lỏng khác.

Nếu trẻ tiếp tục tiêu chảy và nôn mửa, bổ sung cho trẻ dung dịch điện giải với liều 10 ml/kg thể trọng cho mỗi lần tiêu chảy hay nôn mửa. Ngay cả khi trẻ bị tiêu chảy, bạn vẫn có thể cho trẻ uống sữa và ăn các thức ăn bổ dưỡng như bình thường để trẻ nhanh hồi phục.

Phòng mất nước với dung dịch bổ sung nước và điện giải dạng uống

Bạn có thể ngăn ngừa trước tình trạng mất nước của trẻ bằng cách cho trẻ uống dung dịch bổ sung nước và điện giải - Oresol ngay khi bạn nhận thấy những triệu chứng mất nước ở trẻ. Những dung dịch này bán phổ biến ngoài hiệu thuốc dưới dạng chất lỏng pha sẵn hay gói bột. Dạng gói bột thì dễ bảo quản hơn và có hạn dùng lâu hơn nhưng cần phải được pha chế cẩn thận do dễ sai nồng độ. Bạn cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn pha dung dịch trên gói thuốc hoặc của dược sỹ. Không được pha đặc hơn hoặc loãng hơn vì có thể làm tình trạng mất nước nặng hơn, gây nguy hiểm ch trẻ. 

Nhiệt độ của dung dịch không quá quan trọng. Bạn có thể pha gói bột này trong nước ấm, nước lạnh, nước ở nhiệt độ phòng…

Khi nào nên đi khám bác sỹ

Hãy cho trẻ đi cấp cứu trong những trường hợp sau:

  • Trẻ không có dấu hiệu hồi phục hay ngày càng nặng hơn.
  • Trẻ đi ngoài ra máu hay nôn ra máu, nôn ra chất màu xanh lá.
  • Trẻ bị đau không thể làm dịu bằng thuốc giảm đau hay đau làm trẻ không thể uống đủ nước.
  • Trẻ không chịu uống dung dịch bổ sung nước và điện giải.
  • Trẻ bị nôn mửa hay tiêu chảy liên tục và không thể bù đủ lượng nước bị mất.
  • Trẻ bị tiêu chảy kéo dài hơn 10 ngày.

Tham khảo thêm thông tin tại bài viết: 14 nguyên nhân bất ngờ gây mất nước

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan

  • 21-11-2018

    Thông thường sau khi sinh tại cơ sở y tế 1-2 ngày sản phụ sẽ được xuất viện. Sau khi về nhà cách chăm sóc sau sinh là vấn đề quan trọng, cần phải có sự theo dõi chặt chẽ.

  • 24-07-2018
    Theo thống kê tại Mỹ, 1 năm trẻ em có thể bị từ 6 - 8 lần. Đối với trẻ em Việt Nam, con số lớn hơn có thể từ 10 - 12 lần/năm, nghĩa là trung bình mỗi tháng bị một lần, nhưng không phải rải đều quanh năm mà sẽ tập trung vào một số tháng nhất định. Do đó, có những tháng chẳng hạn như tháng 7, 8, 9 trẻ có thể bị nhiều đợt bệnh chồng lên nhau. Điều này khiến phụ huynh rất hoang mang vì các triệu chứng cứ kéo dài khiến họ nghĩ tới con bị bệnh quá lâu, nặng.
  • 28-05-2018
    Con bạn sẽ không bao giờ đòi ăn bánh quy, kẹo hoặc bim bim nếu chúng thấy bạn không ăn những thứ đó. Hãy là một tấm gương tốt cho con trẻ khi lựa chọn đồ ăn lành mạnh cho chính mình. Lựa chọn các loại ngũ cốc
  • 09-06-2018
    Con bạn đã được 33 tháng tuổi! Trong tháng này, bạn hãy sẵn sàng để đón nhận những bước tiến lớn trong kỹ năng giao tiếp của bé. Hầu hết các bé ở tuổi này vẫn phải rèn luyện rất tích cực để cải thiện kỹ năng vận động thô (chuyển động cả cơ thể) và vận động tinh (bàn tay và ngón tay)