Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 47

Mặc dù tại thời điểm này, vốn từ ngữ của bé ngoài “ba” “mẹ” cũng chỉ có thêm một vài từ có nghĩa mà thôi. Tuy nhiên, bé đã có thể bập bẹ được những câu ngắn với ngôn ngữ “ngoài hành tinh” của mình, và làm những hành động rõ ràng để bạn có thể dễ dàng hiểu được ý bé

Bé phát triển như thế nào?

Học hỏi nhiều hơn về ngôn ngữ

Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 47

Mặc dù tại thời điểm này, vốn từ ngữ của bé ngoài “ba” “mẹ” cũng chỉ có thêm một vài từ có nghĩa mà thôi. Tuy nhiên, bé đã có thể bập bẹ được những câu ngắn với ngôn ngữ “ngoài hành tinh” của mình và làm những hành động rõ ràng để bạn có thể dễ dàng hiểu được ý bé.
Bé đã có thể trả lời được một số câu hỏi đơn giản, và phản ứng chính xác với những câu lệnh bạn đặt ra cho bé. Ví dụ như, khi bạn hỏi “miệng con ở đâu?” hay “con thương ba mẹ để ở đâu?” thì bé có thể chỉ chính xác vào miệng hoặc vào đầu. Ngoài ra bé cũng biết từ chối mệnh lệnh của bạn bằng cách lắc đầu và ngược lại.

Giúp bé trở thành “công dân có ích”

Với những gì bé đã có thể tiếp thu bây giờ, thì đây chính là thời điểm tuyệt vời để bạn dạy cho bé cách giúp đỡ người khác. Nhấn mạnh những từ như “giúp mẹ…” hay  “cảm ơn!” khi bạn muốn bé giúp bạn dọn dẹp những đồ chơi bừa bãi quanh nhà. Mặc dù ban đầu bé sẽ không hiểu và làm ngay, nhưng hãy kiên nhẫn cho bé thêm thời gian để làm quen. Tại thời điểm này, bạn hãy luôn giữ kiên nhẫn khi tương tác với bé.

Gọi tên các đồ vật

Đã đến lúc bạn nên giúp bé hiểu được mối liên kết giữa các đồ vật và tên gọi của chúng, bạn càng dạy bé nhiều, thì vốn từ của bé sẽ tăng càng nhanh.
Hãy liên tục nói chuyện và chỉ cho bé tên của những vật dụng xung quanh bé. Đếm những bậc thang khi bạn bế bé lên lầu, nói tên và màu sắc của các loại rau củ và trái cây khi hai mẹ con cùng đi siêu thị. Cho bé xem tranh ảnh nhiều màu sách, chỉ vào những đồ vật, con vật có ở trong tranh và gọi tên chúng. Bạn có thể kiểm tra bé những gì bình thường bạn đã dạy bé, ví dụ như bạn hỏi bé “đâu là củ cà rốt” và chờ bé trả lời.
Thường xuyên hỏi ý kiến bé, ví dụ như bé thích mặc áo màu xanh hay màu vàng , thích chơi xe ô tô hơn hay chơi xếp gỗ màu… Trong mọi trường hợp bạn chỉ nên đưa ra cho bé hai lựa chọn mà thôi. Bé cũng có thể không trả lời, nhưng cứ kiến nhẫn chờ đợi, biết đâu một ngày nào đó, bạn sẽ cảm thấy bất ngờ trước những lựa chọn vô cùng thông minh của bé.

Tìm hiểu về: Mút tay

Có nên lo lắng khi bé mút tay?

Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 47

Không, vì mút tay được xem như một liệu pháp lành mạnh giúp bé tự làm dịu bản thân. Đó là khuynh hướng an ủi tự nhiên sau khi bé được sinh ra, vì vậy không nên lo lắng hay cảnh giác.

Mút tay có gây ra vấn đề về răng miệng hay không?

Các chuyên gia thống nhất rằng mút tay không hề gây nguy cơ bệnh răng miệng ở trẻ. Họ còn cho biết, những bé giữ thói quen mút ngón cái cho đến năm hai tuổi, răng vẫn phát triển tốt mà không bị ảnh hưởng gì. Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ còn khẳng định rằng, thậm chí nó còn an toàn khi bé 4 hoặc 5 tuổi - lúc răng vĩnh viễn đã bắt đầu xuất hiện.

Núm vú giả liệu có tốt hơn ngón tay?

Mút núm vú giả cũng là một cách để bé tự làm dịu bản thân, nhưng nó không tốt hơn mút ngón tay là bao vì đôi khi bé có thể sẽ phải phụ thuộc vào bạn nếu bé làm rơi vú giả xuống gầm cũi, làm mất hoặc làm bẩn.

Cuộc sống của bạn: Cắt giảm hóa đơn thực phẩm

Mặc dù chi phí dành cho việc mua sắm thức ăn hay các vật dụng gia đình luôn ở mức cao nhất so với các chi phí khác là điều bình thường và hợp lí, nhưng bạn hoàn toàn có thể cắt giảm chi phí này một cách dễ dàng để có thể tiết kiệm được một khoản đáng kể cho gia đình. Bởi vì bạn có rất nhiều lựa chọn thay thế như là:
Trước khi thay đổi  việc mua cái gì thì nên quan tâm tới mua khi nào. Hãy đi siêu thị hay đi chợ khi chồng hoặc ai đó có thể trông coi bé giúp bạn, hoặc bạn có thể chọn cách mua hàng online khi bé ngủ trưa…Bởi vì lúc này, bạn sẽ ít bị phân tâm và có nhiều thời gian để so sánh chất lượng và giá cả những thứ bạn cần mua, đồng thời sẽ hạn chế việc mua vội vàng dễ dẫn đến mua lố số lượng cũng như số tiền.
Mua như thế nào cũng rất quan trọng. Nhớ mang theo phiếu giảm giá hay thẻ khách hàng để được nhận các ưu đãi lớn nhỏ tại siêu thị. Luôn soạn sẵn một danh sách những món đồ cần mua, tránh mua dư, mua lố rồi lại bỏ thừa. Tận dụng các dịp khuyến mãi lớn ở các siêu thị, nhưng cũng đừng mua sắm quá lố những thứ không cần thiết với gia đình bạn.
Tiếp theo, nên xem xét thay đổi những gì cần mua. Nên mua thực phẩm với số lượng lớn nếu bạn thường xuyên nấu nướng, và tủ lạnh có đủ không gian để lưu trữ. Đôi khi bạn nên thay thế thịt bằng các thực phẩm có giá rẻ hơn. Hạn chế mua đồ ăn ngoài và đồ hộp tiện lợi, tự nấu ăn nếu bạn có thể, vì khi tự nấu, bạn có thể tiết kiệm được một khoản đáng kể.
Cuối cùng, Hãy chú ý đến nơi bạn mua sắm. Xem xét giá cả của những siêu thị, chợ xung quanh nhà bạn, cái nào rẻ hơn, tiện lợi hơn, hay thực phẩm đồ dùng phong phú hơn, tùy theo nhu cầu bạn có thể chọn sao cho hợp lý. Nếu gia đình bạn có nhiều thành viên, bạn có thể xem xét mua đồ ở những siêu thị bán sỉ như Metro... Các chợ nông sản, chợ đầu mối, chợ địa phương có thể là nơi tuyệt vời khi bạn muốn mua thực phẩm, rau củ theo mùa.

(Nguồn tham khảo: babycenter)

Biên dịch bởi Wellcare

- 07-06-2018 -

Bài viết liên quan