Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 35

Trước đây thị lực của bé chỉ là 20/40, nhưng bây giờ tầm nhìn của bé hệt như người lớn với khả năng phân biệt rõ ràng màu sắc và chiều sâu. Mặc dù bé nhìn tốt nhất ở cự ly gần, nhưng tầm nhìn xa của bé cũng đủ tốt để nhận ra mọi người và đồ vật trong phòng...

Bé phát triển như thế nào?

Bé đã nhìn rõ

Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 35

Trước đây thị lực của bé chỉ là 20/40, nhưng bây giờ tầm nhìn của bé hệt như người lớn với khả năng phân biệt rõ ràng màu sắc và chiều sâu. Mặc dù bé nhìn tốt nhất ở cự ly gần, nhưng tầm nhìn xa của bé cũng đủ tốt để nhận ra mọi người và đồ vật trong phòng. Bé có thể thấy đồ chơi ở phía bên kia của căn phòng và cố gắng bò đến lấy. Màu mắt của bé cũng gần như là ổn định, mặc dù sau này có thể có những thay đổi rất nhỏ.

Sử dụng nhuần nhuyễn bàn tay

Bé bắt đầu tìm kiếm những vật bị rơi và dùng ngón trỏ để chỉ vào chúng. Bé dễ dàng sử dụng các ngón tay của mình để cào lấy một miếng thức ăn và cầm chặt trong tay. Bé cũng học được cách mở bàn tay để thả rơi hoặc ném vật với độ chính xác cao hơn. Bé đã thuần thục việc sử dụng kết hợp ngón tay cái và ngón trỏ.
Bé rất thích những vật có lỗ để chọc ngón tay vào và biến đây thành khoảng thời gian tuyệt vời để bày bừa khắp nhà.

Xoa dịu nỗi sợ của bé

Bé tỏ ra sợ hãi với những thứ bé không biết. Thậm chí những vật không làm bé khó chịu trước đây, như chuông cửa reng lên hay tiếng hú của ấm nước khi sôi, cũng khiến bé sợ hãi. Những lúc như vậy, điều quan trọng bạn cần làm là xoa dịu và trấn an bé. Nói với bé là bạn ở đây và bé không sao đâu - một cái ôm và vỗ về là tất cả những gì bé cần.

Ho ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân bé bị ho

Dành cho năm đầu đời của bé tuần 35

Ngay cả những bé khỏe mạnh cũng ho mỗi ngày. Thực tế, ho giúp bé thở tốt hơn nhờ tống những chất dịch tiết ra khỏi đường hô hấp. Ho thường kéo dài sau khi khỏi những triệu chứng khác do virus gây ra, nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy. Sau đây là một vài ví dụ:

  • Nếu bé thở khò khè hoặc thở hổn hển, bé có thể bị viêm tiểu phế quản do virus hợp bào hô hấp (RSV).
  • Nếu ho khan, bé có thể bị viêm thanh quản.
  • Nếu bé bị cảm lạnh kéo dài và ho dai dẳng vào ban đêm, thực tế bé có thể bị dị ứng hoặc viêm xoang.
  • Nếu ho không dứt, đột ngột mà không kèm theo bất kỳ triệu chứng cảm lạnh nào thì rất có thể bé đang lên cơn hen suyễn hoặc hít phải khí nào đó.
  • Nếu ho dai dẳng đi kèm với khó thở, sốt và lạnh người, bé có thể bị viêm phổi.
  • Nếu trẻ ho từng chập không dứt từ 20 - 30 giây và giữa mỗi chập ho có tiếng thở rít bất thường giống như cố gắng để thở sâu, thì rất có thể trẻ đã bị ho gà.
  • Nếu trẻ ho liên tục, có đờm gây khó thở, bạn nên đưa trẻ đi kiểm tra bệnh xơ nang.

Có thể cho bé uống siro trị ho hay thuốc ho khác được không?

Không tự tiện cho trẻ uống thuốc giảm ho, thuốc chống xung huyết hoặc thuốc kháng histamine được bán ở hiệu thuốc mà không tham khảo trước ý kiến của bác sĩ Nhi khoa. Trước tiên, bạn thử làm giảm chất nhầy hoặc dịch tiết bằng cách cho bé uống thêm nước và đặt máy hóa hơi trong phòng của bé vào ban đêm. Giữ bé trong phòng xông hơi cũng giúp bé dễ chịu và thở tốt hơn. Nếu nghi ngờ chất gây dị ứng trong phòng bé là nguyên nhân khiến bé ho kéo dài, hãy bỏ thú nhồi bông và bộ trải giường bằng bông ra ngoài, không cho vật nuôi vào phòng bé và giữ phòng càng sạch sẽ càng tốt. Cần đảm bảo không cho bé tiếp xúc với khói thuốc trong nhà hoặc trong xe.

Khi nào nên gọi cho bác sĩ?

Trong trường hợp, ho làm bé không ăn uống hoặc không ngủ được thì bạn nên lưu tâm. Gọi ngay cho bác Nhi khoa nếu bé ho ra máu, khó thở, hoặc có bất kỳ triệu chứng của bệnh nghiêm trọng nào, chẳng hạn như sốt, nhịp tim tăng nhanh, lịm đi, hoặc nôn ói. Bạn cũng nên gọi cho bác sĩ nếu bé nuốt hoặc hít phải vật gì đó nhưng bé trông có vẻ vẫn ổn. Nếu bé không thể thở hoặc mất ý thức, lập tức sơ cứu hoặc hồi sức tim phổi cho bé và gọi ngay cấp cứu 115. Các bệnh như dị ứng, hen suyễn hoặc dị vật có thể gây ho mãn tính, đừng do dự gọi cho bác sĩ của bé nếu cơn ho thông thường kéo dài liên tục hơn 1 tuần.

Cuộc sống của mẹ: Khi việc chăm bé trở nên khó khăn

Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 35

Time-out là cách phạt không bạo lực mà cha mẹ của những trẻ lớn hơn thỉnh thoảng dùng để giúp trẻ trầm tĩnh suy nghĩ và sữa chữa hành vi của mình mà không chú ý gì đến trẻ. Time-out dành cho cha mẹ là cách để bạn tự thay đổi hành động của mình - bằng việc giải tỏa căng thẳng.
Nếu bé hiếu động, việc đi theo giữ bé khiến bạn cảm thấy kiệt sức. Tự cho phép bản thân thư giãn khi quá mệt mỏi giúp bạn cân bằng cuộc sống hơn.
Đặt bé trong sân để vui chơi trong thời gian ngắn khi bạn thấy quá sức. Nếu bé khóc vào ban đêm, hãy trấn tĩnh bản thân một lúc trước khi chạy đến xem có chuyện gì. Hít thở sâu hoặc đếm đến 10 trước khi giải quyết bất kỳ việc gì cũng là cách mà bạn duy trì trạng thái cân bằng trong những ngày tồi tệ. Bạn cũng nên ngủ khi bé ngủ. Và dĩ nhiên là chia sẻ bớt công việc cho chồng bạn khi có thể - không chỉ những lúc khó khăn.

(Nguồn tham khảo: babycenter)

Biên dịch bởi Wellcare

- 06-01-2021 -

Bài viết liên quan