Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 24

Khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, khả năng điều khiển tay của bé đã đủ phát triển để với lấy các vật nhỏ. Bé chưa thể cầm chắc một số món đồ nhưng vẫn có thể kéo chúng về phía mình. Bạn có thể giúp bé luyện tập kỹ năng này bằng cách đặt một món đồ chơi...

Bé phát triển như thế nào?

Khám phá với đôi tay của mình

Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 24

Khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, khả năng điều khiển tay của bé đã đủ phát triển để với lấy các vật nhỏ. Bé chưa thể cầm chắc một số món đồ nhưng vẫn có thể kéo chúng về phía mình.
Bạn có thể giúp bé luyện tập kỹ năng này bằng cách đặt một món đồ chơi ở ngoài tầm với của bé để bé từ từ kéo nó lại gần. Trong một vài tháng tiếp theo, bé sẽ học được cách nắm lấy những món đồ lớn hơn và tập chuyền nó từ tay này sang tay kia.

Bé già dặn hơn

Bây giờ, bé có thể nhìn thấy và nghe thấy mọi thứ xung quanh giống như bạn. Kỹ năng giao tiếp của bé cũng phát triển nhanh chóng, bằng chứng là bé hét lên, tạo ra âm thanh như bọt bong bóng vỡ... Âm thanh phát ra từ bé cho bạn thấy thái độ hoặc phản ứng của bé như hạnh phúc, háo hức, hoặc thậm chí là hài lòng.
Ở tuổi này, một nửa số trẻ em đã có thể bập bẹ, lặp đi lặp lại một âm tiết như 'ba', 'ma', 'ga', hoặc kết hợp nhiều phụ âm - nguyên âm khác. Một số thậm chí còn nói thêm một hoặc hai âm tiết, làm cho âm thanh của bé phức tạp hơn.
Bạn có thể khuyến khích bé nói bằng cách mô phỏng một vài âm thanh thường xảy ra trong cuộc sống hoặc phát ra từ các món đồ chơi của bé (Con cừu kêu 'beeee”  hoặc con mèo kêu “meo...meo”).
Bé cũng sẽ rất hào hứng nếu bạn lắng nghe và tỏ ra bạn hiểu những gì bé nói. Hãy giả vờ trò chuyện nghiêm túc cùng bé: đặt câu hỏi và chờ đợi câu trả lời từ bé.

Tìm hiểu về: Các loại vắc-xin

Những loại vắc xin nào dành cho trẻ 6 tháng tuổi?

Dành cho năm đầu đời của bé – Tuần 24

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị cho bé tiêm HBV, DTaP, PCV, Hib và vắc-xin ngừa vi rút Rota. Thuốc chủng ngừa viêm gan B (hay HBV) bảo vệ chống lại virus gây bệnh viêm gan B; chủng ngừa DTaP bảo vệ chống lại các virus gây bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, và  PCV (vắc-xin phế cầu khuẩn) bảo vệ chống lại các nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não do vi khuẩn, viêm phổi và viêm tai; vắc-xin Hib bảo vệ chống lại vi khuẩn Haemophilus influenzae loại b (loại có thể gây viêm màng não do vi khuẩn, viêm phổi, hoặc viêm nắp thanh quản) và vắc-xin ngừa vi rút Rota bảo vệ chống lại một loại virus gây ra bệnh cúm dạ dày. Ngoài ra, nếu gia đình bạn đi du lịch ngay trong mùa cúm, bé có thể được tiêm mũi ngăn ngừa cúm.

Làm thế nào để giảm thiểu đau đớn cho bé khi tiêm?

Bạn có thể giữ bé trong lòng thay vì cho bé nằm trên giường khám. Giữ bình tĩnh và đánh lạc hướng bé bằng cách nói chuyện thật vui vẻ và nhẹ nhàng. Bé sẽ bắt nhịp với giai điệu và ngôn ngữ cơ thể của bạn. Đưa cho bé bình sữa, cho bé bú, hoặc dùng núm vú giả để dỗ khi bé khóc. Có một số bằng chứng cho thấy bé sẽ ít khóc và ít đau hơn khi được cho bú lúc tiêm. Nhìn chung việc tiêm ngừa luôn gây đau lòng (xót con) cho cha mẹ nhiều hơn là gây đau đớn cho bé vì các bé có xu hướng vượt qua được khó khăn một cách nhanh chóng.

Nếu hiện tại bé khỏe mạnh thì bé có cần tiêm vắc xin không?

Những mũi tiêm mà bé nhận được cho đến nay không đủ để bảo vệ toàn diện cho bé. Ngày nay nhiều loại vắc xin được cho vào sử dụng cùng một thời điểm để cung cấp miễn dịch đầy đủ hơn cho bé. Tiêm chủng giúp chống lại những căn bệnh hiểm nghèo có thể gây tử vong ở trẻ. Những rủi ro của việc không được tiêm chủng vượt xa các tác dụng phụ khi tiêm (bao gồm khó chịu, sốt, nổi đỏ tại các vị trí trên cơ thể, và khóc. Phản ứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như động kinh và các phản ứng dị ứng, thì rất hiếm xảy ra). Trông nom bé một cách cẩn thận sau khi bé được tiêm phòng và báo ngay cho bác sĩ nếu bé có bất cứ triệu chứng nào nghiêm trọng hơn so với các phản ứng nhỏ thông thường.

Cuộc sống của bạn: Đối phó với tình trạng thiếu ngủ

Dành cho năm đầu đời của bé – Tuần 24

Nếu bạn luôn trong tình trạng thiếu ngủ, bạn cần thực hiện 3 điều dưới đây:

Cho bé ngủ nhiều hơn

Giai đoạn này, hầu hết các bé có thể ngủ một giấc từ đêm đến sáng (thường kéo dài 5 - 6 giờ). Nếu như con bạn không thể ngủ sâu như vậy, bạn có thể tham khảo một số phương pháp hướng dẫn giúp cải thiện giấc ngủ của bé và chọn ra một cách thích hợp nhất với bé.

Bạn nên ngủ nhiều hơn

Thử một vài mẹo dưới đây:

  • Tranh thủ ngủ một giấc ngắn vào giờ nghỉ trưa ở cơ quan hay ở nhà.
  • Đơn giản hóa hay chuyển giao các công việc thường nhật ở nhà cho người khác để bạn có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.
  • Đi ngủ sớm hơn bằng cách để chồng phụ bạn ru bé ngủ.
  • Hình thành một thói quen ngủ có kế hoạch. Cố gắng thức dậy hoặc ngủ đúng giờ mà bạn đặt ra.

Có một giấc ngủ thật sự chất lượng

Một số cách để bạn thực hiện được điều đó:

  • Hỏi bác sĩ về các loại thảo mộc an thần hoặc những toa thuốc điều hòa giấc ngủ an toàn nếu bạn gặp tình trạng mất ngủ.
  • Làm cho phòng ngủ của bạn trở nên đẹp và có thể khiến bạn thoải mái hơn. Giữ mọi việc ở cơ quan cũng như việc nhà ra xa giường ngủ của bạn. Điều chỉnh ánh đèn, nhiệt độ, và âm thanh trong phòng theo ý thích của bạn. Nhìn chung, một căn phòng tối, hơi lạnh, và yên tĩnh là một lựa chọn tốt.
  • Thư giãn trước khi ngủ để có thể ngủ nhanh và sâu hơn. Những cách cách giúp bạn thả lỏng trước khi đi ngủ bao gồm uống sữa, tập yoga, tập những bài thể dục thư giản cơ, hít thở sâu, tắm và mát xa.
  • Chăm sóc bản thân bằng những cách khác như: ăn nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tránh xa những thứ chứa caffeine và tập thể dục thường xuyên. Cố gắng làm hết những việc nặng nhọc vào buổi sáng, buổi tối hãy tập trung thư giãn và chìm vào giấc ngủ.

(Nguồn tham khảo: babycenter)

Biên dịch bởi Wellcare

- 06-01-2021 -

Bài viết liên quan