Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 19

Em bé 19 tuần tuổi phát triển như thế nào? Chăm sóc trẻ sơ sinh 19 tuần tuổi như thế nào? Bé bắt đầu cười lớn thành tiếng khi bạn làm bé bất ngờ, đồng thời bé có thể khám phá mọi thứ và phân biệt các màu sắc khác nhau... Trong giai đoạn này, bé có nguy cơ nhiễm vi rút RSV gây các triệu chứng cảm lạnh vào mùa đông... 

Bé phát triển như thế nào?

Những tràng cười đáng yêu

Dành cho năm đầu đời của bé - Tuần 19


Mặc dù khóc vẫn là cách bé giao tiếp mạnh mẽ nhất với mọi người xung quanh, nhưng từ tháng thứ 5 trở đi, bé cũng đã phát triển khả năng hài hước của mình. Bé bắt đầu cười lớn thành tiếng khi bạn làm bé bất ngờ bằng trò ú òa hay khi nghe được những âm thanh vui nhộn phát ra từ những món đồ chơi...
Bạn có thể tập cho bé cười nhiều hơn, cười lớn, cười khúc khích, cười mỉm chi bằng cách làm hàng tá những điều ngớ ngẩn cùng bé. Bé rất thích thú khi được nghe nhiều âm thanh khác nhau, nhưng không cần thiết phải mua đồ chơi phát nhạc mắc tiền mà chỉ cần bạn thổi sáo hay mô phỏng âm thanh những con thú cho bé nghe, tin chắc rằng bé sẽ vô cùng vui vẻ.

Khám phá mọi thứ

Khuyến khích bé tự trải nghiệm và chơi cùng nhiều đồ vật đa dạng. Một vài thứ đơn giản như tã vải sạch cũng khiến bé tò mò và nghiên cứu trong vài phút. Bé dường như bị hút vào những đồ vật mà bé thích thú, nắm lấy nó và tìm tòi khám phá rồi ngấu nghiến nó.
Hãy đưa cho bé một cái lúc lắc, chắc chắn bé sẽ cảm thấy thú vị với những âm thanh do chính bé tạo ra.

Phân biệt các màu sắc khác nhau

Bé thấy được màu sắc ngay từ lúc lọt lòng, nhưng lại gặp khó khăn trong việc phân biệt những màu sắc gần giống nhau, ví dụ như đỏ và cam. Còn những màu như đỏ, xanh, vàng thì bé có thể nhận ra được sự khác nhau giữa chúng. Do đó, những em bé dù nhỏ nhất vẫn thấy được sự đối lập rõ ràng giữa màu trắng và màu đen.
Với những em bé được 19 tuần tuổi, sự khác nhau giữa các màu sắc trở nên rõ ràng hơn, bé cũng đã biết phân biệt được những màu tương tự nhau. Hãy cho bé chơi và tiếp xúc với đồ chơi, sách, hay quần áo có nhiều màu sắc.

Tìm hiểu về: Vi rút hợp bào hô hấp (RSV)

RSV là gì?

Dành cho năm đầu đời của bé – Tuần 19


RSV, hay còn gọi là vi rút hợp bào hô hấp, gây ra các triệu chứng cảm lạnh vào những tháng mùa đông. Đây không phải là một loại vi rút nguy hiểm, nhưng có thể dẫn tới nhiễm trùng tai, viêm tiểu phế quản, viêm phổi hoặc có thể biến chứng thành hen suyễn hoặc các bệnh nghiêm trọng khác về hô hấp. Phần lớn trẻ em sẽ nhiễm phải vi rút trong 2 năm đầu đời, nhưng RSV lại rất nguy hiểm đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bé sinh non, hoặc những bé có hệ miễn dịch yếu.

Dấu hiệu nhiễm RSV?

Ban đầu, bé chỉ bị cảm lạnh thông thường nhưng vài ngày sau đó, bé sẽ ho nặng hơn và thở khó khăn hơn. Đó là vì vi rút lúc này đã xâm nhập vào các tiểu phế quản, làm cho chúng sưng lên và tiết ra chất nhầy, khiến đường thở bị tắc nghẽn. Dấu hiệu cho thấy bé bị nhiễm trùng nghiêm trọng: mũi phồng to, lồng ngực mở rộng, cơ bụng thắt chặt lại, thở khò khè, thở nhanh (60 lần/phút), môi và móng tay tím tái...

Phải làm gì khi bé nhiễm RSV?

Gọi thoại - gọi video khám từ xa với bác sĩ Nhi khoa hoặc đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ khám kĩ đường hô hấp của bé. Tại đây, bé sẽ được các bác sĩ điều trị bằng thuốc làm giãn phế quản dạng hít để thở dễ dàng hơn. Bởi vì RSV là một dạng vi rút nên không thể sử dụng kháng sinh. Bạn cũng có thể làm giảm các triệu chứng bệnh tại nhà bằng cách cung cấp đủ nước cho cơ thể bé, tránh xa những nơi có bụi bặm và khói thuốc.
Nhiều bé muốn được cho bú hoặc cho ăn nhiều lần hơn bằng cách chia nhỏ khẩu phần ăn, vì lúc này, bé cảm thấy khó khăn trong việc vừa ngậm thức ăn vừa thở. Giảm cảm giác khó thở cho bé với dung dịch nước muối nhỏ mũi, dụng cụ hút mũi, máy xông hơi phun sương, hoặc giữ cho đầu bé cao hơn một chút khi ngủ (như lót một cái khăn dưới đệm của bé, không nên sử dụng gối để kê đầu bé). Bạn có thể cho bé uống acetaminophen nếu bé bị sốt, nhưng tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc khác nếu không có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Đối với những bé sinh non hoặc gặp các vấn đề về tim và phổi, bé cần được tiêm các mũi tiêm như mũi cảm cúm trong suốt mùa bệnh RSV để cơ thể được bảo vệ khỏi vi rút.

Cuộc sống của bạn: Bơm hút sữa

Dành cho năm đầu đời của bé – Tuần 19


Nhiều bà mẹ vẫn trong quá trình cho con bú nhưng phải trở lại làm việc nên đã nghĩ ra cách hút trữ sữa vào giờ nghỉ tại nơi làm việc. Điều này giúp duy trì nguồn sữa của bạn, đồng thời để trữ vào chai cho bé bú dần. Nhưng việc này có thể khá khó với nhiều bà mẹ, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên. Dưới đây là những mẹo nhỏ để việc hút sữa dễ dàng hơn:

  • Luyện tập tại nhà. Hãy làm quen với máy bơm hút sữa, và các bước thực hiện trước khi bạn đi làm trở lại. Nhiều bà mẹ ngày nay chọn cách sử dụng máy hút sữa chạy bằng điện, loại máy này cho phép hút sữa hiệu quả hai bên vú chỉ trong một lần thực hiện. Tiếp đó bạn nên cân nhắc đến những phụ kiện hút sữa tiện lợi như áo ngực hút sữa rảnh tay, túi đựng sữa có thể dùng trong lò vi sóng, hoặc túi trữ sữa thông thường… Hãy luôn giữ tươi sữa trong tủ lạnh khi bạn làm việc. Nếu nơi bạn làm không có tủ lạnh, bạn cần đem theo túi đông, hay chườm lạnh.
  • Nói cho quản lý biết tình huống của bạn. Nhiều công ty sẽ có sẵn những nơi riêng tư tiện cho việc hút sữa, còn nếu công ty bạn làm thuộc kiểu văn phòng mở, thì bạn cần sắp xếp với quản lí để tìm nơi phù hợp cho bạn thoải mái hút sữa.
  • Hút sữa đều mỗi ngày. Nếu có thể, cứ cách mỗi 3 giờ hãy hút sữa một lần. Nhớ bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể giữa mỗi lần hút.
  • Thư giản những lúc chán nản. Nhiều mẹ giữ ảnh của con hay mang theo những đồ vật có mùi của bé để lấy làm động lực và là cách để thư giãn. Nghe những bài hát ru mà bạn thường hát cho bé nghe hay đơn giản là nhớ lại những hình ảnh dễ thương của bé cũng giúp bạn rất nhiều trong việc duy trì thói quen hút sữa.

(Nguồn tham khảo: babycenter)

Biên dịch bởi Wellcare

- 06-01-2021 -

Bài viết liên quan