Chậm phát triển ở trẻ

Các mẹ hay hỏi: "Sao con chưa biết bò/đứng/đi … Con phát triển vậy có chậm không? Vậy sữa em không tốt hay sao? Em có cần bổ sung sữa công thức hay không?" Mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển riêng. Một số bé 8 tháng đã có thể đi, một số bé khác thì biết đi lúc 15 tháng. Hay khi được 15 tháng một số bé đã nói rất giỏi, nhưng một số khác thì mới bắt đầu bập bẹ những từ đầu tiên.

Image result for Chậm phát triển ở trẻ

Chậm phát triển ở trẻ. (Ảnh minh họa)

Bài viết dưới đây chủ yếu tập trung vào sự phát triển về vận động và xã hội của bé.

Dấu hiệu chậm phát triển ở trẻ

Nếu đến những độ tuổi dưới đây mà bé của mẹ vẫn chưa đạt được những kỹ năng vận động tương ứng, hãy báo với bác sĩ. Chú ý những mốc thời gian dưới đây là mốc xác định của sự chậm phát triển, chứ không phải mốc phát triển thông thường của các bé!

Những kỹ năng vận động

  • 4 tháng tuổi vẫn chưa tự nâng đầu ở tư thế nằm.
  • 7 tháng tuổi vẫn chưa lật từ ngửa sang sấp và ngược lại.
  • 9 tháng tuổi vẫn chưa thể ngồi vững trong lòng mẹ.
  • 12 tháng vẫn chưa bò hoặc lết bằng.
  • 17 tháng vẫn chưa biết đi.

Kỹ năng phối hợp tay và mắt

  • 4 tháng vẫn chưa dùng mắt nhìn theo ngón tay bạn di chuyển và vẫn chưa nắm chặt ngón tay.
  • 6 tháng vẫn chưa dùng tay một cách có chủ ý để nắm bắt một vật gì đó (ví dụ món đồ chơi).
  • 9 tháng vẫn chưa nắm được món đồ chơi một cách chính xác và nhanh.
  • 12 tháng vẫn chưa phối hợp ngón cái và ngón trỏ để bóc một vật, hay vẫn chưa cầm được ca nước để uống.
  • 15 tháng vẫn chưa dùng ngón trỏ để chỉ một vật hay vẫn chưa xếp hình.
  • 18 tháng vẫn chưa cố gắng tự ăn bằng muỗng hay chưa bắt chước được một số hành động như chải đầu, nghe điện thoại.

Chậm phát triển về mặt xã hội

  • 4 tháng vẫn chưa cười đáp trả lại với mẹ.
  • 6 tháng vẫn chưa cười to, không có nhiều kiểu khóc, không vẫy tay, hay đá chân vào một vật bé muốn.
  • 9 tháng vẫn không bắt chước các trạng thái nét mặt của mẹ hay không bắt chước một số âm thanh, hay bé không tự tương tác trước.
  • 12 tháng vẫn không có đáp ứng khi được gọi tên, không vẫy tay "bye bye", không giơ tay đòi bế.
  • 15 tháng vẫn không hiểu ý nghĩa của từ “Không” và một số từ đơn giản khác, không nhìn xung quanh để tìm một vật “x” nếu bạn hỏi “Cái x ở đâu?”
  • 18 tháng không nhận diện được một số bộ phận trên khuôn mặt, không yêu cầu một điều gì đó bằng cách chỉ trỏ và không cười khi nhìn vào một vật trông buồn cười.

Nếu bé không làm được một trong những việc trên thì không có nghĩa là bé chậm phát triển. Tuy nhiên, đây là những mốc mà mẹ cần lưu tâm xem bé có làm được hay không để bác sĩ có thể khám bé một cách toàn diện.

Những bé nào có nguy cơ chậm phát triển?

Bất kỳ bé nào cũng có thể chậm một vài kỹ năng nào đó, nhưng có một số điều kiện góp phần làm bé có nguy cơ chậm phát triển:

  • Bé sinh sớm
  • Bé sinh khó
  • Bé có dị tật bẩm sinh
  • Bé bất thường về thần kinh, ví du như co giật
  • Những bé bị bệnh phải nhập viện điều trị trong những tháng đầu đời.

Điều trị chậm phát triển ở trẻ

Hãy dẫn bé đến bác sĩ hoặc Gọi thoại - Gọi Video khám từ xa với bác sĩ chuyên khoa Nhi để được tư vấn và chẩn đoán chính xác.

Không ai khác ngoài cha mẹ là liều thuốc tốt nhất. Cha mẹ hãy tích cực giao tiếp với con, nói chuyện, hát, mỉm cười. Sự tham gia điều trị của cha mẹ là liệu pháp tốt hơn bất kỳ một cách thức điều trị nào.

BS Lê Ngọc Anh Thy

Chuyên viên tư vấn sữa mẹ quốc tế IBCLC

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan