Cần làm gì sau khi bé yêu bị té?

Trẻ em rất nhanh. Chỉ cần người lớn lơ là trong một vài giây, bé đã nhào ra khỏi ghế, giường và té xuống đất. Hầu hết bé nào cũng bị té ít nhất là vài lần kể từ khi học lật, bò, đi... Sau đây là một số việc cha mẹ cần lưu tâm sau khi con bị té...

Trẻ em rất nhanh. Chỉ cần người lớn lơ là trong một vài giây, bé đã nhào ra khỏi ghế, giường và té xuống đất. Hầu hết bé nào cũng bị té ít nhất là vài lần kể từ khi học lật, bò, đi... Chấn thương đầu thường gặp ở trẻ em hơn người lớn, do kích cỡ đầu bé thường to hơn so với thân mình, các cơ cổ chưa phát triển vững chắc, nên bé không thể kiểm soát sự di chuyển của đầu tốt như người lớn. Hơn nữa, chiều dài chân ngắn hơn làm cho trọng tâm cơ thể nghiêng về phía đầu nhiều hơn.

(Ảnh minh họa)

Sau đây là một số việc cha mẹ cần lưu tâm sau khi con bị té:

• Đánh giá mức độ nặng: luôn để ý xem bé té từ độ cao bao nhiêu, bé rơi xuống va vào cái gì. Nếu bé đang chạy bị trợt chân và té xuống thảm thì “hậu quả” nhẹ hơn nhiều so với khi con rơi từ giường cao xuống gạch cứng hay té do va chạm xe máy. Lực càng mạnh va vào đầu thì bé càng có nguy cơ cao bị tổn thương não bộ.  

• Tìm những dấu hiệu của chấn thương: cần kiểm tra vùng đầu trước tiên, xem có sưng, bầm hay chảy máu không. Một vết rách nhỏ vùng đầu cũng có thể gây ra chảy máu nhiều, vì khu vực này có rất nhiều mạch máu. Tuy nhiên, nếu bạn tự cầm máu ở nhà được thì có thể không cần lo lắng nhiều. Hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nếu chảy máu liên tục khó cầm vì bé có nguy cơ mất máu nặng.  

• Một khối sưng bầm ở vùng da đầu cũng thường gặp sau khi bé té. Kích thước sưng to đôi khi không là vấn đề, tuy nhiên, khối sưng nhỏ có khi để lại hậu quả nghiêm trọng. Chườm lạnh sẽ giúp giảm đau, giảm sưng nhanh cho bé.  

• Nếu bạn không chắc hay không biết bé có nguy cơ chấn thương cổ không ( ví dụ như bé kêu đau cổ, khóc khi bạn đụng vùng cổ, khó cử động cổ, vùng cổ sưng to... ), nhất định là không được di chuyển bé mà hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. 

• Bé khóc quá nhiều cũng là một dấu hiệu lạ. Thông thường, bé sẽ dễ chịu khi được người thân dỗ dành sau khi té. Nếu bé vẫn cứ gây khóc khó dỗ nín, thì cần tìm những dấu hiệu chấn thương ở những cơ quan khác trên cơ thể bé mà nhiều khi vì mải lo vùng đầu mà cha mẹ quên quan sát tới. Khó thở, sốc, mất máu nhiều, gãy xương… cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Kiểm tra vùng răng miệng xem có tổn thương không...

Trong giai đoạn đầu, có thể sẽ khó phân biệt chấn thương đầu nhẹ hay nghiêm trọng. Cần theo dõi cẩn thận ít nhất 24 - 48 giờ để coi diễn tiến của bé, gặp bác sĩ ngay nếu bé có bất tỉnh, không tỉnh táo sau té, nhức đầu dai dẳng hoặc nhức đầu nặng dần, ói, quấy khóc nhiều, lừ đừ, buồn ngủ hay ngủ nhiều. Nếu sau khi té, bé vẫn chơi vui, thường thì bạn không cần lo lắng lắm.

Nhiều tai nạn có thể được phòng ngừa được, hãy tập bé sử dụng nón bảo hiểm, đai an toàn khi ngồi xe, ghế ngồi xe hơi riêng cho em bé nhỏ… Dạy bé tránh những việc hay những khu vực nguy hiểm ngay từ nhỏ để tạo thói quen tốt cho con.

Tài liệu tham khảo:

1. Head injury, age 3 and younger, topic overview https://www.webmd.com/…/head-injury-age-3-and-younger-topic… 

2. Bump on the head: when is it a serious injury? https://www.mayoclinic.org/…/exper…/head-injury/faq-20058442

BS Lưu Hồng Vân

Chuyên khoa Nhi, Phòng phám Quốc tế Victoria Healthcare

- 30-11-2018 -

Bài viết liên quan