Cần làm gì nếu thai nằm trong nhóm có nguy cơ cao?

Nếu thai kỳ của bạn nằm trong nhóm có nguy cơ cao, bạn sẽ cần chăm sóc đặc biệt hơn bình thường. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cho bạn các thông tin cần thiết.

Nếu bạn có thai kỳ nguy cơ cao, bạn hoặc con bạn có thể có nguy cơ cao gặp các vấn đề về sức khỏe trước, trong hoặc sau khi sinh. Thông thường, cần theo dõi hoặc chăm sóc đặc biệt trong suốt thai kỳ. Hiểu các yếu tố rủi ro của thai kỳ có nguy cơ cao và những gì bạn có thể làm để chăm sóc bản thân và em bé.

Các yếu tố rủi ro của một thai kỳ có nguy cơ cao là gì?

Một thai kỳ có nguy cơ cao đôi khi là kết quả của một tình trạng sức khoẻ có từ trước khi mang thai, hoặc cũng có thể là do tình trạng bệnh lý xảy ra với thai phụ hay thai nhi trong giai đoạn mang thai.

Các yếu tố cụ thể khác, góp phần khiến thai có nguy cơ cao bao gồm:

  • Tuổi thai phụ cao: nguy cơ rủi ro cao hơn đối với những phụ nữ trên 35 tuổi.
  • Lối sống: Hút thuốc lá, uống rượu và sử dụng ma túy bất hợp pháp có thể gây nguy hiểm cho thai kỳ.
  • Vấn đề sức khỏe của thai phụ: Huyết áp cao, béo phì, tiểu đường, động kinh, bệnh tuyến giáp, rối loạn tim hoặc máu, hen suyễn kém kiểm soát và nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ khi mang thai.
  • Biến chứng khi mang thai: Các biến chứng khác nhau xảy ra trong thai kỳ có thể để lại hậu quả, chẳng hạn như vị trí nhau thai bất thường, sự phát triển của thai nhi thấp hơn bách phân vị thứ 10 so với tuổi thai (thai nhi kém tăng trưởng) và nhạy cảm Rh (Rh Rhesus sensitization) — một tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra khi nhóm máu của bạn là Rh âm tính và nhóm máu của con bạn là Rh dương tính.
  • Mang đa thai: Nguy cơ cao hơn đối với phụ nữ mang thai nhiều hơn một bé.
  • Tiền sử mang thai: Tiền sử rối loạn tăng huyết áp liên quan đến thai kỳ, chẳng hạn như tiền sản giật, làm tăng nguy cơ mắc bệnh này trong lần mang thai tiếp theo. Nếu bạn đã từng sinh non trong lần mang thai trước hoặc bạn đã sinh non nhiều lần, bạn sẽ có nhiều nguy cơ sinh non trong lần mang thai tiếp theo. Hãy thảo luận thêm với bác sĩ về lịch sử mang thai và sinh nở của bạn.

Tôi có cần làm xét nghiệm nào đặc biệt không?

Tùy thuộc vào tình huống và thể trạng của bạn, bác sĩ có thể đề nghị:

  • Siêu âm đặc biệt hoặc có mục tiêu rõ ràng để xác định một nghi ngờ nào đó: Siêu âm thai nhi là một kỹ thuật hình ảnh sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh của em bé trong tử cung - nhắm vào một vấn đề nào đó mà bác sĩ đang nghi ngờ, chẳng hạn như sự phát triển không bình thường.
  • Sàng lọc DNA không có tế bào trước khi sinh (cfDNA): Trong quy trình này, DNA của mẹ và thai nhi được lấy từ ​​mẫu máu của mẹ và thai nhi được sàng lọc để đánh giá nguy cơ mắc các vấn đề về nhiễm sắc thể cụ thể.
  • Sàng lọc di truyền xâm lấn: Bác sĩ có thể đề nghị chọc ối hoặc lấy mẫu lông nhung màng đệm (chorionic villus sampling - CVS). Trong quá trình chọc ối, một mẫu nước ối sẽ được lấy ra khỏi tử cung, thường là làm sau tuần thứ 15 của thai kỳ. Chọc ối có thể xác định một số tình trạng di truyền cũng như các vấn đề nghiêm trọng về não hoặc tủy sống (dị tật ống thần kinh).

Trong CVS, một mẫu tế bào được lấy ra khỏi nhau thai. Thường được thực hiện giữa tuần 10 và 12 của thai kỳ, CVS có thể xác định một số vấn đề về di truyền.

  • Siêu âm chiều dài cổ tử cung: Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm để đo chiều dài cổ tử cung của thai phụ tại các cuộc hẹn khám thai để xác định mức độ của nguy cơ sinh non.
  • Xét nghiệm: Bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện xét nghiệm nước tiểu để phát hiện nếu có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu và sàng lọc các bệnh truyền nhiễm như HIV và giang mai.
  • Trắc đồ sinh vật lý (BioPhysical Profile): Siêu âm trước khi sinh này được thực hiện để kiểm tra sức khỏe của em bé. Kết quả có thể chỉ bao gồm siêu âm đánh giá sức khỏe của thai nhi, hoặc tùy thuộc vào kết quả siêu âm, sẽ có thể theo dõi thêm nhịp tim của thai nhi (Non-stress test hay NST).

Một số xét nghiệm chẩn đoán trước khi sinh — như chọc ối và lấy mẫu lông nhung màng đệm — có nguy cơ sảy thai nhỏ. Quyết định thực hiện các quy trình xét nghiệm sàng lọc này là tùy thuộc vào bạn và gia đình. Nếu quá lo lắng, hãy thảo luận thêm về những rủi ro và lợi ích mang lại với bác sĩ riêng của bạn.

Các dấu hiệu của một thai kỳ có nguy cơ cao

Tham vấn với bác sĩ về cách quản lý các vấn đề sức khoẻ mà bạn mắc phải trong thai kỳ và mức độ ảnh hưởng đến quá trình chuyển dạ và sinh nở ra sao. Bạn cũng nên gọi ngay cho bác sĩ nếu thấy có một trong các dấu hiệu sau đây:

  • Chảy máu âm đạo hoặc chảy dịch âm đạo
  • Đau đầu dữ dội
  • Đau hoặc chuột rút ở vùng bụng dưới
  • Giảm thai máy
  • Đau hoặc rát khi đi tiểu
  • Giảm thị lực, bao gồm mờ mắt
  • Sưng mặt, tay hoặc ngón tay đột ngột hoặc nghiêm trọng
  • Sốt hoặc ớn lạnh
  • Nôn hoặc buồn nôn dai dẳng
  • Chóng mặt
  • Có suy nghĩ làm hại bản thân hoặc em bé

Một thai kỳ có nguy cơ cao có thể có những thăng, trầm. Hãy cố gắng hết sức để luôn lạc quan khi thực hiện các bước để có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.

Nguồn: Mayoclinic - Biên dịch bơi Wellcare

- 25-04-2023 -

Bài viết liên quan