Cẩm nang mang thai - Thai kỳ tuần thứ 7

Tin tức nổi bật trong tuần này: bàn tay và bàn chân của bé đang nổi lên từ những cánh tay và chân cũng đang phát triển - mặc dù chúng trông giống như mái chèo với các ngón tay và ngón chân bé nhỏ, bạn vẫn có thể mơ mộng đến lúc có thể ôm ấp và cù vào
mang-thai-tuan-7

Bé đang phát triển thế nào?

Tin tức nổi bật trong tuần này: bàn tay và bàn chân của bé đang nổi lên từ những cánh tay và chân cũng đang phát triển - mặc dù chúng trông giống như mái chèo với các ngón tay và ngón chân bé nhỏ, bạn vẫn có thể mơ mộng đến lúc có thể ôm ấp và cù vào chúng. Về mặt cấu trúc, bé vẫn chỉ được coi là một phôi thai với một cái đuôi nhỏ, đó là một phần nối dài của xương cụt. Đuôi sẽ biến mất trong vòng một vài tuần, nhưng đó là thứ duy nhất sẽ chỉ nhỏ đi mà không phát triển thêm. Bé đã tăng gấp đôi kích thước so với tuần trước - được khoảng 1.2 cm, bé nhỏ như một quả việt quất.
Nếu bạn có thể nhìn vào bên trong tử cung, bạn sẽ nhận ra những nếp gấp mí mắt che phủ một phần đôi mắt, đôi mắt đã hơi có màu sắc, bạn cũng có thể nhìn thấy chóp mũi và tĩnh mạch nhỏ dưới làn da mỏng như giấy. Cả hai bán cầu não của bé đang phát triển, gan sản sinh ra các tế bào hồng cầu cho đến khi tủy xương tiếp quản vai trò này. Bé cũng có ruột thừa và tuyến tụy - nơi sẽ sản xuất nội tiết tố insulin để hỗ trợ hệ tiêu hoá. Một vòng ruột đang phát triển của bé lồng vào dây rốn, dây rốn có mạch máu riêng mang oxy và chất dinh dưỡng đến và đi từ cơ thể nhỏ bé.

mang-thai-tuan-7-2

Cuộc sống của bạn đã bắt đầu thay đổi chưa?

Tử cung đã tăng gấp đôi kích thước trong năm tuần vừa qua, việc ăn uống cũng diễn ra khó khăn - hoặc còn tệ hơn thế - do ốm nghén, ốm nghén sẽ có thể trở nên kinh khủng nhất trong tam cá nguyệt thứ nhất. (Nếu bạn không bị ốm nghén, chúc mừng bạn, bạn quá may mắn!)
Bạn có thể phải đi tiểu nhiều hơn bình thường, do lượng máu sản sinh thêm và các chất lỏng dư thừa được lọc qua thận. (Bây giờ, bạn tăng khoảng 10% máu so với trước khi có thai. Vào cuối thai kỳ, bạn sẽ tăng tổng cộng 40-45% lượng máu lưu thông qua tĩnh mạch nhằm đủ đáp ứng cho các nhu cầu cho đến khi bé đủ 9 tháng 10 ngày). Tử cung to ra, làm tăng áp lực lên bàng quang, cũng là nguyên nhân khiến cho bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn.
Khoảng một nửa số phụ nữ sẽ cảm thấy buồn nôn trong tam cá nguyệt đầu tiên, và sẽ hết buồn nôn vào khoảng tuần thứ 14, hầu hết những phụ nữ còn lại sẽ phải chờ đợi thêm một tháng hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, việc đi tiểu nhiều hơn bình thường thì sẽ không giảm đi. Trong thực tế, nghiên cứu đã cho thấy rằng cả tần số và lượng nước tiểu có xu hướng tăng trong suốt quá trình mang thai.

Ba câu hỏi về khám tiền sản

Một lúc nào đó trong vài tuần tới là thời điểm hoàn hảo cho bạn đi khám thai lần đầu. Chăm sóc thật tốt khi mang thai sẽ giúp cho bé có được một sự khởi đầu mạnh khỏe sau này.

Tôi nên chuẩn bị gì cho buổi khám thai đầu tiên?

Viết ra tất cả các câu hỏi và mang theo để có thể sử dụng thời gian thăm khám một cách hiệu quả và nhận được những lời khuyên bổ ích. Hãy đề cập đến tất cả mọi thứ khiến bạn băn khoăn, dù chỉ một chút. Ngoài ra, hãy:

  • Mang theo tất cả các đơn thuốc của bạn (thuốc không và có kê toa, bao gồm cả thực phẩm chức năng) để bác sĩ có thể giúp bạn quyết định xem có nên tiếp tục uống thuốc không.
  • Hãy nhìn vào lịch và đánh dấu ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối. Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ dựa vào đó để tính ngày dự sinh của bé. (Bạn cũng có thể tự đoán được ngày dự sinh cho mình.) Đừng lo lắng nếu bạn không nhớ hoặc có kinh nguyệt không đều - bác sĩ có thể lên lịch siêu âm sớm hơn để tính tuổi thai cho bạn.)
  • Hãy suy nghĩ về việc liệu bạn có muốn làm xét nghiệm tiền sản để xác định nguy cơ của các vấn đề về nhiễm sắc thể hoặc di truyền. Nếu bạn chưa từng thực hiện sàng lọc di truyền trước khi có thai, bạn có thể làm ngay lúc này. Bạn cũng có thể tầm soát các bệnh về nhiễm sắc thể như hội chứng Down.

Buổi khám thai sẽ diễn ra như thế nào?

Bác sĩ thường sẽ bắt đầu bằng cách hỏi bạn cảm thấy thể chất và tình cảm thế nào, bạn có bất kỳ khó chịu hay lo lắng nào không, và những câu hỏi liên quan khác. Bác sĩ cũng sẽ có những câu hỏi đặc biệt dành cho bạn, tùy thuộc vào tuổi thai và những mối lo ngại liên quan đến cá nhân bạn.
Mục tiêu của lần khám thai này là để xem thai kỳ của bạn là có vấn đề gì không và để cung cấp những thông tin giúp giữ cho bạn và bé khỏe mạnh. Nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng, huyết áp, và nước tiểu; đo bụng; kiểm tra vị trí của thai nhi; lắng nghe nhịp tim của bé; thực hiện các kiểm tra và các xét nghiệm khác; và theo dõi chặt chẽ các biến chứng nếu có và can thiệp nếu cần thiết.
Khi kết thúc buổi khám đầu tiên, bác sĩ sẽ xem xét những phát hiện nếu có, giải thích những thay đổi bình thường sẽ xảy ra từ lúc này cho đến chuyến thăm khám tiếp theo và những dấu hiệu cảnh báo mà bạn cần chú ý, tư vấn cho bạn về lối sống (như tầm quan trọng của dinh dưỡng lành mạnh và việc kiêng thuốc lá/rượu bia hoặc ma túy), đồng thời thảo luận về những ưu và khuyết điểm của các cuộc kiểm tra/xét nghiệm mà bạn có thể muốn thực hiện.

Nếu chồng cùng đi với tôi?

Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào bạn. Một số cặp vợ chồng nhận thấy được lợi ích từ việc đi khám cùng nhau - đặc biệt là khi có các yếu tố cần cân nhắc như: lần đầu tiên khám thai, siêu âm, và liệu có bất cứ kết quả kiểm tra quan trọng nào đó sẽ được tiết lộ. Dưới đây là những gì các cặp vợ chồng nói với BabyCenter: 57% phụ nữ mang thai tham gia cuộc thăm dò của chúng tôi cho biết họ luôn muốn chồng mình cùng tham dự các buổi khám thai với họ, và 37% các ông chồng nói họ tham gia tất cả các buổi khám thai của vợ.
Một số bà mẹ tương lai muốn chồng cùng tham gia trong mọi buổi khám thai.  Những người khác lại cảm thấy hạnh phúc khi đi riêng một mình? Còn bạn, bạn cảm thấy thế nào?

Hoạt động trong tuần này

Chụp ảnh bụng của bạn - Hãy nhờ ai đó chụp ảnh cho bạn trong tuần này. Trước khi cái thai bắt đầu hiện rõ. Sau đó tiếp tục chụp ảnh mỗi tháng một lần cho đến khi bé chào đời. Đó là một cách tuyệt vời để theo dõi tiến triển của thai kỳ, chắc chắn bạn sẽ thích những ảnh kỷ niệm đó. (Bạn có thể muốn chia sẻ chúng với Câu lạc bộ các bà mẹ tương lai.) Lời khuyên chụp ảnh đẹp: Hãy thử mặc trang phục giống nhau, đứng cùng một chỗ, và cùng một kiểu tạo dáng trong tất cả các lần chụp, bộ ảnh sẽ trông rất tuyệt đấy! Ảnh trắng đen, hay khỏa thân, hoặc bán khỏa thân đều sẽ rất đẹp!

(Nguồn: babycenter)

Biên dịch bởi Wellcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan