Cách xử trí khi trẻ mút tay

Mút tay hay mút bất cứ cái gì là một phần trong giai đoạn sớm của sự học hỏi và hình thành thói quen hết sức tự nhiên ở trẻ nhỏ. Gặp ở 75 - 90% số trẻ. Hành vi này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên và trẻ sẽ bỏ thói quen này cho đến khi được 4 - 5 tuổi.

Hành động mút tay ở trẻ

Ta biết rằng, hành vi mút tay hay bỏ đồ chơi vào miệng của các bé là hành vi nguy cơ của các bệnh truyền nhiễm trường gặp ở trẻ nhỏ, chẳng hạn như: cảm lạnh, tay chân miệng, tiêu chảy... Vậy nếu con bạn thường xuyên mút tay thì phải làm sao?

Mút tay hay mút bất cứ cái gì là một phần trong giai đoạn sớm của sự học hỏi và hình thành thói quen hết sức tự nhiên ở trẻ nhỏ, gặp ở 75 - 90% số trẻ. Hành vi này sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên và trẻ sẽ bỏ thói quen này cho đến khi được 4 - 5 tuổi.

(Ảnh minh họa)

Trẻ mút tay. (Ảnh minh họa)

Đối với bé dưới 6 tháng tuổi: ở thời kì này, hành động cho tay vào miệng là hoàn toàn tự nhiên, vì ở thời kì này bé có xu hướng cho mọi thứ vào miệng, gặm hoặc mút. Dần dần đa số các bé sẽ từ bỏ hành động này vì phát hiện có nhiều chuyện thú vị hơn cả mút tay. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi hành vi này hoàn toàn không phải vấn đề chúng ta cần quan tâm.

Đối với những bé đã qua 6 tháng tuổi, hành vi mút tay có thể là để giải tỏa sự nhàm chán. Khi môi trường xung quanh bé quá tẻ nhạt – bé có thể mút tay. Cha mẹ cần xem xét liệu mình đã dành nhiều thời gian ở cùng, trò chuyện và chơi cùng con chưa. Sau 6 tháng tuổi bé bắt đầu có tâm lí "lo lắng khi bị cách xa" người nuôi dưỡng chính – thường là mẹ. Nếu không phải loại tâm lí này – tức là cha mẹ đã dành nhiều thời gian chơi và yêu thương con thì việc bé hay mút tay cũng hoàn toàn không phải vấn đề gì to tát – chỉ là bé thấy tẻ nhạt nên mút tí mà thôi.

Có nên can thiệp khi trẻ mút tay hay không?

Nhìn chung, khi trẻ mút tay, trẻ có thể bị lây bệnh. Đặc biệt với những bé đi nhà trẻ - nơi được coi là cái ổ nhiễm trùng phong phú hoặc nếu trẻ cứ mút tay, núm vú... mãi cho tới tận khi hàm răng vĩnh viễn chuẩn bị mọc lên thì việc răng mọc lệch có thể xảy ra. Vì vậy giúp bé từ bỏ dần thói quen này một cách nhẹ nhàng cũng là việc nên làm.

Những việc không nên làm:

  • La mắng, giật tay trẻ ra khỏi miệng: điều này hoàn toàn không có lợi, trẻ dễ bị tổn thương và cảm thấy căng thẳng hơn trước hành động thô bạo như vậy. Trẻ sẽ nảy sinh tâm lí phản kháng và sẽ mút tay nhiều hơn.
  • Bôi thuốc đắng, cay, nghệ, dầu gió hay buộc băng gạc lên tay con để con không mút tay hoàn toàn không mang lại hiệu quả mà còn làm con thêm tự ti về bản thân mình.

Những việc nên làm:

  • Dành nhiều thời gian bên con, trò chuyện, chơi cùng con để con không rơi vào tâm lí "lo lắng khi bị cách xa". Nhất là với trẻ sau 6 tháng.
  • Luôn luôn giữ tay con sạch sẽ.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà bông là cách ngừa bệnh hiệu quả.
  • Hướng sự chú ý của con tới niềm vui khác: đồ chơi, gấu bông, các trò vui nhộn để con quên dần thói quen mút tay.
  • Với trẻ lớn một chút: có thể nói chuyện và khuyên con không nên mút tay. Nói về tác hại của nó . Có thể con sẽ hiểu và từ bỏ.

BS Trần Văn Công

Phòng khám Victoria Healthcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan