Bệnh tay - chân - miệng ở trẻ

Bệnh tay - chân - miệng rất dễ lây qua dịch tiết khi bé ho, sổ mũi, hoặc có tiếp xúc chung những đồ vật lây nhiễm như đồ chơi, tay nắm cửa, nước bọt, phân... Trong vòng 3 - 6 ngày, sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, bé sẽ bắt đầu sốt, mệt, đau miệng, khó ăn...

Tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm do siêu vi, thường do nhóm Coxsackie A16 hoặc Enterovirus 71 gây ra.

Bệnh tay - chân - miệng ở trẻ. (Ảnh minh họa)

Trẻ nào có nguy cơ bị bệnh tay - chân - miệng?

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ hơn 10 tuổi. Trẻ lớn hơn ít gặp do hệ miễn dịch đã phát triển tương đối đầy đủ, tuy nhiên thỉnh thoảng bệnh vẫn xuất hiện ở trẻ vị thành niên hoặc người lớn. Thường thì người lớn có mang siêu vi trong người mà không biểu hiện ra triệu chứng, nhưng vẫn có thể lây cho bé khác.

Bệnh đặc biệt hay gặp khi bé đi học, nơi đông trẻ em như khu vui chơi thiếu nhi. Một bé có thể bị tay - chân - miệng vài lần vì có nhiều chủng virus cùng gây ra bệnh này.

Triệu chứng của bệnh tay - chân - miệng

Bệnh rất dễ lây qua dịch tiết khi bé ho, sổ mũi, hoặc có tiếp xúc chung những đồ vật lây nhiễm như đồ chơi, tay nắm cửa, nước bọt, phân...

Trong vòng 3 - 6 ngày, sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, bé sẽ bắt đầu sốt, mệt, đau miệng, khó ăn.

Sau 1 - 2 ngày, những nốt đỏ, đau và lở hình thành trong khoang miệng của bé (bên trong môi, má, lưỡi, trên vòm họng). Những chấm đỏ hay bóng nước có thể thấy được trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông. Một số bé có đầy đủ triệu chứng này, một số bé thì triệu chứng xuất hiện ít hơn.

Điều trị bệnh tay - chân - miệng

Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh. Phần lớn các trường hợp tự thuyên giảm trong vòng 7 - 10 ngày.

Thuốc hạ sốt, giảm đau được sử dụng khi bé quá khó chịu vùng miệng, quấy khóc nhiều.

Ăn kem, uống nước lạnh hay sữa lạnh làm trẻ dễ chịu hơn.

Thức ăn mềm, lỏng giúp bé đỡ nhai làm hạn chế đau miệng, tránh thức ăn chua, nóng.

Giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé.

Biến chứng của bệnh tay - chân - miệng

Biến chứng thường gặp của bệnh tay - chân - miệng là mất nước, do những vết lở trong miệng làm trẻ đau, khó ăn, không muốn ăn. Một số trường hợp nặng có thể biểu hiện biến chứng bao gồm viêm màng não - viêm não, viêm cơ tim cấp.

Cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay nếu bé có dấu hiệu mất nước nặng, lừ đừ, quấy khóc nhiều, sốt kéo dài hơn 4 ngày, khó thở, nôn ói liên tục.

Phòng ngừa bệnh tay - chân - miệng

Bệnh chưa có vaccine phòng ngừa. Tuy nhiên, việc dạy trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, không đưa tay hay đồ chơi vào miệng, không ăn chung, ôm hôn bé bị tay chân miệng, rửa kỹ đồ chơi của bé, cho trẻ bệnh ở nhà đến khi các mụn nước lặn hết cũng giúp hạn chế được sự lây lan của bệnh. Cần lưu ý là virus vẫn còn tồn tại trong phân 1 - 2 tuần sau khi bé đã khỏi hẳn và vẫn có khả năng lây lan, nên cần dọn sạch phân của bé.

Nguồn tham khảo:
Hand- foot- and- mouth disease: https://www.mayoclinic.org/…/h…/symptoms-causes/syc-20353035
Hands, foot and mouth disease: https://www.cdc.gov/hand-foot-mou…/about/signs-symptoms.html

BS Lưu Hồng Vân

Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare

- 30-11-2018 -

Bài viết liên quan