Bệnh ban đào (Roseola) ở trẻ

Bệnh ban đào là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ em dưới 2 tuổi. Bệnh gây sốt cao từ 3 - 5 ngày sau đó phát ban. Đôi khi làm cha mẹ hoảng sợ vì bệnh sốt rất cao. Tuy nhiên, bệnh này không nguy hiểm và thường tự hết mà không cần điều trị.

Bệnh ban đào ở trẻ là gì?

Bệnh ban đào là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ em dưới 2 tuổi. Bệnh gây sốt cao từ 3 - 5 ngày sau đó phát ban. Đôi khi làm cha mẹ hoảng sợ vì bệnh sốt rất cao. Tuy nhiên, bệnh này không nguy hiểm và thường tự hết mà không cần điều trị.

(Ảnh minh họa)

Trẻ bị bệnh ban đào. (Ảnh minh họa)

Bệnh ban đào có nhiều tên gọi chẳng hạn như: bệnh thứ sáu, bệnh giả rubella, bệnh sốt 3 ngày...

Cần phân biệt bệnh ban đào với một số bệnh có triệu chứng tương tự như:

  • Bệnh rubella
  • Bệnh sởi
  • Bệnh thứ 5 (bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn)
  • Dị ứng thuốc: đặc biệt là ở những bé được dùng kháng sinh sau đó phát ban
  • Viêm họng liên cầu
  • Nhiễm siêu vi đường ruột
  • Viêm đường tiểu có sốt.

Nguyên nhân gây ra bệnh đào ban 

Human herpesvirus 6 (HHV-6) được tìm thấy trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh ban đào ở trẻ.

90% là trẻ dưới 2 tuổi mắc bệnh ban đào. Đặc biệt là trẻ từ 7 - 13 tháng tuổi.

Triệu chứng của bệnh ban đào 

  • Sốt: có thể sốt cao 40 –trên 40 độ C, kéo dài 3 - 5 ngày
  • Phát ban: ban xuất hiện khi khi sốt bắt đầu giảm. Đầu tiên xuất hiện ở cổ, ngực, bụng sau đó lan lên mặt và tứ chi. Ban màu đỏ hay hồng thường là không ngứa, ban có thể mịn hay hơi sần lên. Ban thường kéo dài 1 - 2 ngày rồi hết. Tuy nhiên cũng có trường hợp nổi ban rồi tự hết sau 2 - 4 giờ.

Mặc dù bị sốt và nổi ban nhưng hầu hết các bé tổng trạng đều tốt. Ngoài sốt và phát ban một số triệu chứng kèm theo có thể gặp gồm:

  • Có vẻ mệt mỏi
  • Cáu gắt
  • Biếng ăn
  • Phù nhẹ mi mắt
  • Sưng hạch cổ hoặc sau tai.

Cách xử trí bệnh ban đào

Khi con bạn bị sốt:

  • Đưa cho bé nhiều nước để uống, hãy gọi cho bác sĩ nếu con bạn không thể uống nước hay không chịu uống nước trong vòng vài giờ liên tục
  • Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi
  • Các thuốc như paracetamol có thể giúp giảm sốt nhưng thường thì trẻ không cần đến nó trừ phi chúng thấy khó chịu (đừ, quấy...) hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đưa thuốc cho con
  • Không bao giờ được cho con uống aspirin, aspirin có thể gây ra một tình trạng rất nguy hiểm gọi là hội chứng REYE- có thể nguy hiểm tính mạng trẻ.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Hãy đưa bé tới gặp bác sĩ nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau:

  • Nhỏ hơn 3 tháng tuổi và nhiệt độ đo ở trực tràng lớn từ 38 độ C trở lên. Tất cả trẻ dưới 3 tháng bị sốt đều phải tới gặp bác sĩ dù trông chúng có khỏe mạnh đi chăng nữa.
  • Trẻ từ 3 - 36 tháng tuổi bị sốt kéo dài trên 3 ngày. Đi khám ngay nếu con bạn trông rất mệt mỏi, cáu gắt bứt rứt, từ chối uống nước.
  • Trẻ từ 3 - 36 tháng tuổi bị sốt từ 39 độ C trở lên (đo ở trực tràng).
  • Trẻ ở bất kì tuổi nào cần được đi khám bác sĩ ngay nếu có ít nhất một trong các điểm sau:
    • Sốt cao từ 40 độ trở lên
    • Co giật
    • Hết sốt rồi sốt lại 
    • Sốt và kèm theo các bệnh nền như: bệnh tim, ung thư, lupus, hồng cầu hình liềm...
    • Sốt kèm phát ban.

Điều trị bệnh ban đào ở trẻ

Thường thì cũng không cần chữa trị, bệnh sẽ tự hết sau vài ngày. Đôi khi cũng cần thuốc hạ sốt nếu trẻ cần hạ sốt.

BS Trần Văn Công

Phòng khám Victoria Healthcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan