Bé của mẹ đã 15 tháng tuổi

Bé có thể thích sách… kéo chúng ra khỏi kệ, xếp chồng lên nhau, gặm sách hay lật các trang sách. Thỉnh thoảng, bé chỉ ngồi yên lặng, vui vẻ và nhìn vào những bức ảnh trong sách. Đôi khi bé ở tuổi này ngồi yên, một số thì không, nhưng đừng mất hi vọng

Tuần 1

Làm quen với sách

Bé của mẹ đã 15 tháng tuổi

Bé có thể thích sách… kéo chúng ra khỏi kệ, xếp chồng lên nhau, gặm sách hay lật các trang sách. Thỉnh thoảng, bé chỉ ngồi yên lặng, vui vẻ và nhìn vào những bức ảnh trong sách. Đôi khi bé ở tuổi này ngồi yên, một số thì không, nhưng đừng mất hi vọng nếu bé cứ nhấp nhổm trong giờ đọc sách.
Hãy kiên trì giới thiệu cho bé vài quyển sách và dần dần bé sẽ thích việc ngồi yên và lắng nghe những câu chuyện. Đọc to giúp bé mở rộng vốn từ vựng, trải nghiệm niềm vui kể chuyện và lắng nghe. Về lâu dài, đọc sách sẽ trở thành một trong những hoạt động bổ ích mà bạn và bé cùng làm, giúp bé hiểu được thế giới xung quanh vận hành như thế nào và khơi dậy lòng ham học ở bé.
Sách bìa cứng là lựa chọn hoàn hảo cho bé vì trang sách dày dặn giúp bé lật dễ dàng. Hãy chọn sách với những hình ảnh to, rõ, tươi sáng và hỏi bé trong khi bạn đọc: Con có tìm thấy con chó không? Con chó nói gì? Người mẹ đứng ở đâu?
Nếu bé mất dần hứng thú với một quyển sách, hãy chọn một quyển khác, có lẽ là quyển nào đó có vần điệu. Hãy để bé giúp bạn lật các trang sách. Nếu hiện tại bé không muốn xem sách thì hãy chọn một lúc khác. Giờ đi ngủ hoặc trước giấc ngủ trưa là thời điểm lý tưởng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng lại kết thúc khi nhân vật chính chìm vào giấc ngủ.
Bé mới biết đi thường muốn nghe đi nghe lại một câu chuyện. Sự lặp lại giúp bé học từ ngữ và quen thuộc với tình huống của truyện.

Những lời tạm biệt khó khăn

Làm sao bạn có thể nói tạm biệt dễ dàng hơn khi bé đang trong giai đoạn lo lắng bị xa cách? Lặng lẽ rời đi dường như là một lựa chọn dễ dàng nhưng thực tế lại làm tăng nỗi bất an ở bé. Nếu bé nghĩ bạn có thể biến mất bất cứ lúc nào, bé sẽ không để mất dấu bạn đâu. Nên hãy luôn nói tạm biệt khi bạn rời đi.
Hãy tạm biệt thật dứt khoát dù cho con bạn đang òa khóc. Bé sẽ vượt qua nỗi buồn cách xa còn nhanh hơn cả bạn đấy!

Tuần 2

“Tranh giành quyền lực”

Bé của mẹ đã 15 tháng tuổi

Bé sẽ sớm khám phá ra ý muốn của mình. Bản tính nghe lời của một bé 15 tháng tuổi có thể thay đổi nhanh chóng chỉ sau một đêm. “Không” trở thành từ hay nói của bé.
Hành vi cứng nhắc hay ngược ngạo cho thấy bé đang bắt đầu hiểu một khái niệm lớn: Bé là một cá thể tách biệt với bạn. “Tranh giành quyền lực” trong giai đoạn này thường là những việc như thay tã, chải răng, ngồi vào ghế đẩy hay ghế xe hơi.

Giúp đỡ bé nhút nhát

Nếu bé có tính cách rụt rè, bạn nên tránh nói bé “nhút nhát”. Bé có thể mất nhiều thời gian để làm quen và gần gũi với người khác. Đa phần bé tập đi đều tỏ ra nhút nhát, đặc biệt là trong những tình huống mới. Hội chứng lo lắng bị xa cách thường khiến các bé hòa đồng và mạnh dạn sợ hãi hơn là những bé e dè cùng tuổi.
Nếu bé có vẻ hướng nội, hãy dành cho bé nhiều sự quan tâm và yêu thương. Khi ở nơi đông người, hãy tỏ ra thông cảm và hiểu bé. Nắm tay bé và nói “Bữa tiệc ồn ào quá phải không con?” Cho bé thời gian thích nghi mà không hối thúc và khích lệ khi bé cởi mở hơn.

Tuần 3

Bàn tay nhỏ luôn bận rộn

Chìa khóa, bút chì, son môi, điện thoại hết thảy đều thu hút bé. Những đồ vật này trông có vẻ hay ho để nhìn ngắm và sờ nắn, và khi bé thấy bạn dùng chúng bé cũng muốn làm theo.
Vấn đề là bạn không muốn bé phá thỏi son của mình và lo lắng vì nhiều đồ vật chứa chất độc hại và có thể gây hóc. Hãy tìm thứ gì đó an toàn để bé thỏa ý bắt chước như chùm chìa khóa nhựa, túi xách cũ, lược hay một cái ví rẻ tiền.
Có rất nhiều cách để làm bé luôn bận tay trong một đến hai phút, chẳng hạn như bỏ vào một cái chăn với đầy những vật như nón, muỗng gỗ, hộp nhựa, nắp đậy và những dụng cụ khác. Bé sẽ thích thú tìm ra cách sử dụng chúng.

Những lời nói đầu tiên

Bạn lo lắng khi bé vẫn chưa nói nhiều? Không sao cả. Nhiều bé, đặc biệt là các bé trai, thường nói ít đến giữa năm hai tuổi.Tuy vậy việc bé 15 tháng tuổi hiểu phần lớn những gì bạn nói vẫn là dấu hiệu tốt. Hãy tiếp tục nói và đọc cho bé nghe, nhưng đừng cố gắng dỗ bé nói. Trước khi 18 tháng tuổi, bé sẽ nói được ít nhất 15 từ. Hãy chú ý tới khả năng nghe, bởi nếu bé nghe kém thì bé sẽ chậm nói. Báo ngay bác sĩ nếu bé gặp bất kỳ vấn đề gì về nghe.

Tuần 4

Kiểm soát hành vi cắn

Bé của mẹ đã 15 tháng tuổi

Rõ ràng cắn là hành vi thiếu văn hóa. Khi bé 15 tháng tuổi cắn, thường là do bé thiếu kĩ năng ngôn ngữ để diễn tả. Thỉnh thoảng khi cảm thấy bị đe dọa, có thể bé sẽ nghĩ ngay đến việc cắn.
Có một cách hay để ngăn việc cắn trở thành thói quen: Đầu tiên hãy xem thử đứa bé bị cắn có ổn không, hãy giữ bình tĩnh với cả hai bé. La hét hay bắt phạt không phải là hiệu quả vì bé khó có thể kiểm soát cảm xúc của mình.
Thực ra bé cắn có thể khóc to hơn là bé bị cắn. Đơn giản là nói “đừng cắn” và hướng dẫn bé. Hãy tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Bạn có thể tháo gỡ rắc rối nếu biết được nguyên nhân.
Đừng bao giờ dạy bé cảm giác bị cắn là như thế nào bằng cách cắn bé. Điều đó chỉ làm bé nghĩ rằng cắn cũng là chuyện bình thường.

Nơi an toàn để chơi

Tạo một không gian riêng trong nhà để bảo vệ an toàn cho bé không phải là điều dễ dàng nếu bé thích tìm tòi khám phá mọi thứ. Nhưng nếu bạn có thể thiết kế một nơi an toàn, bé sẽ được khám phá thoải mái mà không bị kiểm soát hoặc từ chối và bạn cũng có thêm thời gian để nghỉ ngơi. Bạn vẫn phải theo dõi bé nhưng sẽ an tâm hơn khi những đồ vật nguy hiểm đã nằm ngoài tầm tay của bé.

(Nguồn: babycenter)

Biên dịch bởi Wellcare

- 27-08-2018 -

Bài viết liên quan