Bé của mẹ đã 12 tháng tuổi

Những bước đi đầu tiênNhiều bé chập chững những bước đi đầu tiên vào khoảng 9 - 12 tháng tuổi và sẽ đi giỏi trước khi được 14 - 15 tháng. Nhưng đừng lo lắng nếu con bạn vẫn phải vịn vào bàn để đi, một số bé mãi đến khi 15 - 16 tháng tuổi

Tuần 1

Bé của mẹ đã 12 tháng tuổi

Những bước đi đầu tiên

Nhiều bé chập chững những bước đi đầu tiên vào khoảng 9 - 12 tháng tuổi và sẽ đi giỏi trước khi được 14 - 15 tháng. Nhưng đừng lo lắng nếu con bạn vẫn phải vịn vào bàn để đi, một số bé mãi đến khi 15 - 16 tháng tuổi hoặc muộn hơn mới bắt đầu biết đi.
Không nên đỡ bé hoặc bế bé quá thường xuyên để tạo cho bé nhiều cơ hội tập đi. Bạn có thể giúp bé bằng việc sắp xếp đồ đạc trên lối đi sao cho thật an toàn và tiện lợi. Hãy dời đi những đồ dùng nguy hiểm bé có thể vấp phải như khăn trải bàn hay là phích cắm điện.
Nếu con bạn đang tập đi, bé sẽ thấy an tâm hơn nếu có thể vịn vào ngón tay của bạn, hoặc bạn đi phía sau nắm lấy tay bé. Xe đẩy đồ chơi có chân đế rộng và an toàn cũng sẽ giúp bé tập đi.
Hai thứ hỗ trợ không cần thiết: khung tập đi (Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ cho rằng khung tập đi không an toàn và không có tác dụng khuyến khích bé học đi) và giày đi trong nhà: Chân trần, vớ, hoặc giày đế mềm sẽ giúp bé tập giữ thăng bằng. Hãy dùng giày để bảo vệ chân bé khi ra ngoài.

Danh mục kiểm tra sức khỏe

Bạn nên chuẩn bị sẵn cho cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát lúc 1 tuổi của bé bằng cách đoán trước một vài vấn đề bác sĩ sẽ hỏi như:
Ngủ: Bé ngủ trưa bao lâu và ngủ vào ban đêm bao lâu?

  • Ăn: Bạn cho bé ăn dặm những thức ăn gì? Cảm giác thèm ăn của bé như thế nào? Bé có thích dùng tay bốc thức ăn không?
  • Răng: Bé mọc bao nhiêu cái răng rồi?
  • Những kĩ năng phát triển: Bé bò có tốt không? Bé vịn vào vật hay tự đi? Bé có tương tác bằng mắt và phản hồi khi nghe gọi tên không?
  • Tầm nhìn: Bạn có để ý thấy bé dụi mắt hay liếc mắt thường xuyên, hoặc có xu hướng giữ đồ chơi và sách vào sát mặt của bé không?
  • Nghe: Bé có hướng về phía các âm thanh không?
  • Nói: Bé có bắt chước âm thanh, bập bẹ hay nói bất kì từ nào không?

Tuần 2

Bé của mẹ đã 12 tháng tuổi

Đến nha sĩ

Đã tới lúc cho bé gặp nha sĩ lần đầu tiên. Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ và Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ chỉ ra rằng khoảng 40% bé bị sâu răng trước khi 5 tuổi và tỉ lệ sâu răng sữa không hề giảm như tỉ lệ sâu răng vĩnh viễn trong suốt 30 năm qua.
Cuộc gặp này sẽ cho bạn biết về tình trạng răng miệng của bé. Nha sĩ sẽ chỉ ra những lưu ý khi chăm sóc răng sữa đang mọc, ngăn ngừa sâu răng và đảm bảo lượng fluor phù hợp. Bạn có thể liên hệ với nha sĩ riêng hoặc chọn một nha sĩ nhi khoa có văn phòng thân thiện với bé con để giúp bé thoải mái, thư giãn.
Ở nhà, hãy làm sạch răng cho bé trước khi ngủ bằng gạc ướt hoặc khăn thấm nước. Không dùng bàn chải đến khi bé được 20 - 30 tháng tuổi. (Cho bé cầm bàn chải để không chú ý khi bạn làm vệ sinh răng miệng cho bé).
Bé chưa cần dùng kem đánh răng. Nếu thích bạn có thể lựa chọn kem đánh răng không chứa fluor cho bé và chỉ dùng kem đánh răng có chứa florua khi bé được 2 tuổi trở lên.

Sữa trong thực đơn

Sữa bò chiếm phần lớn trong chế độ ăn của bé 12 tháng tuổi.
Sữa tươi nguyên kem là lựa chọn cho bé tại thời điểm này vì bé tập đi cần chất béo cho quá trình phát triển và đáp ứng nhu cầu năng lượng. (Ngoại trừ trường hợp bạn thừa cân hoặc béo phì, gia đình có tiền sử bị béo phì, cholesterol cao và bệnh tim mạch, bác sĩ có thể khuyến nghị nên dùng sữa ít béo.)
Đến 24 tháng tuổi, bé có thể chuyển sang sữa ít béo hoặc sữa tách béo hoàn toàn.
Với một lượng vừa phải, sữa bò cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho bé ở giai đoạn tập đi. Các nhà dinh dưỡng khuyến nghị rằng bé 1 tuổi nên uống ít nhất 470ml sữa nhưng không vượt quá 700ml một ngày.
Một số bé thích uống sữa và bố mẹ nên hạn chế không cho bé uống quá mức. Bé sẽ cảm thấy no nếu uống nhiều hơn 700ml sữa và bỏ qua các đồ ăn quan trọng khác cho một chế độ ăn cân bằng.
Bé tập đi thoạt đầu có thể không muốn uống sữa bò vì sữa bò có cấu trúc, hương vị và cả nhiệt độ khác so với sữa mẹ và sữa bột. Phụ huynh có thể thử trộn sữa nguyên kem với sữa mẹ hoặc sữa bột trước (1 phần sữa nguyên kem và 3 phần sữa bình thường bé uống), sau đó tăng dần lên đến khi sữa bò chiếm 100%.
Bạn có thể lựa chọn cho bé loại đồ uống giàu canxi khác như sữa đậu nành.

Tuần thứ 3

Bé của mẹ đã 12 tháng tuổi

Đã qua rồi giai đoạn bập bẹ

Đây là thời điểm thú vị, khi bé đã bắt đầu nói những từ có thể hiểu được sau hàng tháng bập bẹ. Để đạt được mốc phát triển này, bé phải trải qua cả một quá trình dài. Tốc độ phát triển ngôn ngữ cũng có sự khác biệt giữa các bé. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là: bé hiểu nhiều hơn những gì bé có thể nói. Có một vài thứ cần chú ý lúc này:

  • Khi cử chỉ còn mạnh hơn cả lời nói. Bé có thể ít nói nhưng lại có vô số những cử chỉ để bày tỏ ý muốn, chẳng hạn như giơ tay lên với hàm ý “lên” hoặc chỉ trỏ ngón tay có ý muốn hỏi “Đó là cái gì?” Nếu trước đây, bé được học về ngôn ngữ kí hiệu thì bây giờ bé đặc biệt “thành thạo” trong việc sử dụng chúng.
  • Từ ngữ mang nhiều ngữ nghĩa khác nhau. Một từ như “măm” có thể có nghĩa “Con muốn uống sữa,” “Không, con muốn uống nước,” hoặc “Con làm rớt cái bình của con rồi!” Hãy lắng nghe ngữ điệu. Bé sẽ nói cùng một từ theo nhiều cách và sử dụng những cử chỉ khác nhau.
  • Từ ngữ trong cuộc sống hằng ngày. Không ngạc nhiên khi những từ đầu tiên của bé liên quan đến những thứ trong cuộc sống: “Mẹ” và “Bố” và những người bé yêu quý hay thú nuôi, hoặc những từ ngữ có liên hệ với việc ăn, ngủ, đồ đạc hoặc mong muốn.

Mối nguy lớn từ những ngón tay nhỏ

Giờ đây, kỹ năng vận động tinh của bé đã phát triển tốt, nhờ vậy bé có thể cầm nắm những vật nhỏ khá dễ dàng. Bé sẽ thích thú luyện tập khả năng này với bất kì vật nào bé thấy trên sàn.
Hãy thật cẩn thận với những vật nhỏ nhưng ẩn chứa nguy hiểm rớt dưới sàn mà người lớn không chú ý ví dụ như vitamin hoặc các viên thuốc, mẩu đồ ăn (và thức ăn của vật nuôi), ghim từ bảng tin, những bộ phận đồ chơi bé xíu... Sẽ rất nguy hiểm nếu bé bỏ chúng vào miệng.

Tuần thứ 4

Bé của mẹ đã 12 tháng tuổi

Những hành vi bắt chước

Bé tập đi thích bắt chước những người xung quanh, đặc biệt là bố mẹ. Đó là cách bé học những hành vi cơ bản.
Bạn có thể thấy bé đang cố gắng chải tóc, lau bàn bằng yếm của bé, nhấn các phím trên điện thoại hoặc thử đeo kính của bạn. Dần dần, bé sẽ lặp lại từ ngữ và giọng nói của bạn.
Tuy nhiên, bắt chước cũng gây ra những điều tai hại. Nếu bé thấy bạn lấy vitamin hay thuốc thì bé cũng sẽ làm theo khi bạn không chú ý. Vậy nên, hãy thận trọng về sự an toàn. Sử dụng các nắp đậy cho thuốc và vitamin mà bé không mở được, và cất thuốc lên cao để bé không với tới. Đừng để bé thấy cách bạn mở khóa an toàn cho bé - chúng sẽ háo hức được làm giống y như bạn.

(Nguồn: babycenter)

Wellcare biên dịch

 

- 08-06-2018 -

Bài viết liên quan