Bắt bệnh cho trẻ qua tiếng ho

Ho về mặt bản chất là một phản xạ tự nhiên của đường hô hấp, nhằm tống xuất đàm dãi, dị vật ra ngoài khôi phục sự thông thoáng của đường thở, vì vậy ho là có lợi. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ ho quá nhiều dễ dẫn tới mệt lả, kiệt sức... Vì vậy, bài viết này cũng cấp cho bạn một số kiến thức khi nghe tiếng ho có thể sơ bộ biết được tình trạng bệnh của con và có những quyết định tiếp theo đúng đắn.

Ho về mặt bản chất là một phản xạ tự nhiên của đường hô hấp, nhằm tống xuất đàm dãi, dị vật ra ngoài khôi phục sự thông thoáng của đường thở, vì vậy ho là có lợi. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ ho quá nhiều dễ dẫn tới mệt lả, kiệt sức... 

(Ảnh minh họa)

Trẻ bị ho. (Ảnh minh họa)

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số kiến thức cơ bản khi nghe tiếng ho có thể đánh giá sơ bộ tình trạng bệnh của con và có những quyết định tiếp theo đúng đắn:

1. Ho ông ổng: Viêm thanh quản

Bạn sẽ thấy trẻ đột ngột ho rất nhiều, tiếng ho nghe ồm ồm, là dạng ho khan, thường ho rất nhiều. Kèm theo đó, trẻ có thể bị khan giọng, tắt tiếng kèm theo tiếng thở rít, tức là mỗi khi trẻ hít vào có vẻ nặng nhọc và phát ra tiếng khít, khít ở ngay cổ, tiếng thở rất ồn ào. Hõm ức của trẻ lõm vào mỗi khi trẻ hít vào.
Bệnh có thể gây ra cơn khó thở thanh quản nặng, nên bạn cần cho con đi gặp bác sĩ ngay.

2. Đột ngột ho sặc sụa, tím tái: Dị vật đường thở

Trẻ đang khoẻ mạnh bình thường, đột ngột ho sặc sụa, dữ dội, mặt đỏ căng, tím tái nhất là khi trẻ đang ăn, uống hay chơi những đồ vật nhỏ...
Cần sơ cứu kịp thời và cha mẹ cần lập tức đưa con tới cơ sở y tế gần nhất.

3. Ho đàm, tiếng ho sâu: Viêm đường hô hấp dưới

Ho đàm là khi cha mẹ nghe thấy tiếng lọc xọc cùng với tiếng ho, tiếng ho sâu, dài sau tiếng ho phát ra tiếng khứ, khứ... có thể trẻ đã bị viêm phế quản, viêm phổi, cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ.

4. Ho khan, tiếng ho ngắn: Viêm mũi họng

Tiếng ho nghe ngắn, gắt, cộc lốc và không đàm hoặc rất ít đàm, nghe giống như có cái gì cào, xát vào cổ họng... thường ho như vậy là trẻ bị viêm mũi họng. Với kiểu ho này các bài thuốc dân gian: mật ong đường phèn, trà gừng mật ong, củ cải đường, hẹ, siro ho đông dược tỏ ra có hiệu quả.

5. Ho kéo dài

Ho kéo dài là dấu hiệu của nhiều bệnh: hen phế quản, cảm cúm liên tiếp, dị ứng đường thở, trào ngược dạ dày thực quản...

  • Nếu trẻ ho kèm theo thở nhanh, phát ra tiếng khò khứ, khò khứ... có thể trẻ bị hen.
  • Nếu trẻ ho kéo dài, kèm theo trẻ hay bị ói, ọc hay sau bữa ăn trẻ hay ho, hễ nằm xuống là ho... có thể trẻ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
  • Trẻ ho kéo dài, ăn uống kém, gầy sút cân, hay sốt về chiều, gia đình có người bị bệnh lao, hay trẻ chưa tiêm phòng... cần nghĩ tới lao phổi.

6. Trẻ cứ ho là ói

Đây là tình huống thường gặp, ói ở đây là do ho nhiều kích thích thành họng gây ói, trường hợp này dùng thuốc chống ói không có hiệu quả, mà phải điều trị ho.

BS Trần Văn Công

Phòng khám Victoria Healthcare

- 28-05-2018 -

Bài viết liên quan